Sự kiện hot
8 năm trước

Thực phẩm bẩn: "Thủ phạm" chính gây ung thư cho người Việt

Phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh là do tác động của thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường và tuổi thọ gia tăng. Trong đó, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%...

Tại Hội thảo “Vì thị trường thực phẩm” diễn ra ngày 26/3 tại TP.HCM, nhiều đại biểu thể hiện sự bức xúc chuyện các công ty dược đang được cấp phép để nhập khoảng 9 tấn chất kháng sinh một năm để phục vụ nghiên cứu sản xuất. Tuy nhiên số lượng sử dụng thực tế chỉ hơn 3 tấn, số còn lại sẽ được sử dụng trong nông nghiệp và chăn nuôi.

Cụ thể, đối với thực phẩm quen thuộc, nhất là thịt heo thì tỷ lệ chất kháng sinh đang sử dụng ngày một nhiều. Từ tháng 7/2011 đến tháng 11/2011, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Cescon) khảo sát tồn dư chất Beta-agonist trong thịt heo tại TP HCM. Kết quả có 10/30 mẫu phát hiện có tồn dư Beta-agonist, chiếm 33%. Đáng nói, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, khi kiểm tra 50 mẫu đã phát hiện 8 mẫu dương tính với salbutamol, tương đương 16%.

Ông Đỗ Ngọc Chính - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết tình trạng ung thư trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Nếu như ở năm 2000 chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc ung thư, thì đến năm 2015 vừa qua, số ca mới mắc ung thư tăng lên hơn gấp đôi lên đến 150.000 ca.

Theo đà này, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ lên đến gần 200.000, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới.

 


Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ khoảng 35%...(Ảnh minh họa)

 

Phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh là do tác động của thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường và tuổi thọ gia tăng. Trong đó, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%.

Thực phẩm bẩn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, có thực phẩm bẩn người tiêu dùng nhận biết được, nhưng cũng có thực phẩm bẩn người tiêu dùng không thể nhận biết. Chẳng hạn hàng tấn Salbutamol được đưa vào thức ăn cho heo để tạo nạc, tạo cho thịt heo sáng bóng, hay tiêm kháng sinh vào trong các vật nuôi giúp tăng năng suất thì làm sao người tiêu dùng biết được.

Ông Chính cho biết, hiện có khoảng 50% kháng sinh trên thế giới được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi để tăng năng suất cây trồng: “Việc dùng kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, sẽ vô hiệu hóa các kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc”.

Cũng theo ông Chính, các chất gây nguy hại cho sức khỏe con người có trong vật nuôi không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Vào năm 2011, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã khảo sát nhanh các chất nhóm Beta-Agonist (phổ biến của nhóm chất này là Salbutamol và Clenbuterol dùng để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc trong vật nuôi) trong thức ăn chăn nuôi heo, gà ở TP.HCM. Kết quả có đến 10% mẫu thức ăn chăn nuôi có chất Salbutamol.

Điều này cho thấy người dân đã nuốt Salbutamol gây nguy hại đến sức khỏe từ rất lâu. Và đây là nguyên nhân khiến cho bệnh tật, nhất là bệnh ung thư xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra nhiều hệ lụy và tốn kém tiền bạc của người dân và xã hội.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Cescon cho rằng: “Để hạn chế việc tồn tại các sản phẩm chứa dư lượng kháng sinh nhiều, chỉ còn cách buộc các cơ sở kinh doanh thực phẩm ký cam kết không sử dụng nguyên liệu có chất kháng sinh. Người tiêu dùng phải tỏ thái độ gay gắt với các thực phẩm không đạt chuẩn hay đảm bảo quy định truy xuất nguồn gốc. Chuyện quản lý là rất khó”.

Một thực tế hiện nay là hầu hết các cơ quan quản lý thị trường thực phẩm không mấy người có chuyên môn về thực phẩm để làm việc một cách hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, cơ quan thực thi hiện nay bị phân công chồng chéo, cán bộ trình độ hạn chế nên không quản lý nổi thị trường phức tạp này? Ngành Công Thương hiện nay như đang đi trong đêm tối khi được giao quản lý một mảng của vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vì không đúng với chuyên môn. Các tổ chức chính trị - xã hội vừa thiếu vừa yếu, không có kinh phí thực hiện, dẫn đến hoạt động èo uột, không phát huy được năng lực.

“Ngay cả việc lấy mẫu kiểm tra ra sao, quy trình như thế nào để tránh thôi nhiễm (lây từ mẫu này sang mẫu khác) nhiều cán bộ còn không nắm được thì sao mà quản lý? Áp dụng pháp luật để xử lý thì luật này chồng luật kia, có khi thông tư lại còn cao hơn cả luật nên rối rắm, nhiêu khê. Phần lớn vẫn quy đổ trách nhiệm cho nhau, trong khi vấn đề chính là làm sao để người tiêu dùng không phải sử dụng thực phẩm bẩn thì không ai nhắc đến”, ông Danh bức xúc.

Vị này cho rằng, ở thời điểm hiện tại người tiêu dùng vẫn tự bảo vệ minh là chính. Nhưng có một thực trạng đáng chú ý hiện nay là thực phẩm chia nhỏ. Ví dụ các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến được người bán chia ra từng túi, không có nhãn mác nhưng xử phạt không được. Người tiêu dùng cần có kỹ năng lựa chọn hàng hóa, nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuyết Mai
theo ĐSPL

Từ khóa: