Sự kiện hot
12 năm trước

Siêu thị chi cả nghìn tỷ đồng chuẩn bị hàng Tết

Nhập sản phẩm tăng 20-35% so với những tháng bình thường, nhiều siêu thị chi hàng trăm tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán 2012.

Nhập sản phẩm tăng 20-35% so với những tháng bình thường, nhiều siêu thị chi hàng trăm tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán 2012.

Tết Nguyên đán 2012 về sớm hơn mọi năm hai tuần khiến nhiều siêu thị gấp rút chuẩn bị hàng hóa từ cách đây vài tháng. Năm nay, các đơn vị kinh doanh đều tung cả trăm tỷ để đầu tư, dự trữ hàng hóa cho dịp Tết. Sở hữu chuỗi siêu thị Hapro, Tổng công ty thương mại Hà Nội chi khoảng 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Hapro tập trung vào những mặt hàng thiết yếu với hơn một nghìn tấn gạo, 542 tấn thịt, 575 tấn rau củ quả và gần 2.500 tấn thực phẩm chế biến. Đại diện doanh nghiệp này dự báo nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên Đán 2012 tăng từ 20% đến 22% so với các tháng trong năm. Đơn vị này cam kết đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ người tiêu dùng với giá bình ổn như hiện nay.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết năm nay doanh nghiệp này đầu tư khoảng 250 tỷ đồng cho hàng Tết, với lượng hàng hóa tăng 30-35% so với hàng tháng. Toàn bộ hệ thống Fivimart sẽ phục vụ khách hàng đến chiều ngày 30 và mùng 6 Tết thì mở cửa hoạt động trở lại.

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội cũng tiết lộ họ sẽ đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho dịp Tết, chủ yếu là hàng thực phẩm, bia, rượu, bánh mứt kẹo và thịt. Con số này tăng 30% so với các tháng và 10% so với Tết Nguyên đán năm ngoái. Theo anh dự đoán, thị trường Tết năm nay sẽ tập trung mạnh vào nhóm sản phẩm ăn uống, các siêu thị trở thành nguồn cung chính nên khả năng tiêu thụ là rất lớn.

Chuẩn bị hàng Tết từ sớm, ngay từ tháng 6, hệ thống siêu thị Big C đã làm việc và thống nhất với các nhà cung cấp về số lượng hàng, giá cả và công tác giao nhận. Fivimart cũng thỏa thuận, ký kết hàng Tết từ cách đây 3 tháng. Đến nay, 60% đã tập kết về kho. Theo lãnh đạo các siêu thị, điều này nhằm giữ giá cả ổn định.

Theo đó, với mỗi kg, thịt lợn có giá 120.000-145.000 đồng, giò Tết có giá 110.000-150.000 đồng, măng khô có giá 250.000-350.000 đồng. Bánh chưng giá từ 25.000 đồng, mỗi chai rượu vang có giá trên 30.000 đồng... Giỏ quà Tết bao gồm rượu, bánh mứt kẹo, thuốc lá, trà... khá đa dạng với khung giá từ 54.900 đồng đến 2 triệu đồng, tăng 5-10% so với năm ngoái.

"Trong bối cảnh lạm phát, việc tiêu thụ những mặt hàng xa xỉ và giá trị lớn sẽ bị hạn chế hơn", ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long dự đoán.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng đây là động thái tốt của các siêu thị. Trong khi quỹ bình ổn giá của cả thành phố Hà Nội chỉ có hơn 400 tỷ đồng thì các doanh nghiệp tự huy động nguồn vốn để chuẩn bị sớm, dự trữ và ổn định giá cả hàng Tết là việc làm tích cực.

Song theo ông Phú, chưa thể nhìn vào số tiền vài trăm tỷ đồng để khẳng định hàng Tết năm nay có dồi dào hay không. Bởi khi giá cả đều ở ngưỡng cao so với năm ngoái thì chi phí đầu tư tăng 10-15% không có nghĩa là lượng sản phẩm cũng tăng tương ứng như vậy. "Cân thịt thăn năm ngoái có 80.000 đồng, còn hiện nay là 140.000 đồng... Nhiều mặt hàng cũng tăng giá gấp đôi, nên đầu tư 1.400 tỷ đồng song số lượng hàng hóa chỉ bằng chi phí 1.000 tỷ đồng của năm trước", ông Phú giải thích

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chuẩn bị hàng hóa sớm nhưng các siêu thị phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề đầu ra. Trên thực tế, không ít năm, ra Tết, hàng hóa thừa, ế ẩm. Trong đó, những mặt hàng tươi sống như thịt, giò, bánh chứng, bánh mứt kẹo đều chỉ có hạn sử dụng. Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú ý kích cầu tiêu thụ, dự đoán sức mua, theo dõi thời tiết, tiền lương, thưởng cuối năm của người lao động để có hướng đầu tư chính xác.

Cũng theo ông Phú, việc chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá không chỉ chú trọng dịp Tết mà phải lưu tâm cả trước và sau Tết. Cơ quan quản lý Nhà nước phải giữ vai trò “nhạc trưởng” để định hướng, điều tiết hàng hóa, giá cả, tránh tình trạng doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm”.

“Hiện nay, Hà Nội mới chỉ đảm bảo 65% nhu cầu thịt lợn, 40% nhu cầu rau xanh, thủy sản còn ít hơn nên phải tạo điều kiện để các tỉnh đưa nông sản về. Điều đó vừa đảm bảo nguồn cung, vừa làm dịu giá cả”, ông Phú cho biết.

Theo VnExpress


Từ khóa: