Những ngày này, trong khi giá cả tại các chợ đầu mối, siêu thị ổn định thì không ít tiểu thương chợ lẻ và hàng quán lại cố tình tăng giá.
Những ngày này, trong khi giá cả tại các chợ đầu mối, siêu thị ổn định thì không ít tiểu thương chợ lẻ và hàng quán lại cố tình tăng giá.
Hàng nhiều, giá ổn định
Thời điểm này, lượng hàng về các chợ đầu mối TP.HCM tương đối dồi dào, đạt 70 - 90% so với mức bình thường trước Tết. Lượng hàng về chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn) đêm 30/1 gần 2.000 tấn, trong đó rau, củ, quả chiếm 1.600 tấn. Theo Ban Quản lý chợ, sức tiêu thụ dần tăng do các bếp ăn công nghiệp hoạt động lại. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức) cho biết, lượng hàng về chợ đạt 2.700 tấn/đêm, giá hầu hết các loại rau củ đều trở lại mức ổn định như ngày thường do lượng hàng dồi dào. Thủy hải sản về chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) khoảng 400 tấn/đêm, chưa đạt mức 600 tấn/đêm như ngày thường nên giá một số loại còn cao hơn khoảng 5.000đ/kg so với giá trước Tết. Riêng rau, củ, quả, giá đã giảm về mức như trước Tết.
Nhiều siêu thị giảm giá thu hút khách mua sắm - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Giá thực phẩm tươi sống tại các siêu thị hiện cũng ổn định, thậm chí nhiều nơi giảm giá đến 45% hàng trăm mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng để kích cầu. Hệ thống Co.opMart giảm giá 40% hơn 1.000 mặt hàng thực phẩm chay, thời trang, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em… đến ngày 19/2. Big C giảm giá từ 5 - 45% hơn 900 mặt hàng thiết yếu như thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, thời trang, đồ chơi trẻ em... kèm nhiều quà tặng đến ngày 12/2. Đại diện các siêu thị cho biết, sức mua những ngày này đã tăng trở lại, nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chay được người tiêu dùng mua nhiều. Ông Huỳnh Hữu Tuấn - quản lý siêu thị CitiMart Bình Thạnh cho biết: “Sau Tết, chưa có nhà cung cấp nào gửi thông báo tăng giá, mức giá các mặt hàng tại siêu thị có xu hướng ổn định, ít nhất một - hai tháng nữa mới có thể thiết lập mặt bằng giá mới”.
Tại Hà Nội, trên thị trường chỉ cá biệt một số loại thực phẩm tăng giá cao như thịt bò và một số loại cá lớn; các thực phẩm khác đều giữ giá hoặc tăng nhẹ, nhiều mặt hàng giảm giá so với trước Tết. Ban quản lý các chợ Nghĩa Tân, Thành Công cho biết, đến thời điểm hiện nay sức mua tại các chợ vẫn thấp. Người tiêu dùng không chi mạnh tay cho việc ăn uống đầu năm như những năm trước nên nhiều quầy hàng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tiểu thương cũng sợ “lụy” cả năm nên không dám “hét” giá cao để bán được hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, sức mua những ngày đầu năm nay thấp so với mọi năm, một phần do kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu của người dân. Giá lương thực ổn định trong xu hướng giảm vì lượng tồn kho còn lớn. Do đó, nỗi lo giá thực phẩm sẽ tăng sau Tết được loại bỏ nếu người tiêu dùng biết cách chi tiêu thông minh.
Chợ lẻ, hàng quán đua “hét” giá
Đến ngày 31/1, hầu hết tiểu thương các chợ đều buôn bán trở lại, đặc biệt các quầy thực phẩm tươi sống đã nhập hàng đầy đủ như ngày thường. Trái cây là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất do người dân đổ xô mua hoa quả cúng sao vào mùng 8. Tiểu thương ngành hàng trái cây các chợ ở TP.HCM như chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Gò Vấp, Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp)… cho biết, lượng hàng bán trong ngày tăng gấp đôi so với những ngày trước. Giá hầu hết các loại trái cây vẫn “neo” ở mức cao bằng giá vào cao điểm Tết. Cụ thể, táo Mỹ 55.000đ/kg, nho Mỹ 150.000đ - 170.000đ/kg, quýt đường 50.000đ/kg, mãng cầu 60.000đ/kg, thanh long 25.000đ/kg…
Những vật phẩm cúng sao giải hạn như mía, dừa, cúc vạn thọ đắt hàng
- Ảnh: Nga My
Tại một số chợ lẻ, nhiều tiểu thương vẫn cố tình đẩy giá thủy hải sản, rau, củ, quả tăng cao với lý do “hàng chưa về nhiều”. Cụ thể, cá lóc nuôi loại 1 giá sỉ chỉ 34.000đ nhưng về chợ lẻ, giá đội lên 80.000đ/kg; cá chép ngày thường 80.000đ/kg, nay lên 140.000đ/kg; cá kèo 140.000đ/kg trong khi trước đó chỉ 110.000đ/kg; súp lơ xanh cao điểm Tết chỉ 20.000đ/kg, nay 30.000đ/kg...
Lấy lý do giá thực phẩm tăng, không chỉ quán hàng vỉa hè mà các quán ăn gia đình cũng thi nhau đội giá. Các xe đẩy bán bánh ướt, hủ tíu, bún riêu, bún mắm… trên vỉa hè đường Phú Thọ, Bình Thới, Hòa Bình, Lạc Long Quân... (Q.11, TP.HCM) tăng giá từ 5.000đ - 10.000đ/phần ăn so với trước Tết. Trước cổng các bệnh viện Hùng Vương, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, quán hàng rong mọc lên dày đặc. So với ngày thường, giá cơm tấm, bún, hủ tíu, bánh canh, bánh mì… tăng từ 5.000đ - 7.000đ/phần.
Theo Phunu Online