Sự kiện hot
13 năm trước

Thương mại điện tử: Áp lực từ hệ thống hậu cần

Các dịch vụ hậu cần là thách thức lớn nhất của các công ty thương mại điện tử vốn còn non trẻ và chủ yếu phát triển từ các mô hình nhỏ.

Các dịch vụ hậu cần là thách thức lớn nhất của các công ty thương mại điện tử vốn còn non trẻ và chủ yếu phát triển từ các mô hình nhỏ.

Là một doanh nghiệp làm thương mại điện tử, ông Trần Ngọc Thái Sơn, tổng giám đốc Tiki.vn, đưa ra góc nhìn về hệ thống cung ứng. Bài viết này khép lại loạt bài trên báo Sài Gòn Tiếp Thị về chủ đề thương mại điện tử. Mời bạn đọc xem thêm ý kiến của các doanh nghiệp, độc giả tại .

Thói quen tiêu dùng trực tuyến và thanh toán qua mạng đã có những chuyển biến tích cực, nhưng hiện nay “chướng ngại vật” lớn nhất là hệ thống hậu cần (logistics). Cũng như những ngành kinh doanh khác của Việt Nam, thách thức của hệ thống logistics là khá lớn. Đối với mô hình kinh doanh thương mại điện tử (e-commerce) lại càng khó khăn vì càng phát triển thì độ phổ rộng của người mua, độ phân tán hàng hoá càng cao và nhỏ lẻ, trong khi mô hình e-commerce đòi hỏi việc giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi.

Ba áp lực lớn

Một cửa hàng kinh doanh ngành hàng điện tử tiêu dùng vật tư máy móc nhiếp ảnh số tại TP.HCM, phát triển kinh doanh qua mạng từ giao nhận đặt và xử lý đơn hàng đến thanh toán qua ngân hàng điện tử, đáp ứng nhu cầu khách trên cả nước. Ảnh: Lê Quang Nhật

1. Hệ thống giao hàng:

Về hệ thống vận chuyển – giao nhận, đa số giao dịch e-commerce là hàng hoá vật lý cần giao nhận trực tiếp. Các doanh nghiệp phải mở rộng địa bàn hoạt động để tiếp cận khách hàng toàn quốc hay quốc tế thì mới phát huy được lợi thế quan trọng của e-commerce: không giới hạn về địa lý và thời gian hoạt động. Nhưng đa số các công ty e-commerce Việt Nam vốn bắt nguồn từ các công ty công nghệ thông tin, không có nhiều kinh nghiệm về mảng logistics. Cho dù có, các công ty e-commece non trẻ của Việt Nam vẫn chưa tích luỹ đủ tiềm lực tài chính để phát triển hệ thống vận chuyển, kho hàng riêng thực sự chuyên nghiệp, dẫn đến đa số phải dựa vào các công ty vận chuyển thứ ba. Nhưng đa số các công ty này tại Việt Nam chỉ tập trung ở một số tỉnh thành lớn, việc vận chuyển đến các tỉnh xa, dân số ít còn bỏ ngỏ hoặc giao lại cho hệ thống bưu điện quốc gia.

2. Miễn phí vận chuyển:

Số ít các hệ thống vận chuyển lớn có khả năng phục vụ nhu cầu này có mức phí rất cao, vượt ngoài tầm của các công ty e-commerce. Trong khi đó, thói quen của khách hàng Việt Nam cũng như yếu tố cạnh tranh trong ngành e-commerce buộc các công ty áp dụng hình thức miễn phí vận chuyển. Xu thế cạnh tranh càng tăng, áp lực này sẽ trở thành tiêu chí đương nhiên khi khách hàng mua hàng từ các sàn e-commerce. Chi phí này sẽ ăn trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp, khách hàng hưởng lợi, tuy nhiên về tổng thể thị trường sẽ làm yếu tính cạnh tranh của ngành e-commerce.

3. Thu tiền tận nơi:

Dịch vụ logistics chỉ hiệu quả khi có nhiều đơn hàng để có chi phí thấp, lúc đó nhà cung cấp tự đầu tư hay thương lượng với đối tác đều dễ dàng. Các công ty logistics lớn thậm chí không làm việc với các công ty có lượng giao dịch nhỏ. Đặc trưng của lĩnh vực e-commerce còn là giao hàng và thu tiền tận nơi, vốn không phải là dịch vụ được các công ty vận chuyển “mặn mà” vì độ phức tạp và rủi ro của nó, càng khiến việc chọn lựa đối tác khó khăn.

Bên cạnh áp lực chi phí cao, các công ty e-commerce còn gặp khó khăn tìm được đối tác đáp ứng yêu cầu về chất lượng và độ phủ, giảm rủi ro về trễ đơn hàng hay thất lạc, thái độ phục vụ, vòng xoay tiền mặt chậm... làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Chờ giải pháp dài hạn

Các công ty e-commerce đang phát triển theo cách “rất Việt Nam”: giao hàng và thu tiền tận nơi (COD) bởi việc thanh toán khó có thể theo cách “trời Tây” với 100% có thể giao dịch trực tuyến. Điều này cũng không mới mẻ, tại thị trường lớn như Trung Quốc thì 50 – 80% giao dịch vẫn là COD. Một công ty có quy mô trung bình hiện đã phải xây dựng đội ngũ giao hàng riêng tại các thành phố lớn và kết hợp với ít nhất ba đơn vị vận chuyển để hàng hoá đến được toàn quốc, hầu hết đều phải mở hệ thống kho để đảm bảo lượng hàng hoá cung ứng. Tuy nhiên, về lâu dài việc có được hệ thống giao nhận, kho vận riêng trên cả nước sẽ ngoài tầm với của đa số công ty e-commerce. Có thể giải pháp là các công ty cùng đầu tư hệ thống kho và giao nhận để tiết giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu chuyên biệt. Tuy nhiên điều này sẽ dễ quành lại bài toán “tôi cũng là amateur, tôi không chuyên nghiệp”.

Ở thị trường lớn, các công ty dẫn đầu như Taobao, Alibaba, 360buy.com… đều đầu tư thiết lập hệ thống riêng. Ví dụ 360buy.com xây trung tâm phân phối khổng lồ ở Thượng Hải có năng lực xử lý đến 100.000 đơn hàng mỗi ngày. Cho đến nay tại Việt Nam, các công ty lớn về internet như FPT, VNG chưa thấy có năng lực thật sự trong mảng e-commerce. Việt Nam đang cần một đầu tàu đủ mạnh về e-commerce để liên kết được thị trường, ở đó các công ty lớn có thể tạo nền tảng và các công ty nhỏ là vệ tinh. Các công ty có thể cạnh tranh nhau nhưng mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí để cả thị trường hưởng lợi.

Cuối cùng, chi phí logistics đắt đỏ đang là vấn đề lớn của cả nền kinh tế. Vì thế suy cho cùng giải pháp logistics cho thị trường e-commerce không chỉ đến từ e-commerce, nếu khâu hậu cần của toàn thị trường yếu thì sự phát triển thiếu bền vững. Chỉ có hậu cần thị trường + hậu cần e-commerce đồng bộ mới tạo nên thành công.

Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VNG:

“e-commerce chỉ bùng nổ khi xây dựng được kênh giao hàng nhanh và tin cậy”

So với cách đây 5 năm, thị trường web đã phát triển vượt bậc cả chất và lượng. Số người dùng internet đã đạt 30 triệu; internet di động đang trở thành xu hướng quan trọng khi người dùng đang dịch chuyển sang các nền tảng điện thoại di động, máy tính bảng, tivi… Sự bùng nổ 3G cũng đã tạo ra gần 13 triệu người dùng các dịch vụ web trên di động - con số cách đây 5 năm hầu như bằng 0. Các loại hình dịch vụ trên internet theo đó đã phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu người dùng. Thị trường đang chứng kiến sự cực thịnh của web 2.0 nhắm vào sự tương tác và chia sẻ của người dùng, tạo ra nền tảng mở kết nối nhiều ứng dụng.

Xu hướng internet sẽ là xã hội hóa (tích hợp các chức năng tương tác của mạng xã hội), địa phương hóa (tự phát hiện vị trí địa lý người dùng và đưa ra nội dung phù hợp), di động hóa (đưa ứng dụng lên thiết bị di động). VNG cũng định hướng phát triển theo ba xu hướng này ở 4 mảng thị trường: thông tin (tìm kiếm, tin tức), kết nối (diễn đàn, mạng xã hội), giải trí (game, phim, nhạc), và thương mại điện tử. Theo tôi, một hệ sinh thái kinh doanh hoàn chỉnh cần ba thành tố hỗ trợ: kênh thông tin sản phẩm/ giá cả; kênh thanh toán; kênh giao hàng. Thanh toán trực tuyến hiện đã được nhiều người chấp nhận, việc xây dựng kênh giao hàng nhanh chóng và tin cậy sẽ là thách thức cuối cùng trước khi có sự bùng nổ về thương mại điện tử.

Bà Trương Tố Linh, giám đốc phát triển kinh doanh mạng hotdeal.vn:

“Bài toán giữa doanh thu và lợi nhuận”

Thực tế thị trường Việt Nam đến nay cho thấy thương mại điện tử không hẳn luôn là lợi thế của các công ty internet lớn. Việc vận hành các mạng B2C (doanh nghiệp - người dùng) đòi hỏi những đặc thù riêng, không phải nhà cung cấp có cộng đồng lớn là có thể thành công bởi mô hình B2C đòi hỏi cách thức vận hành riêng biệt và đầu tư tập trung. Việc vận hành mô hình B2C liên quan đến các hoạt động trực tiếp (offline) nhiều hơn là trực tuyến (online). Từ quy trình quản lý và xử lý đơn hàng, quản lý kho cho đến giao nhận và chăm sóc khách hàng, quan trọng nhất là mảng tiếp thị và bán hàng…

Năm 2011, mô hình mua chung đã có những đột phá nhờ thành công về doanh thu, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thanh khoản tiền mặt từ các dịch vụ này đã tạo ra lợi thế chung cho nền thương mại điện tử. Điều quan trọng nhất là các mạng đã có được dòng tiền và lượng người dùng thật, từ đây có thể tạo ra những dịch vụ hiệu quả hơn. Bài toán sắp tới là lợi nhuận, doanh nghiệp nào tiết giảm được chi phí vận hành, tối ưu hoá quy trình giao nhận, phân khúc khách hàng và tìm đúng thị trường phù hợp là lợi thế của công ty mình thì mới tạo ra lợi thế dài hạn.

Ông Đinh Anh Huân, phó tổng giám đốc công ty Thế Giới Di Động:

“B2C sẽ thành xu hướng mở rộng của các nhà bán lẻ truyền thống”

Đối với Thế Giới Di Động, kế hoạch phát triển mảng online đã đặt ra ngay thời gian đầu phát triển hệ thống. Tuy nhiên giai đoạn đầu doanh thu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, vai trò chủ yếu là quảng bá thương hiệu và để khách hàng tìm kiếm, so sánh sản phẩm. Những năm gần đây doanh số đã tăng nhanh, đạt gần 9% trong tổng doanh thu 6.000 tỉ đồng trong năm 2011, tăng trưởng 200%; năm 2012 chúng tôi tiếp tục đề ra mức tăng trưởng 200% cho mảng bán hàng này. Tôi cho rằng đây là thời điểm sẵn sàng tăng tốc cho mảng trực tuyến, Thế Giới Di Động đã thiếp lập kênh bán hàng online với 200 nhân sự và sẽ tiếp tục phát triển thời gian tới.

Việc xây dựng mạng bán hàng B2C là xu hướng của những đơn vị bán lẻ vốn đã đạt được độ chuyên nghiệp và quy mô nhất định cùng với hệ thống kho vận đã được thiết lập trên toàn quốc. Mô hình B2C sẽ như là một siêu thị hàng hóa giúp công ty thiết lập kênh bán hàng, khuyến mãi đồng bộ hơn với dữ liệu khách hàng đã được tích lũy. Kênh bán hàng online sẽ chiếm 15% như các nước khác, riêng thị trường điện máy có thể chiếm 20%.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Long, TP.HCM:

“Cân nhắc lựa chọn mô hình e-commerce phù hợp”

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến nay đã vắng bóng các sàn giao dịch B2B (business to business) mà một thời các doanh nghiệp, quỹ đầu tư đã đổ tiền của và công sức vào đó. Mô hình này từng được kỳ vọng là sàn xuất nhập khẩu để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới nhưng hiện đang dần nhường sân cho gã khổng lồ Alibaba. Những nhà làm B2B Việt Nam đã không tìm kiếm được đối tác cho doanh nghiệp xuất khẩu trong khi khả năng thu hút doanh nghiệp toàn cầu của các website Việt Nam hay của thị trường còn hạn chế. Việc tìm hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã khó, thị trường quy mô nhỏ đã không thuận lợi cho mô hình “bán buôn” này phát triển.

Các mô hình bán lẻ B2C, C2C gặp thuận lợi hơn nhờ dựa vào thị trường tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, không nên quá lạc quan khi mà giao dịch nội địa vẫn đang chiếm hơn 80%, chiều mua hàng nhập khẩu phát triển thì chiều bán ra nước ngoài gặp hạn chế bởi doanh nghiệp trong nước khó thể cạnh tranh được với người bán nước ngoài. Thực tế, Trung Quốc, Mỹ, Nhật hay một số website châu Âu thành công ở mô hình B2B vì đó là các công xưởng của thế giới, các mô hình B2B phản ánh đúng quy mô thương mại mà các thị trường đó tạo ra. Các doanh nghiệp sau giai đoạn trải nghiệm sẽ đánh giá lại để có hình thức e-commerce phù hợp, các công ty mô phỏng các mô hình thành công ở nước ngoài nhưng về lâu dài sẽ khó thành công nếu không kinh doanh linh hoạt ở thị trường trong nước.

Tuyết Ân

Trần Ngọc Thái Sơn
Theo SGTT

Từ khóa: