Sự kiện hot
10 năm trước

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong tiến trình cải cách DNNN

Khác với tâm lý yên tâm về các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt được trong năm 2013, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mại lại có phần sốt ruột về tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước. Vị chuyên gia này lo ngại việc kéo dài tiến trình này có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế trong trung hạn.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thu hẹp lại “bề rộng”

Bởi theo Giáo sư Nguyễn Mại, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi, song với đà tăng trưởng như hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong gần 1 thập kỷ (2017-2015) dự báo chỉ khoảng 5,9%/năm. Sự giảm tốc này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống xã hội, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, sự chậm trễ của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ càng làm tình hình thêm xấu đi.

“Cải cách doanh nghiệp nhà nước như đụng vào tảng đá. Hơn chăng là tránh ra một bên và thay vào đó là kích hoạt đầu tư tư nhân để khôi phục, thúc đẩy tăng trưởng,” ông Mại nói.

Sự lo lắng của vị chuyên gia này không phải là không có cơ sở. Tiến sỹ Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp-Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng sau gần 3 năm (kể từ cuối năm 2011 đến 2013), tiến trình tái cơ cấu mới cơ bản hoàn thành các thủ tục phê duyệt đề án.

"Hoạt động tái cơ cấu trên thực tế diễn ra 'đuối tầm' so với yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như tháo nút thắt cho tái cơ cấu nền kinh tế," ông Cường buồn rầu.

Ông Cường dẫn chứng, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới biểu hiện ở những con số bề nổi, như số đề án được phê duyệt; thu gọn số lượng đầu mối doanh nghiệp; giảm bớt ngành, lĩnh vực kinh doanh để tập trung vào ngành chính…

Hình thức tái cơ cấu hiện vẫn theo phương cách cổ điển (sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao doanh nghiệp, chuyển giao dự án). Thậm chí việc thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh cũng bằng cách chuyển giao doanh nghiệp, chuyển giao dự án theo phương cách cũ.

“Phương cách tái cơ cấu chưa có nhiều đổi mới, nên tiến trình tái cơ cấu đang diễn ra rất chậm,” ông Cường nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay mới chỉ tác động làm hạn chế một số nhân tố tạo nên sự phát triển theo chiều rộng của doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi, những nhân tố tạo nên chiều sâu (như hoạt động cải cách cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, chất lượng lao động, năng lực và phẩm chất cán bộ quản lý, đào tạo lao động…) dẫn đến chuyển động về chất của cấu trúc khu vực này dường như đang bị tắc nghẽn.

Tuy nhiên, tiến trình hội nhập đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh đồng đều giữa các khu vực kinh tế cả nhà nước lẫn tư nhân.

Ông Sanjay Kalra, đại điện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, thúc giục Chính phủ cần khắc phục gấp các yếu kém cơ cấu chính đang cản trở tiềm năng phát triển về trung hạn của Việt Nam. Nếu thiếu các cải cách cơ cấu mang tính vĩ mô quan trọng, tăng trưởng sẽ tiếp tục bị kìm lại bởi năng suất thấp, phân bổ sai nguồn lực, các bảng cân đối yếu kém của các ngân hàng và doanh nghiệp, hoạt động kém hiệu quả của một số các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế.

“Thiết kế và thực hiện thành công một gói chính sách toàn diện nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô trong đó tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế sẽ có tác động rất rõ,” ông Sanjay Kalra nhấn mạnh.

Muốn cải cách, phải hy sinh

Quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước là có thể thực hiện, bởi theo Tiến sỹ  Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, về khoa học cải cách không có điểm đầu và điểm cuối, đó là sự cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thực hiện tiến trình cải cách từ Đại hội 3 (1960).

Ông Bá khẳng định, khi quyết định tái cơ cấu thì phải mạnh dạn và chịu hy sinh.

“Tái cơ cấu cũng có mặt trái, phải chấp nhận khủng hoảng, chấp nhận trả giá. Các nhà làm chính sách nên nghiên cứu hệ thống chính trị và xã hội của ta có thể chịu được mấy ‘cú đấm’ để xác định các chính sách thúc đẩy tái cơ cấu.”

Các chuyên gia đã chỉ ra một số “điểm nghẽn” cần giải quyết trong bài toán cải cách doanh nghiệp nhà nước. Thứ nhất, việc thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa có hướng đi khi mà việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, có tính chất đồng đều, áp đặt chung về mức và thời hạn, chưa xét đến năng lực từng doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty.

Bên cạnh đó là một số chính sách điều hành khác như quy định mức khống chế chung cho mọi doanh nghiệp nhà nước chỉ được trích một mức như nhau 30% lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển. Điều này có phần bất hợp lý bởi các doanh nghiệp có các ngành mảng kinh doanh, điều kiện thị trường khác nhau sẽ đòi hỏi các nhu cầu đầu tư phát triển là khác nhau.

Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2014 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 về thực hiện thu, nộp cổ tức tại các doanh nghiệp 100% sử hữu vốn nhà nước, dự kiến 9.500 tỷ đồng. Điều này một mặt tạo ra môi trường bình đẳng hơn song đồng thời gây khó khăn, làm đảo lộn tính toán các dự án đầu tư phát triển trong năm 2014 của khối doanh nghiệp này.

Một điểm khác, các chuyên gia về lao động tiền lương cũng chỉ ra, cơ chế tiền lương theo đổi mới gần đây (Nghị định 51/2013/NĐ-CP) đã chuyển từ trạng thái gần như là buông lỏng giám sát trước đây sang trạng thái thắt chặt và mang tính chất bình quân.

Với mức lương chủ tịch tập đoàn kinh tế 54 triệu đồng/tháng, tổng giám đốc 52,5 triệu đồng/tháng, trong khi cán bộ bậc trung lại có thể hưởng lương rất cao theo hiệu suất kinh doanh, khiến chính sách này có tính hai mặt: Thắt chặt cơ chế tiền lương (nhưng chưa thể hiện được sự giám sát chặt chẽ hơn về tiền lương và thu nhập), song không tạo ra động lực cống hiến, thúc đẩy kinh doanh.

“Cải cách các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng. Công khai tình hình tài chính thực của các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm báo cáo thu nhập, bảng cân đối được kiểm toán, cũng như các khoản vay từ hệ thống ngân hàng là một điểm khởi đầu quan trọng cho thực hiện các bước cải cách, bởi lẽ các doanh nghiệp này sử dụng công quỹ cho các hoạt động của họ. Sau đó, thực hiện các bước để cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị,” ông Sanjay Kalra nói.

Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+

Từ khóa: