Sự kiện hot
5 năm trước

Thị trường hàng không Việt Nam: Cuộc so kè giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air

Vietnam Airlines và Vietjet Air đang chiếm gần 90% thị phần hàng không nội địa. Theo Cục Hàng không, đến cuối 2018, Vietjet Air dẫn đầu về thị phần nội địa, nắm tới 48,9%, cách khá xa Vietnam Airlines với 39% thị phần.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngành hàng không Việt Nam hiện có mức tăng trưởng hành khách đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2021, tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam đạt hai con số, đến 17,4%, cao gấp gần 3 lần với mức tăng trưởng trung bình trong khu vực. Còn Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết tính đến cuối năm 2018, Việt Nam là nước có thị trường hàng không phát triển nhanh thứ năm thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

sb_1
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay nội địa khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. (Ảnh: Zing).

Dù được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn trong tương lai nhưng hiện chỉ có 5 hãng bay nội địa khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways, và 90% thị phần nằm trong tay Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Vietnam Airlines và Vietjet Air, ai nắm thị phần nhiều hơn?

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018, tổng thị trường hàng không Việt Nam đạt 70,2 triệu lượt hành khách, tăng 12,8% cùng kì.

Tốc độ tăng trưởng tổng vận tải hành khách giai đoạn 2013-2018 đạt mức tăng trưởng kép CAGR 19%/năm, thị trường nội địa đạt mức 18,4%/năm. Trong khi đó, thị trường quốc tế tăng trưởng có phần nhỉnh hơn, đạt 19,6%/năm.

Đáng chú ý trong các số liệu thống kê này là thị phần nội địa của các hãng bay Việt Nam.

Theo Cục Hàng không, Vietjet Air đang dẫn đầu, khi nắm tới 48,9% thị phần, cách khá xa so với đối thủ Vietnam Airlines, nắm 39%.

Thống kê cũng cho thấy kể từ khi có mặt trên thị trường vào cuối năm 2011, đi theo hướng giá rẻ, thị phần của Vietjet đã liên tục tăng trưởng qua từng năm.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-11 lúc 14
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay nội địa khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. (Ảnh: Zing).

Năm 2012, hãng chỉ nắm 8%. Tuy nhiên, sang 2013, Vietjet đã nâng thị phần của mình trên thị trường hàng không nội địa lên 20,2%, nhanh chóng tiệm cận thị phần của Vietnam Airline vào năm 2017. 

Năm 2018, Vietjet Air chính thức vượt Vietnam Airline, vốn là hãng bay đầu tiên và duy nhất tại thị trường hàng không Việt Nam trong nhiều năm.

Vietnam Airlines lại có dấu hiệu giảm tỉ lệ thị phần, thể hiện rõ rệt kể từ khi Vietjet Air xuất hiện. Năm 2012, hãng giữ gần 70% thị phần nội địa. Nhưng tỉ lệ này giảm dần và đứng sau Vietjet vào năm ngoái.

Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không về thị phần của các hãng bay 6 tháng đầu năm 2019, cũng cho biết Vietnam Airline đang xếp sau Vietjet, với tỉ lệ 35,9%. Trong khi hãng bay của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ 44%.

Vietnam Airline và Vietjet, ai có doanh thu cao hơn?

Ngoài chiếm phần lớn thị phần về hàng không nội địa, kết quả kinh doanh của hai "ông lớn" Vietnam Airlines và Vietjet Air rất khả quan theo từng năm.

Kết thúc năm tài chính 2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 98.950 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.312 tỉ đồng. Dù san sẻ bớt thị phần cho các hãng bay khác, nhưng Vietnam Airline vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng bình lợi nhuận trung bình giai đoạn 2015-2018 là hơn 50%.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-11 lúc 14
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay nội địa khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. (Ảnh: Zing).

Trong khi đó, với lợi thế là một hãng bay mới, Vietjet nhanh chóng bắt kịp rồi vượt "người anh cả" về lợi nhuận.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietjet báo lỗ 172 tỉ đồng. Năm 2013, hãng bắt đầu có lợi nhuận và nhanh chóng tăng vượt bậc khi thị phần hàng không nội địa ngày càng được mở rộng. Năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vietjet Air lần lượt đạt 53.577 tỉ và 5.816 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2019 mới đây của Vietjet và Vietnam Airlines cũng rất khả quan. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietjet đạt 1.648 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kì. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt 1.579 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm.

Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra nhận định về thị trường hàng không tại Việt Nam. Theo MBS, Vietjet có phần thắng thế với chính sách giá vé rẻ đang áp dụng, khiến khách hàng có lợi và nhiều người được tiếp cận hàng không hơn.

Cụ thể, Vietjet cung cấp giá vé rẻ, đã bao gồm dịch vụ phụ trợ - suất ăn và hành lí kí gửi 20 kg. Năm 2018, giá nhiên liệu bay tăng mạnh khoảng 30%, gây áp lực khiến các hãng hàng không buộc phải tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu, nhưng hãng vẫn chấp nhận mức tăng giá vé thấp hơn các hãng khác. Lợi nhuận sẽ được bù lại từ lượng hành khách sử dụng dịch vụ của hãng.

Ở chiều ngược lại, sự xuất hiện của Vietjet cũng khiến Vietnam Airline có một số thay đổi nhất định để tránh hiện tượng "độc quyền" trên thị trường hàng không.

Các hãng bay khác ra sao?

3 hãng hàng không còn lại là Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways cũng có những ghi nhận tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways được ghi nhận lần lượt nắm 13,9%, 2%, và 4,2% thị phần.

r-18
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay nội địa khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. (Ảnh: Zing).

Giai đoạn 2012-2018, Jetstar Pacific vẫn duy trì thị phần hơn 10%. Và sau nhiều năm báo lỗ liên tục, đến 2018, hãng bay này đã "ăn nên làm ra" với doanh thu cả năm đạt 8.980 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 35 tỉ đồng. 

Trong khi đó, mới ra mắt được 6 tháng, Bamboo Airways đã có 4,2% thị phần trong tay. Hãng bay của tỉ phú Trịnh Văn Quyết nhắm đến nhóm khách hàng trung gian giữa Vietnam Airlines và Vietjet.

Hiện Bamboo vận hành 9 tàu bay, 24 đường bay, đang đặt hàng 24 mẫu A321-NEO giao giai đoạn 2022-2025 và 20 mẫu B787-9 Dreamliner giao giai đoạn 2020-2021, dự kiến mở đường bay thẳng đến Mỹ cuối năm 2019. Một trong những điểm nhấn của Bamboo là có các đường bay đến các địa điểm nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh và Quảng Bình. "Tân binh" mới nhất này luôn thể hiện tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

Các chuyên gia của MBS dự báo giai đoạn 2018-2025, thị trường hành khách nội địa tăng trưởng CAGR 5,9%/năm, do thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỉ trọng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

MBS cho rằng thị trường hàng không hấp dẫn cùng với tình hình thực tế kinh doanh của các hãng bay hiện tại, trong những năm tới, thị trường nội địa sẽ tiếp tục có thêm những sự xáo trộn đáng kể, khi Bamboo Airways vừa xuất hiện và một loạt tay chơi khác đang chờ được bay.

"Kẹt" hạ tầng, "kẹt" phi công

Việt Nam hiện khai thác 22 sân bay, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa với tổng công suất đạt 90,4 triệu hành khách. Nhưng các sân bay đều phải hoạt động vượt công suất, đặc biệt là các sân bay lớn tập trung vào các điểm thu hút du lịch.

Cụ thể, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đã vượt công suất 20%, sân bay Đà Nẵng quá tải 13%. Tình trạng quá tải nặng nề và kéo dài nhất hiện nay là cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), không chỉ quá tải trên không lưu mà hệ thống sân bay, nhà ga, nhà chờ và các tuyến đường ra vào sân bay cũng hết công suất.

Một thách thức lớn của ngành hàng không Việt Nam nữa là sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực, đặc biệt là phi công.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết từ khi thị trường hàng không có sự tham gia của nhiều hãng, Vietnam Airlines đã bị mất 30% đội bay do vấn đề "chảy máu chất xám", khi các hãng khác đưa ra mức lương hấp dẫn hơn nhằm lôi kéo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định thị trường hàng không đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đánh giá năng lực ngành và có biện pháp quản lí để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực đặc thù về phi công, kĩ sư, thợ máy…

Theo Quy hoạch phát triển hàng không đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển xấp xỉ 85 triệu khách và cần 340 chiếc máy bay vào năm 2023.

Phúc Minh
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: