Sự kiện hot
10 năm trước

Sữa ngoại nhập, quản lý còn lỏng lẻo

Với tâm lý thích của ngoại, cứ của nước ngoài là tốt, nên các bà mẹ thường không ngại bỏ những khoản tiền lớn cho việc mua sữa cho con. Nhưng liệu họ bỏ tiền ra có nhận lại được chất lượng như ý muốn.

Trên thị trường Việt Nam có vô số các nhãn hàng sữa của nước ngoài được bán tràn lan trong các siêu thị, đại lý, cửa hàng…giá sữa thì ngày một leo thang, nhưng chất lượng thì khách hàng lại khó kiểm định.

Ngoài các nhãn mác đã được đăng ký, còn phải kể đến số lượng khá lớn của sữa “hàng xách tay” không rõ nguồn gốc nhưng lại được các bà mẹ tin tưởng không tiếc tiền mua. Sữa ngoại “Xách tay” có giá từ 400.000 – 650.000 đồng/1hộp, sữa ngoại có đăng ký kiểm định là 340.000-360.000 đồng/hộp và sữa nội 180.000-220.000 đồng/hộp, mức giá chênh lệch quá nhiều trong khi chất lượng dinh dưỡng chưa chắc đã hơn nhau.

Ông Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại Công ty Nutifood phân tích “Nhiều người Việt Nam thích hàng ngoại trong khi sữa nội với công nghệ ngoại tương tự chỉ bằng 50-70% so với giá sữa ngoại. Sữa ngoại có bảo hành hơn sữa nội (3 năm so với 2 năm) nhưng chất lượng như nhau. Người Việt vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại nhưng tôi khẳng định chẳng có ai để sữa hơn 2 năm mới uống cả.”.

Mới đây trang cá nhân của một bà mẹ bức xúc về chuyện mua phải sữa ngoại kém chất lượng cho con uống và con chị bị dị ứng. Chị đã liên hệ với công ty nơi chị mua sữa nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Chị đã bức xúc viết trên trang cá nhân “Ngày 28/6/2014, tôi có đặt mua của công ty cổ phần dược phẩm Việt Nam 3 hộp sữa Physiolac chống nôn trớ số 1, khi nhận được sữa tôi đã mở hộp sữa đầu tiên ra cho con uống, sau khi con uống được hơn nửa hộp thứ nhất, tôi thấy nửa dưới hộp sữa bị đóng cứng lại, phải dùng thìa innox cạy lên thì nó vỡ ra từng cục sữa rất cứng. Tôi đã đăng ảnh này lên facebook và tag bạn nhân viên bán hàng vào để phản ánh và hỏi nguyên nhân vì sao sữa bị như vậy. Trong lúc tôi đăng ảnh cũng có 1 khách hàng khác mua sữa Physiolac mom bảo là sữa của họ cũng bị đóng cục rất cứng. Và bạn nhân viên đó đã gọi điện thoại đề nghị tôi gỡ ảnh xuống vì sợ những người mua sữa khác hỏi thì không biết trả lời thế nào, bạn ấy hứa công ty sẽ giải quyết vẫn đề này vì đây là vấn đề nghiêm trọng. Hôm sau, công ty đã điện thoại trao đổi với tôi và bảo sẽ có người tới xác nhận và xin lấy lại hộp sữa để kiểm tra. Công ty cũng đề nghị tôi mở lon thứ 2 ra và xem có bị đóng cục thế nữa không, nếu không bị gì thì hãy cho bé sử dụng tiếp, và còn chắc chắn 1 câu: “Không sao đâu”. Nhưng tôi vẫn không cho bé dùng, cho đến 2 hôm sau tôi mất sữa, đành phải cho bé ăn tiếp sữa đó (lúc đó chưa mua được sữa mới) vì tin lời nhân viên công ty rằng sữa không bị đóng cục như hộp kia nên không sao. Tuy nhiên, bé không chịu ăn, tôi ép con ăn thì bé đẩy sữa ra và sữa bị đổ lên cổ bé, tôi thấy những chỗ sữa chảy tới thì da bé đều bị đỏ rực lên (tôi đã chụp ảnh ở dưới). Thật có lỗi với con quá, bắt nó ăn thứ mà….

Đến lúc này tôi đã gọi điện cho nhân viên bán hàng để phản ánh và lại tiếp tục nhận được câu trả lời là chờ công ty gọi điện trao đổi, và công ty sẽ giải quyết vì đây là vẫn đề nghiêm trọng (lúc nào cũng bảo đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng chả thèm xem hậu quả nó thế nào). Và rồi hôm sau, công ty đã điện thoại cho tôi và bảo: “chắc cháu bị dị ứng sữa”. Tôi bảo: “nếu dị ứng sữa này thì hộp đầu tiên đã bị rồi chứ không phải đợi tới hộp thứ 2 mới bị”, và họ nói: “thế bạn đưa bé đi khám đi, chắc do bé bị gì đó”. Họ đổ lỗi lên khách hàng chứ không thừa nhận rằng lỗi thuộc về họ. Quá thất vọng về thái độ thờ ơ của công ty bán sữa, tôi đã cảnh báo rằng sẽ đưa chuyện này lên mạng và lên báo để các mẹ khác biết và tạm ngưng dùng sản phẩm, đến lúc đó họ mới bảo rằng: “Bạn cứ bình tĩnh, ngày mai sẽ có người tới kiểm tra”. Đúng là hôm qua có 1 anh bảo đại diện sữa physiolac điện bảo mai sẽ tới kiểm tra. Nhưng cả ngày hôm nay tôi ở nhà chờ và …..chả có ai tới cả. Ngay khi sữa có hiện tượng đóng cứng lại, tôi đã bảo với bạn nhân viên bán hàng rằng muốn đưa việc này ra nói rõ để những mẹ đang dùng sữa này cho con kiểm tra lại, vì nhiều mẹ không để ý sẽ cho con dùng tiếp, như thế ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng các bé lắm, chuyện sữa cho trẻ sơ sinh và bà bầu không đơn giản đâu, t lo cho những đứa trẻ khác. Nhưng bạn ấy không muốn đưa ra, chờ công ty xác minh lại đã. Tôi đã chờ và nhận ra rằng mình thật ngốc khi tin họ. Họ đâu thể vì lợi ích khách hàng mà làm uy tín công ty bị ảnh hưởng được. Tôi cứ tưởng những người bán sữa là có LƯƠNG TÂM, nhưng giờ mới biết họ làm vì LƯƠNG thôi, còn chữ TÂM bán mất rồi (cái này không nói chung tất cả các hãng sữa).

Công ty đã nói với tôi rằng sữa bị như vậy là do lúc vận chuyển từ nước ngoài về bị như vậy, công ty không kiểm soát đươc. Thế hóa ra sữa không đảm bảo chất lượng cứ bán ra thị trường mặc cho hậu quả ra sao, đến lúc khách phản ánh cứ lấy lí do là do vận chuyển à. Liệu có ai kiểm tra thực sự không, hay chỉ bên công ty sữa tự lên tiếng về việc vận chuyển, mà cho dù là nguyên nhân gì đi nữa thì việc sữa đóng cục là đã bị kém chất lượng, và sữa kém chất lượng bán ra thị trường là phải chịu trách nhiệm! Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng công ty muốn lấy hộp sữa về cũng chỉ để tiêu hủy bằng chứng chứ chả kiểm tra gì, đời nào có chuyện “vạch áo cho người xem lưng”.

Tôi xin cam đoan tất cả những điều tôi nói trên đây đều là sự thật và đều có bằng chứng cụ thể từng chi tiết. Tôi mong các bạn hãy chia sẻ để các mẹ khác hiểu. Tôi làm điều này không phải đơn giản vì cá nhân tôi mà còn vì những trẻ em khác!”.

Bài viết ngay lập tức nhận được gần 20 nghìn lượt chia sẻ và hơn 10 nghìn lượt like quan tâm. Đa số tỏ ra bức xúc về chất lượng sữa và sự quản lý vẫn còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng.

Trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên xem rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, xem mã vạch là cách dễ nhất để biết sản phẩm sữa cần mua đến từ quốc gia nào, như mã vạch của Mỹ có đầu số dài nhất (000-039), Nhật có 2 đầu số (450-459 và 490-499), Trung Quốc có một đầu số (690-695).

Ngoài ra, sữa giả thường mau tan trong nước ấm, có mùi hôi nồng và khi uống vào sẽ bị tiêu chảy và mẩm ngứa khắp người.

Trong khi chờ các nhà quản lý và các cơ quan chức năng, thiết nghĩ mỗi bà mẹ cần làm một người tiêu dùng thông minh để tự bảo vệ con em mình.


Loại sữa nhập ngoại bị vón cục được một bà mẹ chia sẻ trên Facebook


Em bé uống vào bị mẩm đỏ

Hạ Ly
theo Xây dựng

Từ khóa: