Sự kiện hot
9 năm trước

Tham mưu cấp sai sổ đỏ, cán bộ xã chỉ bị khiển trách

ĐS&TD - Mặc dù ông Phan Tấn Lân - cán bộ địa chính và bà Bùi Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tân Bình (Đak Đoa, Gia Lai) đều tham mưu cho cấp trên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3213m2 trái với quy định pháp luật, gây thất thoát tiền của nhà nước khoảng 642 triệu đồng nhưng chỉ bị xử lý khiển trách và rút kinh nghiệm. Hình thức xử lý trên khiến người dân bức xúc.


Quyết định xử lý kỷ luật ông Phan Tấn Lân

 

Theo hồ sơ vụ việc được biết, do không có nhu cầu sử dụng số diện tích 3213m2 đất chuyên trồng các loại rau màu và cây hàng năm, cho nên ba hộ dân cư trú tại thôn 2, xã Tân Bình (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên thuộc tờ bản đồ số 11 cho ông Nguyễn Hữu Trí thông qua hình thức chuyển nhượng giấy viết tay từ năm 2000.

Tháng 4/2011 ông Trí đã gửi hồ sơ cho ông Phan Tấn Lân, cán bộ địa chính xã để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi nhận được hồ sơ, với vai trò là cán bộ chuyên môn, ông Lân đã tham mưu cho UBND xã mời họp hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của xã cho hộ ông Trí và một số các hộ khác.

Ngày 28/6/2011, bà Bùi Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến đã ký vào văn bản, đề nghị UBND huyện Đak Đoa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 27/10/2011 ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa đã chính thức ký quyết định quyền sử dụng đất cho hộ ông Trí.

Thế nhưng, người dân đã phát hiện ra dấu hiệu sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Trí nên đã phản ánh vụ việc, và sự thật mới bị phơi bầy. Bởi, giấy chuyển nhượng đất viết tay của ba hộ dân cho ông Trí có sự tẩy, xoá, làm sai lệch sự thật. Cụ thể, giấy chuyển nhượng viết tay của các hộ cho ông Trí ký ngày 20, 26, 28 tháng 11/2000 cho sự chứng nhận của ông Thiều Tâm Cần, trong khi ông Cần mãi tới năm 2005 mới làm trưởng thôn.

Trước tình hình ấy, ngày 19/2/2014 ông Phan Tấn Lân, cán bộ địa chính xã đã phải viết bản kiểm điểm khi thừa nhận rằng, mình đã tham mưu cho cấp trên để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Trí với lý do "sơ xuất trong khi hoàn thiện hồ sơ".

Theo phản ánh của người dân, trường hợp đất của hộ ông Trí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vào thời điểm năm 2011 khung giá đất được UBND tỉnh Gia Lai quy định là 400 nghìn đồng/m2.
Trường hợp mua bán giấy tay sau khi luật đất đai 2003 chính thức có hiệu lực thì đăng ký làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất buộc phải áp dụng mức nộp cho nhà nước 1/2 khung giá được UBND tỉnh quy định, từ đó cho thấy việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.213m2 cho ông Trí vốn từ năm 2000 đã gây thất thoát cho nhà nước hơn 642 triệu đồng.

Sai phạm nghiêm trọng, số tiền gây thất thoát lớn, thế nhưng ngày 25/3/2014 Hội đồng kỷ luật Đak Đoa chỉ ra văn bản kỷ luật rút kinh nghiệm đối với bà Bùi Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tân Bình vi phạm, tham mưu UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Hữu Trí trái quy định pháp luật. Còn đối với ông Phan Tấn Lân với hành vi vi phạm tương tự thì cũng chỉ bị kỷ luật với mức "khiển trách".

Dư luận cho rằng, hình thức kỷ luật trên là quá nhẹ so với hành vi và hậu quả của hai vị cán bộ gây ra. Chưa dừng tại đó, người dân còn phản ánh việc ông Phan Tấn Lân đứng sau "trợ giúp" cho anh, em trong gia đình chiếm dụng hàng chục ha đất công.

Đơn cử là sự kiện cuối tháng 10/2013, huyện Đăk Đoa đã tổ chức cưỡng chế việc ba hộ dân chiếm 2,5 ha đất tại khu Hố Ruông. Khu Hố Ruông có tổng diện tích 5ha đất rừng, sau khi được khai hoang chính quyền nơi đây có ý định sẽ phân cho các hộ thiếu đất hoặc bán đấu giá. Song thực tế, số diện tích đất trên nhiều năm qua đã bị ba anh, em trai ông Phan Tấn Lân chiếm dụng trồng cây lâm nghiệp. Sau khi người dân phản ánh vụ việc, thì đến cuối năm 2013 UBND huyện Đak Đoa đã phải tổ chức đội liên ngành để cưỡng chế, thu hồi toàn bộ số đất bị chiếm dụng nêu trên.

Không chỉ vậy, người dân xã Tân Bình còn bức xúc khi phản ánh về việc, anh, em nhà ông Lân hiện đang chiếm dụng hàng chục ha đất thuộc thôn 1, chạy dọc ven khu vực rừng thông để trồng cà phê. Sự việc được diễn ra từ những năm 2007 - 2008. Thời điểm đó, người dân nhẫm tính có tới khoảng 20 ha đất rừng, do 20 hộ dân tự ý khai thác để chiếm dụng, trong đó có khoảng một nửa diện tích thuộc về anh, em nhà ông Lân. Cho đến nay số diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực tế, theo nhiều người dân, hàng chục thửa đất chạy dọc theo đồi thông lấn chiếm đã được vẽ trên bản đồ nhưng chưa có số hồng. Trước hàng loạt sai phạm của ông Phan Tấn Lân nêu trên mà UBND huyện Đăk Đoa chỉ xử lý với hình thức khiển trách và mới đây cho luân chuyển công tác sang xã khác là quá nhẹ, cần phải xem xét, có hình thức xử lý tương ứng hơn.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tục thông tin về vụ việc này.

Công Minh

Từ khóa: