Sự kiện hot
11 năm trước

Sự thật về việc nhặt được vợ của dị nhân đầu trọc

Cách đây không lâu, trên nhiều diễn đàn mạng xôn xao về câu chuyện gã dị nhân đầu trọc Nguyễn Tuấn Nghĩa (SN 1974) ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) “nhặt” được một người phụ nữ hơn mình đến 9 tuổi ở bãi rác Sông Hồng về làm vợ

Cách đây không lâu, trên nhiều diễn đàn mạng xôn xao về câu chuyện gã dị nhân đầu trọc Nguyễn Tuấn Nghĩa (SN 1974) ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) “nhặt” được một người phụ nữ hơn mình đến 9 tuổi ở bãi rác Sông Hồng về làm vợ mà không cần mất lấy một chặp bánh đúc như nhân vật cu Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.


Nguyễn Tuấn Nghĩa đang trò chuyện với phóng viên về cuộc đời mình.

Và câu chuyện càng khiến người ta tò mò hơn bởi cặp vợ chồng “rổ rá” này không chỉ cạo trọc đầu, ăn mặc như những người “tiền sử” mà họ còn có một lối sống rất quái đản, khác người…

“Chuồng” nhà

Ở nhà CT2B, khu đô thị Văn Quán, không ai là không biết danh dị nhân Nghĩa “trọc”. Gần 8 năm qua, người dân ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông trọc đầu, thường dắt xe đạp đi ra khỏi nhà mỗi khi trời đã về khuya và trở về lúc trời gần sáng. Một thời gian sau đó, đi bên cạnh gã đầu trọc ấy còn có một người đàn bà đã luống tuổi, một cô con gái nhỏ cùng một cậu bé trai. Tất cả đều cạo đầu trọc lóc, trắng hớn…

Khi tôi tìm đến phòng 702 của nhà CT2B với ý định tìm hiểu về cuộc sống của gia đình “dị nhân” này thì được một nữ bảo vệ tòa nhà cho biết, Nghĩa đã đuổi chị Mùi (“vợ nhặt”) và cậu con trai riêng của chị ra khỏi nhà từ dịp Tết.

“Mấy hôm trời lạnh, tôi vẫn thấy cả nhà họ chở nhau ra bãi sông Hồng đến tận gần sáng mới về. Thế rồi qua đợt lạnh ấy tôi không thấy chị Mùi và thằng cu đâu nữa. Hỏi ra mới biết gã đã đuổi chị này về quê vì chị này ghen. Chỉ khổ thân con bé con, ngày nào ông bố cũng bắt ngồi sau xe để chở ra bãi sông Hồng đến tận khuya mới cho về. Hôm nào về cũng thấy cô bé ngồi ngủ gà ngủ gật, quặt quẹo phía sau xe… Nhiều hôm ông bố nhặt bao nhiêu là thứ rác rưởi về, chất đầy lên người cô bé. Ngày xưa, cậu con trai riêng của chị vợ cũng khổ lắm. Nó không muốn ra bãi sông Hồng vì lạnh nhưng ngày nào ông bố cũng bắt nó đi. Mỗi lần về đến nhà là người ngợm tím tái vì lạnh…”, nữ nhân viên bảo vệ chia sẻ.

Theo sự hướng dẫn của nữ bảo vệ, tôi tìm đến phòng của dị nhân Nguyễn Tuấn Nghĩa. Nhìn từ bên ngoài, căn hộ đúng nghĩa là một căn chung cư của một khu đô thị mới. Tuy nhiên, khi cửa phòng vừa mở, cảnh tượng đập vào mắt là vô vàn những thứ rác rưởi khó gọi tên nằm ngổn ngang, la liệt khắp không gian. Đặc biệt, những tờ tạp chí, báo, lịch, túi nilon, lá khô, gỗ tạp…với đủ các loại hình thù kỳ dị được chủ nhân chăng dây treo chi chít lối vào nhà. Trong không gian ấy, mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi, mùi thực phẩm thiu quyện đặc quánh. Cái mùi vị đó kinh khủng đến mức nếu ai mẫn cảm với các loại mùi chắc chắn sẽ bị nôn thốc nôn tháo khi bước vào căn phòng này.

Cạo trọc đầu vì muốn sống thanh thản

Đón tôi là một người đàn ông trung niên to lớn, phương phi, trắng hớn, đầu cạo trọc lóc… xưng là Nguyễn Tuấn Nghĩa - chủ nhà. Nghĩa đón khách bằng chiếc quần đùi mỏng và chiếc áo ba lỗ trắng đang ngả sang màu cháo lòng. Có mặt trong nhà Nghĩa lúc đó còn có hai sinh viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Gã chủ nhà tỏ ra là người thân thiện khi không thèm hỏi han vẫn mời tôi ngồi xuống một tấm liếp có trải manh chiếu tre đã sờn màu mồ hôi. Xung quanh khu vực Nghĩa tiếp khách là rất nhiều những bát thức ăn thừa đã bắt đầu lên men và bốc mùi thiu.

Trước khi mở đầu câu chuyện, Nghĩa thao thao bất tuyệt rất nhiều về giáo lý đạo Phật. Nghĩa cho biết: “Tôi không phải là người tu hành. Gia đình tôi cạo trọc đầu là muốn sống cuộc đời thanh thản không bị vật chất cám dỗ làm lu mờ cuộc sống tốt đẹp. Mọi người gọi gia đình tôi là “quái nhân” vì họ không hiểu hết được suy nghĩ riêng của chúng tôi… May mắn lớn nhất trong cuộc đời tôi là có duyên Phật ngộ khi theo cha lên chùa và đọc được giáo lý nhà Phật trong kinh sách. Và từ đây tôi hiểu hơn ý nghĩa sống của mình là phải hành thiện. May mắn thứ hai là chuyện “nhặt” được vợ”.

Nguyễn Tuấn Nghĩa còn khẳng định: “Bao nhiêu năm nay tôi đã tạo được nhiều công đức, giờ tôi không phải là người thường nữa rồi mà đã được nhập vào dòng Thánh, sống như vua theo lời dạy của Phật là được hưởng phước sung sướng nhất, trí tuệ nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn mới chỉ là Thánh vì nhân cách tôi chưa trọn vẹn bởi tôi vẫn còn ham mê tình, ham gần gái, ham ăn ngon...”. Nói rồi Nghĩa phá lên cười một cách sung sướng và đắc chí.

Theo lời Nghĩa, anh sinh năm 1974, là con cả trong một gia đình 3 người con, nhà vốn ở phố Hàng Ngang. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu, bố mẹ anh quyết định bán căn nhà ở phố Hàng Ngang để chuyển về khu Văn Quán và mua cho anh căn hộ ở đây.

Năm 10 tuổi, trong một lần nhảy xuống từ tàu điện, Nghĩa bị xe máy va phải dẫn đến chấn thương sọ não. Những khi trái gió trở trời, di chứng của chấn thương luôn khiến anh đau đầu, mệt mỏi. Từ thời điểm đó, Nghĩa đã cảm nhận thấy cơ thể và tinh thần mình đã bắt đầu có những biểu hiện khác thường.

Năm 1992, mặc dù sức khỏe không tốt nhưng Nghĩa vẫn cố gắng thi đại học nhưng không đỗ. Nghĩa được gia đình cho đi học sửa chữa xe máy, thợ phụ, học nghề ảnh, sau đó làm công nhân dệt. Tuy nhiên, do tinh thần không được ổn định nên gia đình đã nhiều lần gửi anh xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thanh Trì) và Bệnh viện Tâm thần Trâu Quỳ (Gia Lâm) để điều trị. Sau này, do bạn bè và người thân gây áp lực quá nhiều, gia đình mới chịu xin cho anh ra viện và mua cho anh căn hộ 702 này để sống riêng.  

(Còn tiếp)

Khánh Toàn
theo GĐ&XH

Từ khóa: