Sự kiện hot
10 năm trước

Thuốc lá không hình cảnh báo: tràn lan trên thị trường

Dantin - Dù Bộ Công thương và Bộ y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT về việc bắt buộc các sản phẩm thuốc lá trong nước phải in hình cảnh báo sức khỏe nhưng thuốc lá “không hình cảnh báo” vẫn được bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền Tây, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.


Nhiều loại thuốc lá không hình tại các sạp kinh doanh ở chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế)

Cấm nhưng vẫn… tràn lan

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013, các sản phẩm thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu từ ngày 1.5.2013 tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đều phải in hình cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; các loại in hình cảnh báo bằng chữ hoặc không in hình cảnh báo đều không hợp lệ. Hình cảnh báo bắt buộc phải in tối thiểu 50% diện tích mặt trước và sau của bao thuốc lá.

Đúng như mục đích của việc in hình cảnh báo, đa phần người dân đã khá dị ứng với những bao thuốc lá có in hình ảnh quá “ghê rợn”. Thực tế, nhờ những hình ảnh “ghê rợn” này mà số lượng người sử dụng thuốc lá có phần giảm rõ rệt so với trước khi quy định được ban hành.

Mặc dù vậy, theo nhận định của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, các loại thuốc lá không in hình cảnh báo và in hình cảnh báo bằng chữ do các doanh nghiệp thuốc lá sảm xuất trước đó đã bị các đầu nậu, dân buôn “gom” hàng trước khi bị cấm lưu thông và tiếp tục tung ra tràn lan suốt 6 tháng đầu năm 2014.

Theo điều tra, thị trường các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ hoặc các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… có lượng bao thuốc lá không hình cảnh báo sức khỏe khá nhiều. Các loại thuốc lá không hình chủ yếu là Sleigh, Yett, White Horse, War Horse, hay các nhãn thuốc lá ngoại nhập lậu như Hero, Golden Deer… Những nhãn thuốc lá này nếu muốn tìm mua loại có in hình cảnh báo hầu như rất hiếm hoi, thậm chí khi chúng tôi thử hỏi mua cũng nhận được câu “không có hàng” hoặc “hàng chưa về” từ người bán(?).

Một tiểu thương tại chợ Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, các loại thuốc lá có in hình rất khó bán bởi hình ảnh in trên bao thuốc nhìn đáng sợ, khách hàng chủ yếu hỏi mua các loại thuốc lá không hình. Những bao thuốc lá không hình đã sản xuất “chui” được tung ra thị trường với giá tăng gấp đôi, khiến thị trường thuốc lá điếu bị thao túng và doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp đang dần bị giết chết. Các loại như Vinataba tăng từ 15.300 lên 30.000 đồng/bao; 555 tăng từ 22.500 lên 31.500 đồng; White Horse từ 18.500 lên 33.000 đồng/bao; Thăng Long từ 7.000 lên 15.000 đồng/bao; War Horse từ 6.000 lên 10.000 đồng/bao.

Tại chợ Đông Ba, “thiên đường” của dân buôn thuốc lá thì các bao thuốc lá không hình được trưng bày thoải mái, đa dạng lẫn lộn giữa các mẫu thuốc lá có hình. Một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tâm lý người dân không thích thuốc lá có hình đã đưa thuốc lá không hình “tấn công” vào thị trường dưới hình thức hàng tồn kho do đại lý, người bán lẻ dữ trữ. Thế nhưng, việc lượng thuốc lá không hình “tồn kho” tràn lan trên thị trường hơn 1 năm và có xu hướng ngày càng tăng là một điều bất thường.

… “Chưa có văn bản chỉ đạo liên quan”


Ông Ngô Quốc Toản, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp của Chi cục QLTT Thừa Thiên Huế

Về việc thuốc lá không hình cảnh báo vẫn được bán tràn lan trên thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng, do hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên các bao thuốc lá từ đầu năm đã gây tâm lý và cảm quan không tốt cho người sử dụng, nên nhiều người đã tìm đến các loại thuốc không có hình ảnh cảnh báo, bất chấp giá cao. Đây cũng chính là thời cơ để những loại thuốc không có hình ảnh tăng giá 30 đến 50%. Cũng theo thống kê của Hiệp hội thuốc lá, việc áp dụng in cảnh báo theo quy định mới đã có những ảnh hưởng nhất định tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ tìm đến các loại thuốc không có cảnh báo.

Thống kê cũng cho thấy, từ khi áp dụng quy định, thị phần các doanh nghiệp bị giảm mạnh, có sản phẩm giảm tới 50%... Trong 3 tháng đầu năm 2014, sản lượng thuốc lá điếu toàn ngành giảm đến 9%, tương đương thất thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng, số tiền đó được các đối tượng đầu cơ, găm hàng, buôn lậu trục lợi.

Ông Ngô Quốc Toản, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp của Chi cục QLTT Thừa Thiên Huế, nhận xét: “Việc các bao thuốc lá in hình cảnh báo sức khỏe như Thông tư 05/2013 là có hiệu quả thấy rõ. Người dân khá sợ hình ảnh trên bao thuốc lá nên có thể giảm tỉ lệ hút thuốc. Các bao thuốc lá không hình còn tồn tại trên thị trường có lẽ là hàng tồn kho còn sót lại của các đại lý, người bán lẻ”. Tuy nhiên, khi hỏi về việc QLTT có biện pháp kiểm soát các bao thuốc lá “không hình” hay không thì ông cho biết “chưa có văn bản chỉ đạo nào liên quan”. Ông Toản cũng bày tỏ lo lắng về việc thuốc lá lậu như Jet, Hero... sẽ gia tăng, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị sản xuất trong nước. Thuốc lá lậu đều không in hình nên có thêm lợi thế cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Để bảo đảm Thông tư 05/2013 và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu quả thì việc ngăn chặn thuốc lá lậu cũng có ảnh hưởng rất quan trọng.

Chủ tịch HĐQT một công ty thuốc lá tại Việt Nam cho rằng, hầu hết các nhà máy đã chấp hành việc in cảnh báo bằng hình ảnh. Tuy nhiên, tại hệ thống phân phối, các đại lý cấp 2, 3 có hiện tượng giới đầu cơ gom thuốc lá không in cảnh báo bằng hình ảnh, chờ đến khi các công ty không sản xuất nữa thì tung ra thị trường với giá cao hơn.

Quy định pháp luật về việc in hình cảnh báo sức khỏe lên bao bì thuốc lá cũng như các biện pháp quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuốc lá đã quá rõ ràng nhưng thực tế, số lượng thuốc lá không in cảnh báo sức khỏe còn khá nhiều trên thị trường lấn át cả những bao bì thuốc lá có in hình cảnh báo. Một câu hỏi được đặt ra, liệu chăng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thuốc lá đang có vấn đề và hoạt động kém hiệu quả?!

Việc cấp thiết ngay lúc này là các lực lượng chức năng có liên quan như thanh tra Sở y tế, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải quan cần vào cuộc. Các cơ quan này cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm bảo đảm tính thực thi của pháp luật.

Tường Châu - Ngọc Diễm

Từ khóa: