Sự kiện hot
11 năm trước

Thành cổ Hòa Bình thành nơi cấy lúa, trồng ngô!

Dù đã được UBND tỉnh này ra quyết định bảo vệ di tích, nhưng Ban quản lý thành cổ không những không trùng tu, bảo vệ mà còn cho dân đấu thầu canh tác nông nghiệp, khiến tòa thành ngày càng xuống cấp và có nguy cơ biến mất theo thời gian.

Dù đã được UBND tỉnh này ra quyết định bảo vệ di tích, nhưng Ban quản lý thành cổ không những không trùng tu, bảo vệ mà còn cho dân đấu thầu canh tác nông nghiệp, khiến tòa thành ngày càng xuống cấp và có nguy cơ biến mất theo thời gian.


Dấu tích của hào bao bọc quanh thành cổ xưa giờ là những ao lớn dùng để trồng sen và nuôi cá. Ảnh: P.T

Thành cổ Hòa Bình với diện tích chừng 40.000m2 tọa lạc ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Dù đã được UBND tỉnh này ra quyết định bảo vệ di tích, nhưng Ban quản lý thành cổ không những không trùng tu, bảo vệ mà còn cho dân đấu thầu canh tác nông nghiệp, khiến tòa thành ngày càng xuống cấp và có nguy cơ biến mất theo thời gian.

Người bảo “Nguyễn”, kẻ cãi “Mạc”

Nằm cách Thủ đô Hà Nội không xa nhưng cho tới nay nguồn gốc của tòa thành cổ ở thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vẫn là một bí ẩn. Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm ra được trong sử sách một thông tin nào về tòa thành. Thế nên, thành cổ này được xây dựng từ năm nào, đời vua nào không ai biết mà cũng chẳng ai “thèm” đi tìm hiểu để chí ít là dựng một cái bia cho người đời được biết. Người dân Bá Lam 2 (Cao Thắng) với những suy đoán mò mẫm, vẫn thường quen gọi nó là thành nhà Mạc(?!).

Thế nhưng cái tên gọi “thành nhà Mạc” này cũng không chắc chắn. Chúng tôi tìm đến các cụ cao niên ở Bá Lam 2, mỗi cụ cũng nói một phách. Người cho rằng đây là thành được xây dựng từ thời nhà Mạc và có từ hơn 300 năm trước, khi có vị quan tướng nhà Mạc đóng quân ở đây và cho xây thành đắp lũy. Một số cụ cao niên khác lại khẳng định tòa thành có từ triều nhà Nguyễn.

Cụ Nguyễn Thị Líu (84 tuổi, thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng) thậm chí còn có cả một câu chuyện hết sức cụ thể: “Thành được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Xưa kia có một vị quan lang đã cùng vợ con và tùy tùng bỏ chạy khỏi cuộc tranh giành của cải và quan lộc. Khi đến nơi này quan lang đã lập bản làng, khai hoang do nhận thấy địa thế núi non bao bọc thuận lợi. Để tránh bị truy đuổi và trả thù, vị quan lang trên đã đổi từ họ Đinh ra họ Nguyễn”. Cũng vì thiếu thông tin lịch sử mà Trung tâm Bảo tồn di tích Hòa Bình đã nhiều lần gửi ý kiến đề nghị xếp hạng thành cổ là di tích quốc gia, nhưng chưa được chấp thuận.

Chỗ thải rác, nơi trồng ngô

Giữa cái không gian hoang vắng và lạnh lẽo của một tòa thành cổ đổ nát, chúng tôi không tìm thấy nhiều những dấu vết sót lại, ngoại trừ chiếc cổng thành cao 6-7m, rộng 5-6m. Cổng thành nằm ở phía Tây thôn Bá Lam 2, là dấu tích chính còn lưu giữ nguyên vẹn của thành cổ. Cổng hình mái vòm, khá cao và xây bằng những viên gạch vuông dẹt. Những viên gạch xây cổng thành màu đỏ, độ nhẵn khá cao do được nung kỹ, có kích thước 24x12x4 cm. Điều bí ẩn là trong khối gạch xây cổng ấy thi thoảng xuất hiện những viên gạch bát cùng độ dày nhưng kích thước mỗi chiều 24x24 cm.


Toàn bộ cổng thành phía tây.

Người dân địa phương cho hay, cổng thành được xem là nơi lưu giữ nguyên vẹn nhất dấu tích của thành cổ. Thế nhưng, đã từ lâu, hành lang bên cạnh cổng thành phía Tây cỏ mọc um tùm và trở thành nơi đổ rác sinh hoạt của người dân, với đủ thứ phế thải, vật liệu xây dựng, gạch ngói, sỏi đá, túi ni-lon... đổ ngổn ngang. Thậm chí người dân còn tận dụng hành lang Khu di tích và lề đường làm nơi tập kết hàng hóa.

Ruộng “ăn” tường, hào nước thành mương

Theo TS Vũ Thế Long, Viện khảo cổ Việt Nam thì “thành được xây bằng gạch đất nung bẹt, tường bao bằng gạch đá ong, vữa được làm từ mật mía trộn với cát”. Tuy nhiên, hiện nay vết tích của đoạn tường thành cổ còn lưu lại chỉ là những vệt vôi vữa giữa những mảnh ruộng người dân đang canh tác. Hào nước bao thành vẫn còn gần như nguyên vẹn song cũng đã bị biến đổi mục đích sử dụng thành thứ để phục vụ… tưới tiêu(?!).

Không may mắn như cổng thành phía Tây, khu vực được cho là cổng thành phía Đông còn xuống cấp nghiêm trọng hơn. Tại đây, gần như không còn tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của cổng thành ngoài hai phiến đá được mọi người cho rằng dùng để nâng đỡ cửa thành mỗi khi đóng mở.

Tiếp tục đi vào vòng trong của thành cổ này, thứ còn tồn tại duy nhất mà ta có thể nhìn thấy đó là vườn cây ăn quả và một căn nhà đã bỏ hoang. Được biết, ngôi nhà này mới được xây dựng lên chưa lâu và rồi bỏ lại. Rất nhiều người đã băn khoăn không rõ lý do nào khiến chủ của căn nhà này lại vội vã bỏ đi sau khi vừa đầu tư xây dựng, hoàn thiện xong toàn bộ cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị, bàn ghế?

Năm 1995, Bảo tàng Hòa Bình đã lập báo cáo kiểm kê thực trạng di tích và đưa vào danh mục di tích của tỉnh. Năm 1998, tòa thành đã được UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định bảo vệ di tích số 17/198/QĐ–UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thế nhưng hiện nay, Ban quản lý khu di tích này không cho trùng tu tôn tạo thêm mà lại đưa người dân vào đây làm… nông nghiệp. Anh Lương Đình Thái, người đăng ký thầu lại đất bên trong thành để canh tác đã cho san lấp đất trồng ngô và làm ao thả cá. Do vậy, những dấu vết của ngôi thành đã ít ỏi nay lại càng xuống cấp thê thảm hơn. Những giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, tâm linh… của một tòa thành cổ không chỉ bị thời gian bào mòn, hoang hủy mà còn bị cả những con người đương đại lãng quên không thương tiếc!

Hy vọng trong thời gian tới, UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan chuyên môn tỉnh này có những hoạt động nghiên cứu, khảo sát và bảo tồn một cách đúng đắn để hậu thế có thể biết được chút ít về tòa thành cổ này thay vì để những giá trị mang tính lịch sử bị “chết mòn” theo năm tháng!

Phùng Trưởng
theo GĐ&XH

Từ khóa: