Sự kiện hot
6 năm trước

Sử dụng thớt sai cách: Coi chừng rước bệnh vào thân!

Thớt là một dụng cụ quen thuộc và cần thiết trong căn bếp của mọi gia đình nhưng không phải bà nội trợ nào cũng biết cách sử dụng đúng.

Thớt gỗ là vật dụng quen thuộc không thể thiếu khi chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, vì sử dụng sai cách, chúng ta đã vô tình biến chúng trở thành ổ chứa đầy vi khuẩn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn mà nhiều bà nội trợ vô tình bỏ quên. Bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại trong đó có E.coli. Nếu để thớt bẩn thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu. Vi khuẩn E.coli, salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn khi thớt được vệ sinh không đúng cách.

Hiện nay, trên thị trường có bày bán nhiều loại thớt bằng chất liệu như thớt gỗ, thớt nhựa thớt thủy tinh… với hình dạng và màu sắc bắt mắt. Nhiều bà nội trợ băn khoăn cân nhắc không biết nên chọn thớt chất liệu gì để dùng đảm bảo cho sức khỏe của cả gia đình.

Theo các chuyên gia, nguy cơ mang bệnh từ thớt thật ra không chỉ nằm ở chuyện thớt làm bằng nguyên liệu gì, mà chủ yếu là vì thói quen dùng chung một thớt cho cả thực phẩm sống lẫn chính, ngoài ra nguyên nhân quan trọng nữa là do làm vệ sinh thớt không đúng cách hoặc do dùng một cái thớt quá lâu. Nếu bạn chỉ dùng một chiếc thớt vừa để chế biến thịt sống, vừa thái rau củ hay trái cây làm nước ép thì sẽ có nhiều khả năng lây nhiễm các vi khuẩn trên. Lây nhiễm chéo là điều khó tránh khỏi khi dùng chung các loại thớt, đó cũng là lý do tại sao nên dùng thớt riêng cho những người bị dị ứng thực phẩm. Ngay cả khi bề mặt thớt trông rất sạch sẽ thì trên thớt vẫn còn chứa những chất có thể gây dị ứng.

Đề phòng nhiễm bệnh từ thớt, theo lời khuyên của các chuyên gia tối thiểu trong bếp nhà bạn phải có 2-3 loại thớt, một để thái thức ăn sống, một dùng cho đồ chín và cái khác chuyên cắt trái cây... để tránh nhiễm vi khuẩn chéo. Cụ thể,

- Thớt gỗ: Thích hợp khi bạn muốn chặt, băm thức ăn. Tuy nhiên, thớt gỗ thường có mùn, bị nứt và mục sau một thời gian sử dụng. Những khe nứt để giữ lại mảnh vụn của thức ăn, là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.

- Thớt nhựa: Thớt nhựa không bị mùn nhưng không nên dùng thớt nhựa để chặt, băm bởi không những dao sẽ bị cùn nhanh mà những mảnh nhựa còn có thể văng ra lẫn vào thực phẩm.

- Thớt thuỷ tinh: Ưu điểm của thớt thuỷ tinh là không bị mùn, không bị ô xy hoá, dễ lau rửa. Dùng cắt đồ ăn chín hay trái cây đều được mà bề mặt không bị xước. Nhưng hạn chế của loại thớt này là không dùng để băm, chặt được đồ ăn cứng.

Vệ sinh thớt sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng rất quan trọng, vì thớt có ảnh hưởng rất lớn tới an toàn trong bữa ăn. Một chiếc thớt bẩn nếu không được vệ sinh kỹ sau khi sử dụng sẽ mang theo vi khuẩn có hại vào món ăn của gia đình bạn. Sau khi sử dụng, thớt cần được rửa với nước rửa chén và bàn chải để làm sạch phần thức ăn thừa bám trên mặt thớt và phải dựng hoặc treo lên cho thật khô. Đặc biệt, sau thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ bị đan chéo nhiều vết cắt, lâu ngày thức ăn giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, với thớt dùng cho thức ăn chín, khoảng từ 6 – 8 tháng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, nên thay thớt mới để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đặc biệt, với thớt gỗ, để thớt giữ được độ ẩm và không bị nứt, khi mua về nên ngâm thớt trong nước muối khoảng 24g với tỷ lệ 200g muối/1 lít nước rồi đem phơi khô. Theo cách dân gian, khoan một lỗ nhỏ với đường kính khoảng 1cm trên thớt rồi dùng một loại gỗ khác chốt kín lại sẽ giúp thớt không bị nứt. Trước khi sử dụng để cắt thực phẩm (chín) nên tráng thớt qua nước sôi. Sau khi chế biến thực phẩm, dùng khăn sạch ngâm vào hỗn hợp nước rửa bát với nước nóng, rồi chùi trên bề mặt thớt. Lặp đi lặp lại cho đến khi thớt sạch, rửa lại bằng nước sạch và treo lên nơi khô thoáng.

Nếu thớt bị đen, ngả vàng, có thể khử trùng thớt với các loại thuốc tẩy nhẹ bằng cách cho 5ml thuốc tẩy vào 500ml nước rồi xịt lên bề mặt thớt, để khoảng 10 phút (với thớt nhựa, nếu vết ố quá nhiều, quá đen có thể ngâm khoảng 30 phút). Sau đó, rửa lại bằng nước rửa chén pha với nước ấm cho thật sạch, nếu cần có thể dùng chanh chà xát lên thớt lần nữa bởi nước tẩy là hóa chất, cần rửa kỹ.

Khi chọn mua thớt, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có nhãn mác rõ ràng để biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Không nên chọn những chiếc thớt có bề mặt phủ lớp màu, vì đây là cách để nhà sản xuất che giấu các vết nứt hoặc thấm mốc bên dưới… Tuyệt đối không chọn những sản phẩm chỉ ghi lập lờ với thông tin chung chung.

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: