Sự kiện hot
10 năm trước

“Thổi còi” 2 thông tư lĩnh vực thuế, phí, lệ phí của Bộ Tài chính

Hôm nay (28/7), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) ra văn bản khẳng định Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 5/12/2014 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí của Bộ Tài chính có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp pháp.


Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư 1666 quy định “hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man, trốn thuế, nhưng nếu người nộp thuế vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan thuế lập biên bản ghi nhận để xử phạt theo mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm”.

Trong khi đó, điểm c khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/10/2013 quy định “hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiến thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man trốn thuế, nhưng người nộp thuế vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiến thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan thuế lập biên phải ghi nhận để xác định lạ hành vi khai thiếu thuế”.

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc xử phạt hành chính đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư số 166 chưa bảo đảm sự chính xác và thống nhất với điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 129. “Từ quy định của Thông tư 166, e rằng khi áp dụng trên thực tế, có thể người thực thi công vụ không tránh khỏi việc hiểu và áp dụng khác nhau”, Cục trưởng Lê Hồng Sơn nêu rõ.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản năm 2008 quy định “văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không gặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm, được quy định chi tiết”.

Tuy nhiên, một số nội dung của Thông tư số 166 và Thông tư số 186 của Bộ Tài chính đã quy định lặp lại, sao chép các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí đã được quy định trong Nghị định 129; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013…. là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Điều 4; Điều 6; điểm b, c khoản 1 Điều 12; khoản 1, Điều 14 của Thông tư số 166 sao chép lại Điều 2; Điều 3; điểm c, khoản 1 Điều 10; Điều 12 Nghị định số 129…. Các Điều 4, 5, 6, 7… của Thông tư số 186 sao chép lại các Điều 22, 23, 24, 25… của Nghị định số 129.

Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung của phù hợp với pháp luật tại các Thông tư nêu trên.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: