Sự kiện hot
10 năm trước

Sự trở lại của một doanh nhân

Dantin - Những ngày này, dư luận đang rất quan tâm về Phạm Ngọc Lâm, ông chủ của Tập đoàn Đức Khải quyết tâm đầu tư mua 100 chiếc tàu đánh cá khủng và 2 máy bay trực thăng với một khát vọng là góp phần nhỏ bé giúp ngư dân vươn ra biển.


Ông Phạm Ngọc Lâm - chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải

Quyết làm giàu trên ngư trường Hoàng Sa

Từ đầu tháng 5, ngay khi vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như các tàu của TQ liên tục gây hấn, ức hiếp gây thiệt hại nặng về tài sản của ngư dân, ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải (một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu…khá thành đạt ở TP HCM) cảm thấy bứt rứt, căm tức hành động ngang ngược của Trung Quốc đã không thể thờ ơ.

Vì vậy, ngay sau đó một kế hoạch “kinh doanh” táo bạo chưa từng có, đã được vị chủ tịch HĐQT lập ra và nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ cổ đông công ty cổ phần Đức Khải.

Chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, ông Lâm cùng những người tâm huyết của công ty Đức Khải đã xuôi ngược khắp nơi hết trong nước rồi ra đến nước ngoài làm mọi thủ tục, tìm kiếm, hợp đồng với đối tác để mua bằng được 100 con tàu đánh cá có công suất từ 500 đến 1500 mã lực tại các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu và đánh bắt như Hàn Quốc, Nhật, Úc.


45 con tàu đầu tiên (trong số 100 tàu) mua từ Hàn Quốc, sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 8 tới.

“Đây là những con tàu hiện đại được trang bị đầy đủ thiết bị để ra khơi đánh bắt cá xa bờ và sẵn sàng đối phó với bất cứ thế lực, phương tiện gây hấn nào dù là vòi rồng hay cố tình lao đâm, va chạm”, ông Lâm tuyên bố.

Ngoài ra, với số vốn đầu tư khoảng 1500 tỷ đồng, công ty Đức Khải còn mua sắm thêm 2 máy bay trực thăng từ các nước Châu Âu, 2 ụ nổi với sức chứa 5000 tấn/ụ…để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch “chiếm lĩnh” ngư trường Hoàng Sa truyền thống, đánh bắt thủy, hải sản ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Số tàu này sẽ sớm được đưa về Việt Nam để hoàn tất thủ tục để đầu năm 2015 cùng tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy, hải sản.

“Ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, 100 con tàu ra khơi và chắc chắn sẽ còn làm được nhiều việc hơn thế nữa để cùng ngư dân bám biển”, vị chủ tịch HĐQT khẳng định.

“Đại gia” từng vướng vào vòng lao lý

Sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo, cha là thương binh hạng 2/4. Năm Lâm được 12 tuổi thì bố mẹ lần lượt qua đời vì bệnh tật, để lại mấy chị em rau cháo nuôi nhau. Năm 1983, khi mới 15 tuổi, Lâm bỏ học lớp 8 và đi làm lơ xe trên tuyến Bình Thuận - Sài Gòn. Với bản tính lanh lẹ, hoạt bát, năng động… Lâm được chủ xe cảm mến.18 tuổi, Lâm đi học lái xe với học phí là nửa chỉ vàng do gia đình ông chủ tốt bụng cho.

Lâm về TP HCM và đi làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa, tân trang xe máy. Thế rồi đến cuối năm 1993, do bán ô tô theo cách mua xe “xi cơn hen” (second hand), rồi tân trang lại, Lâm kiếm được những khoản tiền lớn. Lâm thành lập Công ty TNHH Anh Lâm vào tháng 4-1994 với chức năng kinh doanh sản phẩm công nghệ giao thông vận tải và bắt tay kinh doanh một loại hàng mới

Trong hơn hai năm, Lâm đã nhập về 2000 tấn giàn giáo xây dựng “xi cơn hen”, 3000 xe tải của Hàn Quốc. Có lần Lâm mua ở bên Nhật cả một bãi xe chuyên dụng hơn 100 chiếc… Hàng là xe máy chuyên dụng, thuế ít, thị trường đang cần, giá rất rẻ, vốn lại không phải bỏ, bán được bao nhiêu, thanh toán bấy nhiêu chả có ngân hàng nào quản lý…nên Lâm “phất” lên nhanh chóng. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ chẳng có chuyện gì đáng bàn. Vấn đề là Lâm đã vượt qua giới hạn cho phép và nhảy sang buôn lậu – đó mới là nguyên nhân để Lâm giàu lên một cách nhanh chóng.

Trong quá trình làm ăn của mình, Lâm không chỉ nhập về ô tô mà còn những loại hàng khác như thiết bị vệ sinh, hàng điện tử, điện lạnh mà Lâm nhập về suốt từ năm 1994 cho đến 1996 là bao nhiêu thì chính Phạm Ngọc Lâm cũng không thể nhớ nổi. “ăn nên làm ra” và ông cũng không tiếc tiền chia cho những người giúp mình buôn bán. Hơn 3 tỷ đồng đó là số tiền mà Lâm “chia” cho 17 vị cán bộ Cục Hải quan Cần Thơ – đây chính là một trong những việc lôi Lâm vào vòng lao lý.

Cuối năm 1997, Lâm bị bắt. Năm 2000, Lâm đối diện với án tử hình. Nhưng nhờ tích cực khắc phục hậu quả với số tiền lên đến 40 triệu USD, Lâm bị tuyên 2 án chung thân về tội buôn lậu và đưa hối lộ. Với những nỗ lực cải tạo không mệt mỏi, năm 2005, Lâm được ân xá để trở về cuộc sống tự do, làm lại cuộc đời.

Khởi nghiệp lần 2 từ đầu năm 2006, Lâm được bạn bè giúp đỡ để trở thành nhà độc quyền phân phối các sản phẩm của Toshiba, Kenwood, Dongfeng… tại Việt Nam. Ông Lâm còn xây dựng kho ngoại quan riêng để duy trì chi phí thấp cho các sản phẩm nhập khẩu. Từ một tay buôn bán xe hơi, vào tù, Lâm trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Những năm sau đó, Lâm chuyển sang lĩnh vực bất động sản, thành lập công ty Đức Khải, ngày một ăn nên làm ra với 20 công ty con và hàng trăm cán bộ, nhân viên.

Dù rất thành công nhưng ông Lâm cho rằng không có gì là bí quyết kinh doanh cả: “Hãy bắt đầu bằng sự quyết tâm và chữ tín trong suốt quá trình hợp tác” – đó là những gì ông chia sẻ.

Nhung Dương

Từ khóa: