Sự kiện hot
12 năm trước

Thịt bò Kobe: Chủ yếu là hàng giả

Danh tiếng của thịt bò Kobe Nhật Bản khiến những người sành điệu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để thưởng. Tuy nhiên, nếu không ở Nhật thì đừng mơ có thịt bò Kobe mà ăn.

Danh tiếng của thịt bò Kobe Nhật Bản khiến những người sành điệu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để thưởng. Tuy nhiên, nếu không ở Nhật thì đừng mơ có thịt bò Kobe mà ăn.

LTS: Trong loạt bài viết mang tên "Food's biggest scam: The great Kobe beef lie" (Vự lừa đảo thực phẩm lớn nhất: Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe) đăng trên Forbes, tác giả Larry Olmsted cho biết, tất cả thịt bò Kobe tại Mỹ đều là giả.

Các nhà hàng, đặc biệt là nhà hàng tại Mỹ, được quyền "thoải mái" quảng bá các loại thịt có nguồn gốc khác nhau là thịt bò Kobe dưới sự cho phép của chính phủ Mỹ.

Càng bất ngờ hơn khi ở Mỹ, hàng trăm loại thực phẩm cao cấp nổi tiếng thế giới khác cũng bị "làm nhái" dưới sự hậu thuẫn 'ngầm' của chính phủ.

Thịt bò Kobe không đến từ Nhật Bản

"Bạn cho rằng mình đã thực sự được nếm thịt bò Kobe?" - "Hãy nghĩ lại đi",

"Nếu bạn chưa từng đến Nhật Bản thì tôi thành thực khuyên bạn đừng nên phung phí bỏ tiền ra mua, bởi ngoài việc đắt đỏ, đây còn là nơi duy nhất có loại thịt này, và bạn sẽ không thể tìm ra thịt bò Kobe ở Mỹ", Đó là những điều Larry Olmsted khẳng định ngay trong bài viết.

Danh tiếng, chất lượng của thịt bò Kobe Nhật Bản khiến những người sành điệu sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để thưởng thức những miếng thịt được quảng cáo là thịt bò Kobe. Và các nhà hàng Mỹ đã không bỏ qua thời cơ này để kiếm lời.

Hiện chỉ có khoảng 3000 con bò Kobe trên toàn thế giới, và không có con nào ở ngoài biên giới Nhật Bản. Con bò phải được sinh ra ở vùng Hyogo, nuôi lớn bằng cỏ, nước và trong điều kiện khí hậu ở đây suốt đời. Quy trình còn ngặt nghèo đến nỗi, khi thịt bò Kobe được bán đi, cho dù trong cửa hiệu hay nhà hàng, thịt đó phải mã với 10 chữ số để người dùng biết đó là thịt đến từ con bò nào.

Thế nhưng, một thực tế rằng thương hiệu bò Kobe lại tràn ngập trong khắp các cửa hàng trên nước Mỹ, trong những miếng bít tết hay hamburger. Người tiêu dùng có thể mua loại thịt này một cách dễ dàng qua các siêu thị hay thậm chí là đặt hàng qua mạng. Các món ăn làm từ "thịt bò Kobe" cũng có giá đắt hơn nhiều so với các món ăn cùng loại khác. Chẳng hạn một chiếc "Kobe burger" có giá lên tới 40 USD.  Một số tờ báo như The New York Times cũng đã từng có những bài hết lời ca ngợi món "thịt bò Kobe" ở những nhà hàng hạng sang ở Manhattan.

Tuy nhiên, tất cả đều là "hàng giả".

Hiện tại Nhật Bản chỉ mới xuất thịt bò Kobe sang một nơi duy nhất là Macao và cũng chỉ mới được xuất từ năm ngoái, vì thế toàn bộ những lời quảng cáo của các nhà hàng về thịt bò Kobe đều là dối trá, lợi dụng uy tín hoàn hảo của thịt bò Kobe để đánh lừa khách hàng.

Trong quá khứ, một số nhà hàng cao cấp của Mỹ đã từng nhập thịt bò từ Nhật Bản và các cửa hàng này đã mặc nhiên đề trong menu của mình rằng đây là thịt bò Kobe dù sự thực chúng chỉ là thịt bò có xuất xứ từ Nhật Bản.

Riêng 2 năm trở lại đây, khi Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản, kể cả việc cho trong hành lý trên máy bay, cụm từ "thịt bò Kobe" được các nhà phân phối thực phẩm ở Mỹ dùng để chỉ tất cả các loại thịt đến từ nhiều quốc gia và chẳng có đặc điểm chung gì với thịt bò Kobe thực ngoài việc chúng đều là "thịt bò".

Tất cả các loại thịt bò mang thương hiệu Kobe được bày bán trong siêu thị hay các nhà hàng của Mỹ, từ bình thường đến cao cấp đều chỉ là hàng "nhái", thậm chí những miếng thịt này còn không có xuất xứ từ Nhật Bản.

Sự cho phép "ngầm" của chính phủ

Ở Nhật, để được gọi là thịt bò Kobe, sản phẩm thịt phải đảm bảo những tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo. Đó phải là thịt của con bò giống Tajima-gyu thuần chủng, bò lai không được chấp nhận. Con bò phải được sinh ra ở vùng Hyogo, nuôi lớn bằng cỏ, nước và trong điều kiện khí hậu ở đây suốt đời. Đó phải là một con bò đực hoặc bò cái chưa qua sinh nở. Thời gian nuôi một con bò Tajima-gyu cho tới lúc được lấy thịt cũng lâu hơn các giống bò khác, khiến chi phí đội thêm. Khi giết mổ, con bò phải được làm thịt tại một nhà giết mổ ở Hyogo, sau đó trải qua một cuộc thẩm định ngặt nghèo của nhà chức trách.

Tuy nhiên ở Mỹ, để được gọi là "thịt bò Kobe" có vẻ dễ hơn nhiều. Các loại thịt được gọi là "thịt bò Kobe" có thể được nhập khẩu từ vùng Midwest, Nam Mỹ hay Australia. Việc sử dụng một thương hiệu đầy uy tiến khiến các cửa hàng thu hút được khách hàng cũng như có thể bán sản phẩm với giá cao hơn.

Không chỉ riêng có thịt bò Kobe, hàng trăm thương hiệu nổi tiếng khác như Champagne, Cô-nhắc, hay phô mai Parmigiano-Reggiano cũng bị làm nhái tương tự.

Tại sao một đất nước có luật pháp quy định và bảo hộ chặt chẽ như Mỹ, các thương hiệu lớn lại có thể bị nhái một cách dễ dàng như vậy?

Câu trả lời nằm ở cách thức quản lý của Chính phủ Mỹ. Những sản phảm nổi tiếng như thịt bò Kobe, Champagne hay Cô-nhắc được đăng ký bảo hộ ở quốc gia bản địa và hầu hết các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Liên minh châu Âu có một danh sách dài tới 600 sản phẩm địa lý được đăng ký bảo vệ.

Nhưng riêng nước Mỹ, câu trả lời lại nói không, bất chấp lời kêu gọi từ châu Âu hay WTO.

Thay vì ghi tên mình vào danh sách và công nhận những sản phẩm này, nước Mỹ lại đang lợi dụng danh tiếng của chính những sản phẩm này để tạo ra những mặt hàng "nhái" ở trong nước. Champagne là một ví dụ điển hình. Thay cho các loại Champagne của Pháp, người tiêu dùng Mỹ có thể mua cả những loại Champagne sản xuất tại New York hay Carlifornia.

Tuy nhiên, rất khó để người tiêu dùng có thể nhìn thấy những dòng như "made in Carlifornia" trên nhãn của những chai Champagne, bởi chúng rất nhỏ, và nhà sản xuất đã khéo léo "đánh lừa" cảm giác của khách hàng, khiến họ cho rằng những chai Champagne thực sự có nguồn gốc từ Pháp.

Thịt bò Kobe cũng vậy. Các nhà hàng tại Mỹ gọi loại thịt này với cái tên "thịt bò Wagyu" để đánh lừa khách hàng. Các nhà hàng này giải thích với khách rằng Wagyu là tên của giống bò cho ra thịt bò Kobe. Nhưng sự thật thì từ "Wagyu" trong tiếng Nhật chỉ có nghĩa là "gia súc Nhật Bản", dùng để chỉ toàn bộ các giống gia súc ở đất nước mặt trời mọc, và chẳng có liên quan gì đến việc ám chỉ giống bò Kobe cả.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết việc này, và rất nhiều người đã  không ngần ngại bỏ ra một món tiền lớn để thưởng thức món "thịt bò Kobe" giả.

Quốc Dũng
Theo VEF


Từ khóa: