Sự kiện hot
12 năm trước

Tái cơ cấu CTCK: Đại gia tìm lối thoát

Cơ hội tồn tại và phát triển đối với nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đang khá mong manh. Sự thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi cửa tử là hết sức cần thiết trong bối cảnh này.

Cơ hội tồn tại và phát triển đối với nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đang khá mong manh. Sự thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi cửa tử là hết sức cần thiết trong bối cảnh này.

Không chỉ còn là cắt giảm nhân viên, đóng cửa bớt các chi nhánh và phòng giao dịch, nhiều CTCK đã bắt đầu tính tới những biện pháp mạnh hơn như mua bán, sáp nhập và thậm chí rút niêm yết để dễ bề tái cấu trúc lại doanh nghiệp với mong muốn trụ được trên TTCK Việt Nam.

Sáp nhập hay giải thể?

Không hề che giấu khó khăn, trong đại hội cổ đông thường niên năm 2012 hôm 23/6 vừa qua, ban lãnh đạo CTCK Châu Á Thái Bình Dương (APS) đã trình bày với cổ đông những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt và trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập công ty vào CTCK khác hoặc sáp nhập CTCK khác vào APS (ngay trong năm nay) trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.

Lý do được ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT của APS đưa ra là APS cũng như các CTCK nhỏ khác sáp nhập lại với nhau để tận dụng lợi thế của nhau với mục đích tăng thị phần, tăng doanh thu và lợi nhuận, giành chỗ đứng trên thị trường.

Theo lãnh đạo APS, với xu hướng như hiện nay, trong vòng 3-5 năm tới nếu các CTCK không lọt vào tốp 15 công ty lớn nhất thì rất khó tồn tại.

Không chỉ sáp nhập với 1 - 2 CTCK quy mô nhỏ, theo định hướng mới, APS sẽ tìm kiếm các CTCK lớn, có uy tín trong và ngoài nước để tiếp tục sáp nhập trong những năm tới.

Có thể thấy, đây là 1 thay đổi lớn, 1 sự thay đổi về chiến lược phát triển của APS. Và APS là CTCK đầu tiên công khai công bố ý định sáp nhập kể từ khi Bộ Tài chính phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK đầu năm 2012.
Sau cuộc họp, đại hội đã chấp nhận để Ban lãnh đạo APS chủ động tìm kiếm các CTCK có lợi thế hoạt động và tình hình tài chính lành mạnh để thực hiện sáp nhập trong 6 tháng cuối năm 2012.

Trên thực tế, cũng giống như đa số các CTCK, APS gặp khá nhiều khó khăn khi mà TTCK kém hấp dẫn trong hơn 2 năm qua. Các đợt sôi động của thị trường không đủ để giúp hơn 100 CTCK đang hoạt động đều có thể bù đắp chi phí hoạt động, chưa nói đến lỗ đo đầu tư và tự doanh.

Trong năm 2011, APS lỗ 91 tỷ đồng do doanh thu giảm mạnh từ 214 tỷ xuống còn 88 tỷ. APS có vốn điều lệ là 390 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế kéo vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 310 tỷ đồng.

Với sự suy giảm của doanh thu (giống như đa phần các CTCK khác), việc thay đổi hướng đi theo hướng sáp nhập với nhau làm giảm cạnh tranh, tăng thị phần có lẽ là 1 hướng đi đúng đắn trong bối cảnh các cơ quan quản lý cũng đang muốn loại bớt số CTCK ra khỏi thị trường.

Ở trường hợp CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), tình hình bi đát hơn nhiều khi mà CTCK này thua lỗ lũy kế lên tới hơn 1.400 tỷ (tính tới hết Quý I/2012). Và nếu không có 800 tỷ vốn trái phiếu chuyển đổi mới phát hành, SBS thậm chí còn gặp vấn đề về duy trì hoạt động.

Với tình hình bi đát như hiện tại, SBS hiện chưa xác định được chiến lược trung hạn cũng như kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tới nhưng đã có những thay đổi trong tư duy về quản trị doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo SBS, công ty đang kiểm toán lại nhằm đánh giá toàn bộ thực trạng tài chính của SBS những năm vừa qua. Sau khi xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thua lỗ, SBS sẽ trình đại hội cổ đông nhưng thay đổi về đướng hướng phát triển, trong đó không loại trừ cả khả năng hủy niêm yết.

Trước đó, không ít CTCK đã có hàng loạt những thay đổi lớn như bỏ tự doanh, thậm chí cả môi giới, đóng cửa nhiều chi nhánh và phòng giao dịch.

Cần động thái mạnh

Nỗ lực tự tìm hướng đi mới trong bối cảnh đa số các CTCK hoạt động không hiệu quả là 1 tín hiệu tích cực trong quá trình tái cấu trúc TTCK. Tuy nhiên, có thể thấy số lượng các CTCK tự bắt mạch và kê thuốc cho mình một cách thực sự hẳn không nhiều. Sự thúc đẩy mạnh mẽ của các cơ quan quản lý để cho tiến trình tái cấu trúc CTCK thực hiện nhanh hơn là cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong thời gian vừa qua, cho dù có rất nhiều CTCK lỗ lũy kế lớn nhưng số lượng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là khá ít, mới có 7 đơn vị (Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng, Mê Kông và Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Theo giải thích của Ủy ban chứng khoán (UBCK), dù thua lỗ lớn trong các năm vừa qua (có doanh nghiệp lỗ 4-5 năm liên tục), nhưng nhiều CTCK vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo Thông tư 226 nên không bị đưa vào diện kiểm soát.

Việc kiểm tra và tự kiểm tra sức khỏe của các CTCK diễn ra chậm chạp đang khiến cho tiến trình tái cấu trúc cũng chậm chạp theo.

Việc ban hành Thông tư 226 về chỉ tiêu an toàn tài chính, Thông tư 52 về việc yêu cầu công bố thông tin và dự thảo sửa đổi Thông tư 27 hạn chế các lĩnh vực đầu tư của CTCK là những bước đi tạo ra hành lang pháp lý quan trọng và đang được kỳ vọng sẽ giúp để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc CTCK - 1 phần quan trọng trong đề án tái cấu trúc TTCK, diễn ra nhanh hơn.

Với sự ra đời của Thông tư 52 (về công bố thông tin), có hiệu lực thực thi từ 1/6, nhiều khả năng tình trạng sức khỏe của các CTCK sẽ ngày càng được công khai minh bạch. Nỗ lực che giấu tình hình hoạt động của doanh nghiệp hay trì hoãn tái cơ cấu có thể sẽ khó khăn hơn. Mặc dù vậy, trên hết, việc thực thi mới đảm bảo cho tái cấu trúc thành công.

Dẫu vẫn biết rằng, tái cấu trúc phải bắt nguồn từ nội tại của các công ty. Các CTCK trong thời gian qua cũng đã có nhiều động thái tích cực, như: bán tài sản rủi ro, thu nợ, cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động, tăng vốn… Tuy nhiên, để quá trình này - 1 điều đáng ra đã phải thực hiện từ lâu - diễn ra nhanh hơn, giới đầu tư mong mỏi sự tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Gần đây, UBCK cũng đã khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm xốc lại hoạt động của các CTCK trong nước. Bên cạnh đó, UBCK cho biết sẽ kiểm tra 20 công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình tái cấu trúc CTCK vẫn khá chậm chạm và chưa có nhiều diễn biến mới.

Mạnh Hà
Theo Vietnamnet

Từ khóa: