Doanh nghiệp tăng mạnh doanh thu
Chương trình tháng khuyến mãi Hà Nội 2011 vận động 6 nhà tài trợ cho chương trình gồm 1 nhà tài trợ Kim Cương là Cty TNHH Hà Nội Chợ Lớn, 1 nhà tài trợ vàng: Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, 4 nhà tài trợ Bạc: Cty TNHH Parkson Việt Nam, Cty CP Nhất Nam, Cty CP Đầu tư T & M Việt Nam, Cty Thương mại Điện máy Việt Long, 1 đơn vị hỗ trợ kinh phí là Cty Thương mại Hà Nội.
Trong đó, có gần 500 doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mãi với gần 1.500 điểm khuyến mãi về sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, du lịch, nhà hàng, khách sạn và các loại hình dịch vụ khác. Chương trình được triển khai thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… được trải dài trên diện rộng địa bàn thành phố.
Tháng khuyến mãi Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc kích cầu mua sắm của người tiêu dùng, lượng khách đến các siêu thị, cửa hàng để tham quan, mua sắm tăng mạnh so với trước tháng 11.2011, nhất là những ngày cuối tuần.
Đặc biệt trong ngày vàng mua sắm 12-13.2011, theo báo cáo từ các doanh nghiệp lớn tham gia tháng khuyến mãi như HC, BigC, Intimex, Fivimark, Coopmart… lượng khách tăng từ 30%-300% so với các ngày cuối tuần những tháng trước.
Đặc biệt trong hai ngày vàng siêu thị điện máy HC doanh thu tăng gấp 2 lần, trung tâm thương mại Parkson tăng 340%, siêu thị điện máy Pico tăng 250%, siêu thị Sài Gòn Co.op Hà Nội tăng 246%, công ty CP Nhất Nam tăng 165%, công ty Cp Đại siêu thị Mê Linh tăng 30%, BigC tăng 30%, điện máy Việt Long tăng 3 lần…
Riêng tổng đài 04.1081 đã tiếp nhận trên 55.164 cuộc gọi của người tiêu dùng, trung bình có 919 cuộc gọi mỗi ngày cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chương trình tháng khuyến mãi là rất lớn.
Người tiêu dùng không được hưởng khuyến mãi thực sự khi ẫn tồn tại thanh lý, xả hàng trong hội chợ khuyến mãi.
Người tiêu dùng chưa được hưởng khuyến mãi thật!
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, tháng khuyến mãi năm 2011 mặc dù đã có những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận những hạn chế mà các doanh nghiệp cần phải đánh giá khách quan để khắc phục tốt hơn.
Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp tuy tham gia tháng khuyến mãi nhưng vẫn chưa thực sự hiểu được vai trò và ý nghĩa thật của khuyến mãi. Nhiều doanh nghiệp vẫn đưa ra các chương trình khuyến mãi nhưng lại tranh thủ xả hàng, thanh lý, giảm giá hàng tồn kho, lỗi mốt hoặc hỏng. Như vậy thì không phải là khuyến mãi!
Cũng theo Sở Công thương Hà Nội, mặc dù tháng khuyến mãi Hà Nội đã tạo được dư luận tốt trong nhân dân thủ đô, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, vẫn chỉ khuyến mãi các mặt hàng điện máy, thời trang, gia dụng mà chưa thực hiện khuyến mãi với các mặt hàng thực phẩm; vẫn xuất hiện tình trạng không niêm yết giá trong hội chợ khuyến mãi, hàng không rõ nguồn gốc, chênh lệch giá giữa các siêu thị, cửa hàng…
Trao đổi với PV, bà Vũ Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thị trường, Cty CP Niêm giám điện thoại cho biết, trong tháng khuyến mãi công ty cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi của khách hàng bức xúc về việc chênh lệch giá, nhiều doanh nghiệp xả hàng tồn nhưng lại ghi khuyến mãi, giá khuyến mãi cao hơn giá thị trường… Như vậy người tiêu dùng chưa thực sự hưởng khuyến mãi trong tháng tháng khuyến mãi.
Mặc dù tháng khuyến mãi đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn làm không ít người tiêu dùng bức xúc khi nhắc lại. Thiết nghĩ, khi tổ chức một chương trình lớn như tháng khuyến mãi, Sở Công Thương Hà Nội cần phải có những quy định rõ ràng đối với các hình thức khuyến mãi “ảo”, đẩy giá rồi hạ giá để khuyến mãi như xả hàng, thanh lý để người tiêu dùng có một tháng khuyến mãi thực sự trong thời gian tới.
Tuệ Chi
Theo Lao dong