Sự kiện hot
7 năm trước

Thắt chặt quản lý về điều kiện kinh doanh thực phẩm

Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 được đưa ra thảo luận với sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Bình Phước 

Trong số các thông tin được đưa ra, có một thông tin khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các địa phương đạt tỷ lệ chưa cao. Tỷ lệ này chỉ đạt khoảng hơn 60% đối với đối tượng thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hơn 20% đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Tức là một phần rất lớn cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn đang nghiễm nhiên được tồn tại.

Giải trình về vấn đề này, Bộ Công Thương nói rõ, nguyên nhân của việc này là do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và người lao động trực tiếp.

Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, nằm trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Đến hết năm 2016, số lượng cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tỷ lệ thấp, chứng tỏ các cơ sở kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thực sự coi trọng nghĩa vụ thực thi pháp luật, vẫn còn biểu hiện coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này, khiến người dân chưa thể yên tâm.

Để việc thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm túc, Bộ Công Thương cũng như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đầu tư nhân lực, vật lực tập trung cho việc triển khai thi hành Luật Đầu tư trong lĩnh vực được phân công đảm trách. Thời gian dành cho việc tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh tuân thủ pháp luật đã hết. Giờ là lúc cần xử lý nghiêm khắc, mạnh tay, dứt khoát tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Trường hợp vẫn cố tình vi phạm, cần đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn. Đồng thời việc cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng cần phải được làm thận trọng, vì mục tiêu cao nhất là kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ người dân; tránh vì áp lực tăng tỷ lệ cấp phép mà tiến hành cấp phép ồ ạt, xuề xòa các quy định.

Việt Nam đã xây dựng được hệ thống thể chế tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cũng đã tạo được hệ thống cơ sở pháp lý tương đối đồng bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế, trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Có như vậy, lợi ích của doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh và lợi ích của người tiêu dùng, của toàn xã hội mới được cân bằng.

Chiến Thắng
Theo Qdnd.vn

Từ khóa: