Sự kiện hot
10 tháng trước

Thanh Hóa gặp khó trong việc "hấp thụ" gần 15.000 tỷ vốn đầu tư công

Tình hình giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA tại Thanh Hóa tiếp tục là điểm nghẽn. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này mới giải ngân được 16,5% kế hoạch giao chi tiết, trong đó các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chỉ giải ngân được 0,9% kế hoạch giao...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn năm 2023 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 14.439,162 tỷ đồng, bằng 96,7% kế hoạch...

Số vốn chưa đủ điều kiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết, vốn Ngân sách Trung ương của các chương trình, dự án thuộc 03 chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) chưa có đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư là 485,149 tỷ đồng, chiếm 3,3% kế hoạch.

Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tuy nhiên, giá trị giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh tính đến ngày 15/6/2023 mới đạt 4.199 tỷ đồng, bằng 29,1% kế hoạch giao chi tiết và đạt thấp so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2020 đạt 57%, năm 2021 đạt 54,6%, năm 2022 đạt 42,6%).

Các dự án chuyển tiếp giải ngân đạt thấp (25,5%), trong khi đây là nhóm dự án có số vốn được giao rất lớn, chiếm 37,6% tổng số vốn của cả tỉnh, có khả năng và dư địa để giải ngân nhanh.

Tình hình giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn, mới giải ngân được 16,5% kế hoạch giao chi tiết, trong đó các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chỉ giải ngân được 0,9% kế hoạch giao chi tiết, vốn ODA được 16% kế hoạch giao chi tiết, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh.

Tình trạng chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân đã được tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ là như sau, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh được Trung ương giao rất lớn, cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây, trong khi số vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 chiếm đến 16,2% tổng nguồn (2.418,74 tỷ đồng); vốn ngân sách trung ương mới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài sang năm 2023 vào đầu tháng 5/2023, nên áp lực giải ngân vốn so với những năm trước là rất lớn.

Việc thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều dự án chậm tiến độ; việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với quy trình, thủ tục mới nên nhiều chủ đầu tư, địa phương có thời điểm, có việc vẫn còn lúng túng.

Công tác tổ chức thực hiện của nhiều chủ đầu tư, địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, chưa xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn của các dự án, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.

Một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, dẫn đến các dự án chậm tiến độ hoặc chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án thấp.

Một số chủ đầu tư không có nhiều chuyển biến trong giải ngân vốn; thường xuyên không giải ngân hết vốn hằng năm được giao trong nhiều năm trở lại đây, phải hủy dự toán hoặc kéo dài vốn.

Tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức các biện pháp thi công, hoàn ứng vốn còn thấp; nhiều nhà thầu chưa tập trung máy móc, nhân lực, thiết bị thi công nhưng chưa được chủ đầu tư tập trung đôn đốc, xử lý, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.

Năng lực một số đơn vị tư vấn lập dự án còn có nhiều hạn chế, yếu kém, nhiều hồ sơ dự án được lập còn sơ sài, nội dung chưa bảo đảm theo quy định dẫn đến không bảo đảm chất lượng để thẩm định, phải hoàn thiện lại hồ sơ, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư của các dự án khởi công mới...

Song Khánh
Theo VnEconomy

Từ khóa: