Sự kiện hot
11 năm trước

Sự thật cái chết và đôi gươm thần của hùm thiêng Yên Thế Hùm thiêng khi trở thành thần

Dantin - Năm 1937, ông Nguyễn Văn Tố, Xử lý Thường vụ của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội có dịp tiếp đại tá Chofflet (những năm trấn áp cuộc khởi nghĩa, Chofflet mới chỉ mang hàm thiếu tá –PV). Choffet yêu cầu ông Nguyễn Văn Tố nhân danh Viện Viễn Đông Bác Cổ nhận lại một số vật mà ông ta thu được làm chiến lợi phẩm sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại.

Dantin - Năm 1937, ông Nguyễn Văn Tố, Xử lý Thường vụ của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội có dịp tiếp đại tá Chofflet (những năm trấn áp cuộc khởi nghĩa, Chofflet mới chỉ mang hàm thiếu tá –PV). Choffet yêu cầu ông Nguyễn Văn Tố nhân danh Viện Viễn Đông Bác Cổ nhận lại một số vật mà ông ta thu được làm chiến lợi phẩm sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại. Trong đó có một đôi gươm sáng quắc, khi “Chofflet đưa ra đôi tay vẫn run run không chỉ vì tuổi già mà là kinh sợ” .

Gươm báu trong tay anh hùng

Nói thêm về viên đại tá Chofflet, trong những năm đàn áp cuộc khởi nghĩa mà Đề Thám lãnh đạo, Chofflet được biết đến là một chỉ huy khét tiếng khát máu và tàn ác trong quân đoàn viễn chinh Pháp. Khi cuộc truy bắt Đề Thám trong rừng diễn ra, Chofflet đã nhiều lần “gặp gì giết nấy” kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót” kể cả trẻ con và người già.

Đề Thám và các cháu của ông

Năm 1937, đại tá Chofflet đã hơn 80 tuổi và đã về hưu từ lâu. Ông ta dẫn theo một cô gái gần 30 tuổi được biết là con của một bộ hạ Đề Thám khi mẹ con cô bị bắt trong cuộc tấn công vào căn cứ Đề Thám năm 1909. Lúc đó, cô bé mới hơn một tuổi, sau đó được đem về Pháp và được Chofflet nhận làm con nuôi. Cùng với đôi gươm, Chofflet còn mang đến đôi dép da tê và ấn triện của Đề Thám. Chofflet coi những vật này là chiến lợi phẩm. Trong suốt thời gian ở Đông Dương, Chofflet luôn giữ những vật này ngay tại nơi ở và làm việc của mình.

Theo Chofflet, xuất xứ đôi gươm thì không cần bàn cãi: Nó là của Đề Thám. Tuy nhiên, lai lịch của đôi gươm trước khi vào tay người anh hùng dân tộc lại có thêm nhiều chi tiết khác.

Đền thờ Hoàng Hoa Thám ở Tân Yên, Bắc Giang

Choflet lặng lẽ kể cho ông Nguyễn Văn Tố nghe những gì Chofflet được biết: “Đôi gươm này do họ Trịnh (một dòng họ bảy đời làm nghề rèn gươm kiếm) ở Quảng Châu đúc cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Hà Châu Phiên (đời Thanh Càn Long – PV). Đôi gươm quý có khắc chữ “Hà” trên thân gươm được họ Hà quý hơn tính mạng mình. Khi Tôn Sĩ Nghị đem binh sang đánh nước Nam, họ Hà cũng theo sang. Đạo binh của Tôn Sĩ Nghị thảm bại chạy về nước, họ Hà đã bỏ lại đôi gươm báu để thoát thân. Đôi gươm không biết thế nào lại về tay Thân Văn Phúc (Ba Phúc, cha nuôi Đề Thám). Sau đó, Tư Lộc (em Ba Phúc) khi về phụ tá Đề Thám đã khắc đè chữ “Hoàng” lên chữ “Hà” để dâng lên thủ lĩnh nghĩa quân”.

Kể đến đó, Chofflet cũng nói rằng đã từng đưa đôi gươm về nước cho chuyên viên coi thì quả thấy chữ “Hà” đã bị làm mờ hẳn đi để khắc lên chữ “Hoàng”. Nước thép của đôi gươm cũng không phải bình thường. “Nước thép chỉ hơn chứ không kém loại thép “Blue steel of Lancashire” dùng rèn gươm cho hoàng tộc Anh”- Chofflet nhấn mạnh. Sau đó, Chofflet nói thêm: “Chính đôi gươm này vào tay Đề Thám đã khiến hàng ngàn quân Pháp viễn chinh đã bỏ mạng. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã kéo dài tới 30 năm. Đó là cuộc khởi nghĩa mà cả người Pháp ở Đông Dương không thể ngờ được. Chẳng biết do đôi gươm của Đề Thám là gươm thần hay Đề Thám quá anh hùng nữa”.

Cha vợ Đề Thám bị bắt và bị khênh về Nhã Nam sau khi khởi nghĩa thất bại

Sau khi Đề Thám bị sát hại, Chofflet thu được đôi gươm của Đề Thám. Chofflet đã cho đôi gươm vào tủ kính nơi phòng khách vừa để trưng bày, vừa để thị uy. Nói xong về xuất xứ đôi gươm, Chofflet đưa cho học giả Nguyễn Văn Tố một xấp giấy đánh máy nói đó là phần sao trích bản hồi ký của chính mình để nói rõ lý do tại sao ông ta không thể và không dám giữ đôi gươm thần của Đề Thám.

Chofflet, hãy trả gươm cho ta!

Toàn bộ cuốn hồi ký của Đại tá Chofflet là những ám ảnh khôn nguôi, những sự việc “thiên linh linh, địa linh linh” khiến một người dày dạn chiến trường, giết chóc như Chofflet cũng mất cả hồn vía.

Theo hồi ký của Chofflet, cuộc đòi gươm đầu tiên của Đề Thám diễn ra đêm 10/2/1913 tức là ngay sau khi “Hùm thiêng Yên Thế” bị sát hại.

“Ngay đêm hôm ấy, tôi nằm mộng thấy một chiến sỹ (lúc viết hồi ký, không bao giờ Chofflet có những từ xúc phạm hay mỉa mai vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thậm chí Chofflet luôn dành những danh từ đầy tôn trọng cho Đề Thám – Theo dịch giả Hoàng Quân) ăn mặc như người sơn cước, thân cao, vai rộng, nước da sậm hiện ra giữa phòng khách. Sau khi nhìn kỹ, tôi chợt kinh sợ vì hồn ma không có đầu. Hồn ma này đi tới đi lui một hồi rồi đứng rất lâu trước tủ kính để nhìn vào đôi gươm. Đoạn hồn ma đến chỗ tôi nằm, chồm thân vào màn rồi biến mất”.

Đề Thám trong bộ Tây phục

“Tôi la lớn một tiếng rồi giật mình thức dậy. Mặc dù kinh hãi tôi cũng chỉ nghĩ rằng do ban ngày mình đã nhìn thấy đầu và thân Đề Thám nên ban đêm xúc cảm quá mà nghĩ mơ vậy chăng?”.

“Nhưng đó mới là đêm đầu tiên, vả chăng Đề Thám cũng chưa đả động gì đến đôi gươm, nhưng đêm thứ hai mới thực sự là kinh hãi”.

“Đề Thám lại hiện về, rồi có tiếng nói: Mi có trả đôi gươm cho ta không? Tôi muốn trả lời mà không thể nào mở miệng ra được. Hình ma Đề Thám tỏ vẻ giận dữ. Hai tay cầm hai thanh gươm bẻ gãy thành tiếng chói tai làm tôi giật mình thức tỉnh. Tôi chạy nhanh lại chỗ hình ma bẻ gãy đôi gươm để lượm mảnh gãy nhưng chỉ thấy nền gạch trống trơn. Tủ kính vẫn khóa y nguyên và đôi gươm vẫn ở trong đó”.

“Nghe tôi kể chuyện, các bạn thân tôi khuyên tôi rời chỗ ngủ đến một nơi khác. Nhưng tôi không làm theo. Bởi tôi nghĩ nếu Đề Thám đã hiển linh thì tôi ở đâu cũng thế. Ông Đề Thám muốn phá tôi thì ở đâu cũng phá được.

Dịp cuối năm 1913, gần Tết, tôi định bắt chước các vọng tộc Việt Nam treo chéo đôi gươm trên tường chỗ tôi nằm nhằm mục đích trang hoàng…”

“Nhưng chỉ độ một tháng sau, ngày mùng 5 Tết, ngày giỗ Đề Thám, tôi lại bị một phen kinh hoàng, lần này không phải là mơ nữa. Đêm ấy, sau khi đọc sách như thường lệ, tôi nằm xuống giường thiu thiu ngủ. Trong phòng, một ánh sáng chợt lóe lên rồi tắt liền. Tôi nhìn lên chỗ đặt đôi gươm thì ở giữa đôi gươm vắt chéo, đầu lâu của Đề Thám hiện ra. Đôi mắt Đề Thám trợn lên liếc qua, liếc lại. Chỗ bị chém máu vọt ra lênh láng, chảy trên tường tạo thành những vệt đỏ tươi. Bắt đầu từ đó, tôi không dám khinh thường sự hiện hồn của Đề Thám nữa. Kinh sợ, là hai từ mà tôi luôn thấy”.

“Nghe lời của một người bạn sĩ quan là tín đồ của thông linh học, tôi gửi thư về Paris để hỏi Thông linh tập san (Revue Spirite) nhờ giải thích hiện tượng này. Viên chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo nói hiện tượng đó xảy ra ở nhiểu nơi, không chỉ ở Việt Nam. Ông khuyên tôi trả lại đôi gươm để tránh những điều không hay về sau…”

Vậy tại sao mãi đến năm 1937 Choffet mới đem đôi gươm của Đề Thám đến Viện Viễn Đông Bác Cổ. Liệu Chofflet có ăn ngon, ngủ yên khi không chịu trả đôi gươm thần cho “Hùm thiêng Yên Thế”?

“Thì ra, người Pháp có được cái đầu của Đề Thám, dập tắt cuộc khởi nghĩa Yên Thế, trấn định được xứ An Nam nhưng không sao lấy đi được cái thần thế của một dân tộc. Bởi 100 năm sau, khi người Pháp đã thành bằng hữu của nước Việt thì họ vẫn nhớ đến món nợ đối với dân tộc dù nhỏ bé nhưng kiên cường. Họ hiểu rằng những thứ mà họ lấy đi của người Việt thì sẽ phải trả lại để cố xua đi cái ân hận của một thời lầm lỡ”.

Dịch giả Hoàng Quân, người dịch cuốn hồi ký của viên Đại tá người Pháp Chofflet viết khi gửi về cho báo Đời sống & Tiêu dùng những tư liệu quý giá.

Vẫn có nhiều giả thuyết về cái chết của Đề Thám

Về cái chết của Đề Thám, nhiều giả thuyết của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều cho rằng sự thật còn chưa sáng tỏ. Sau khi tờ Tương lai xứ Bắc Kỳ đăng bài “Đề Thám chết rồi chăng?” thì ảnh kèm theo bài báo nầy là cái ảnh của Đề Thám chụp năm 1897, chứ không phải cái đầu được bêu ở đồn Nhã Nam . Những số tiếp theo ra ngày 13/2 và 16/2, tờ báo vẫn loan tin sẽ cho in tấm ảnh chụp đầu Đề Thám do Labalette, Brault ở Sở Căn nước chụp nhưng rồi không hiểu sao lại không được in.

Tuy nhiên chính phủ Pháp ra sức tuyên truyền là Đề Thám đã chết. Điều này hoàn toàn có lợi cho họ. Các tờ như Tạp chí Hội địa dư thương mại ở Paris, Châu Á thuộc Pháp, quyển Lịch sử quân sự Đông Dương… đều đưa tin Đề Thám đã chết.

Hôm bêu đầu Đề Thám ở Nhã Nam, Tham tá tỉnh Lạng Sơn là Vi Văn Định cũng đến xem và cho rằng cái đầu đó không phải của Đề Thám, chỉ là đầu của người giống Đề Thám đã được Lương Tam Kỳ đem đến để lãnh trưởng mà thôi. Vậy sự thật cái chết của Đề Thám như thế nào?

Theo hạn định là cái đầu ấy được bêu trong vòng ba ngày, nhưng đến ngày thứ hai thì đã bị hạ xuống. Và những tấm ảnh chụp cái đầu đều bị tịch thu.

Theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám và thường cắt tóc cho Đề Thám nên biết đầu ông có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu

Theo người dân làng Lèo (một địa danh cũ gần nơi Hoàng Hoa Thám bị sát hại), thủ cấp bị bêu là của sư ông trụ trì ở chùa Lèo, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám và không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.

Một giả thuyết khác cho rằng Hoàng Hoa Thám chạy trốn và sống ẩn dật những ngày cuối đời trong dân chúng, và cuối cùng chết vì bệnh tật. Một số quan lại cho rằng Đề Thám mất vào trước thời điểm ngày 10/ 2 / 1913, còn dân chúng lại cho rằng ông mất sau thời gian này.

Đình Tú thực hiện và lược ghi

Từ khóa: