Sự kiện hot
12 năm trước

Tăng quản lý Nhà nước về quy hoạch trong xây dựng

Ngày 6/1, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 6/1, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm 2011, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành xây dựng đã khẩn trương, nghiêm túc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của ngành và đạt được kết quả tích cực trên các mặt công tác.

Ngành đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng ban hành, phù hợp với thực tiễn, tạo ra những đột phá trong việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trong quản lý và phát triển đô thị, hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững, mở rộng về quy mô, xây dựng hệ thống cơ sở kỹ thuật-xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại… Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 750 đô thị, gồm hai đô thị đặc biệt (Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); 11 đô thị loại I; 12 đô thị loại II; 44 đô thị loại III; 54 đô thị loại IV và trên 600 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 31%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12%-15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.

Hiện cả nước có khoảng trên 630 dự án khu đô thị mới; trong đó các dự án có quy mô nhỏ hơn 200 ha chiếm phần lớn với 538 dự án, quy mô từ 200 ha đến 1.000 ha có 80 dự án; 14 dự án có quy mô lớn hơn 1.000ha.

Thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển tích cực, nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công trình dịch vụ, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị; các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp được triển khai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Hiện, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở đạt khoảng 80 triệu m2. Diện tích bình quân về nhà ở ước đến cuối năm 2011 đạt khoảng 18,3 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 21,3m2 sàn/người, tại nông thôn là 16,8m2 sàn/người.

Về hoạt động kinh doanh bất động sản trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển quan trọng, góp phần tạo cơ sở vật chất cho xã hội. Thị trường bất động sản đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy nhiều ngành sản xuất phát triển.

Các công trình hạ tầng đô thị như giao thông đô thị, cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn, chiếu sáng công cộng, cây xanh đô thị được tập trung đầu tư; phần lớn chất thải rắn tại đô thị đã được thu gom, xử lý theo quy định. Cùng với đó, hoạt động quản lý xây dựng như quản lý các dự án đầu tư, cấp phép, quản lý chất lượng công trình xây dựng; năng lực hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng; quản lý, phát triển vật liệu xây dựng; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản; thanh tra xây dựng; hội nhập quốc tế… cũng là những mặt công tác lớn, có nhiều chuyển biến trong hoạt động công tác của ngành xây dựng trong năm 2011 vừa qua.

Ngành xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém như, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp, chưa theo kịp thực tế phát triển kinh tế-xã hội của các đô thị; công tác triển khai đầu tư hệ thống kế cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường đô thị và xử lý rác thải còn nhiều bức xúc; thị trường bất động sản vẫn có những diễn biến phức tạp, phát triển thiếu ổn định; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; công tác quản lý xây dựng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tại một số công trình, dự án; việc quản lý khai thác tài nguyên để sản xuất vật liệu xây dựng chưa chặt chẽ, gây lãng phí tài nguyên…

Trong năm 2012, ngành xây dựng khẳng định quyết tâm sẽ chỉ đạo, triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm lớn của ngành như, tiếp thục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Tổ chức thực hiện điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2010-2015; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 và các Định hướng phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, phát hiện những bất cập và nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị mới phải được xây dựng đồng bộ và kết nối với hạ tầng kỹ thuật xung quanh. Thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng vùng, vùng tỉnh và quy hoạch đô thị; tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung ở các đô thị, đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị.

Tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Triển khai thực hiện Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch; Chương trình xử lý chất thải rắn và tổ chức triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước tại các đô thị. Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển lực lượng xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và toàn xã hội; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong năm 2012, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng nhà ở và hạ tầng kỹ thuật theo hướng công nghiệp hóa; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Tổ chức thực hiện Phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ và các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2015; đồng thời, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, xử lý những vướng mắc hậu cổ phần hóa và nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ sau cổ phần hóa.

Ngành xây dựng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng; kiến trúc, qui hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị , khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2011, toàn ngành xây dựng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về xây dựng; kiến trúc, qui hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thi, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng…Đặc biệt là trong năm qua ngành đã phát triển tốt nhà ở xã hội, nhà ở cho đồng bào nghèo vùng đồng bào khó khăn là một điểm sáng mà ngành xây dựng cần tiếp tục phát huy trong năm 2012.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập của ngành xây dựng về chất lượng công trình qui hoạch thấp, tầm nhìn quy hoạch và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, nhà ở sinh viên…mà ngành cần tập trung khắc phục trong năm 2012. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm tới hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của ngành xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển đô thị, chất lượng công trình, nhà ở xã hội.

Trước mắt, toàn ngành cần rà soát, hoàn thiện thể chế về qui hoạch, tiến hành qui hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục tập trung phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn, người nghèo, nhất là trên địa bàn các thành phố lớn, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, ngành cần quan tâm công tác quy hoạch nông thôn mới bảo đảm cả số lương và chất lượng, phù hợp với điều kiện sống và làm việc của nhân dân, tạo điều kiện cho khu vực nông thôn phát triển, nâng cao đời sống nhân dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển quản lý thị trường bất động sản, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư, rà soát, phân loại các dự án đầu tư , tạo môi trường thuận lợi trong phát triển các doanh nghiệp ngành xây dựng đảm bảo cạnh trạnh ở khu vực và quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, đào tạo nguồn nhân lực trong ngành và nhu cầu phát triển của đất nước.

Thiện Thuật
Theo TTXVN/Vietnam+

Từ khóa: