Sự kiện hot
12 năm trước

Tiền trong tài khoản tại CTCK: NĐT “nắm dao đằng lưỡi”!

Hai ngày nay, liên tục có các thông tin liên quan tới việc CTCK SME (SMES) hoàn toàn đóng băng thanh khoản và NĐT mở tài khoản tại đây không thể rút được tiền mặt trong tài khoản của mình, đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về an toàn tiền gửi của NĐT tại các CTCK.

Hai ngày nay, liên tục có các thông tin liên quan tới việc CTCK SME (SMES) hoàn toàn đóng băng thanh khoản và NĐT mở tài khoản tại đây không thể rút được tiền mặt trong tài khoản của mình, đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về an toàn tiền gửi của NĐT tại các CTCK.

Chiếm dụng tiền của NĐT

Cách đây không lâu, khi SMES mới chỉ bị đình chỉ hoạt động giao dịch thì NĐT vẫn có thể rút dần từng lượng nhỏ tiền mặt ra khỏi tài khoản. Tuy nhiên, đến nay thì khách hàng chỉ nhận được câu trả lời là... đã hết tiền mặt, thời gian phải chờ có thể lên tới 2-3 tuần. Một phương án khác được gợi ý là khách hàng có thể chuyển tài khoản sang một CTCK khác. Theo thông tin từ một số NĐT có mở tài khoản tại SMES thì CTCK GoldenBridge (GBVS) đã cử nhân viên tới SMES để hỗ trợ NĐT trong việc chuyển tài khoản sang Cty này nếu khách hàng có yêu cầu.

Đến lúc này, nhiều NĐT mới “ngớ người”, bởi trong trường hợp này, rõ ràng tiền trong tài khoản là của NĐT, NĐT ký hợp đồng mở tài khoản với CTCK và nộp tiền mặt vào tài khoản để thực hiện giao dịch; nhưng giờ muốn rút tiền ra lại không được. Câu trả lời cho vấn đề trên là CTCK đã “mượn” tiền của khách hàng (mà không hỏi). Đối với hầu hết các trường hợp mượn tiền trong tài khoản của NĐT, chủ yếu là CTCK sử dụng nguồn tiền đó (thay vì đi vay NH) để cho khách hàng khác vay lại qua hình thức đòn bẩy tài chính. Hình thức này có thể gây rủi ro về thanh khoản cho bất kỳ CTCK nào. Nhưng với các CTCK nhỏ thì mức rủi ro cao hơn, vì khả năng quay vòng tiền yếu và khi xảy ra sự cố thì do tiềm lực tài chính không lớn nên khả năng mất thanh khoản là điều tất yếu.

Một điều đáng chú ý là trong trường hợp này khách hàng không được bảo vệ. Trong các hợp đồng mở tài khoản giao dịch của NĐT ký với CTCK thì có rất nhiều điều khoản liên quan tới nghĩa vụ của NĐT mà phía này phải thực hiện. Còn đối với nghĩa vụ của CTCK thường được ghi theo hướng có lợi cho Cty. Trong hợp đồng mở tài khoản cho khách hàng, ngoài một số điều khoản khác, một số CTCK cũng có ghi rõ nghĩa vụ “quản lý tách biệt số dư tiền và CK trong tài khoản giao dịch CK của khách hàng với tài sản của CTCK; và chỉ được sử dụng số dư tiền và CK trong tài khoản giao dịch CK của khách hàng để thực hiện các giao dịch của khách hàng hoặc để thực hiện nghĩa vụ của khách hàng đối với CTCK”. Tuy nhiên, bản thân khách hàng cũng không biết và không thể kiểm soát được liệu CTCK có thực hiện đúng cam kết đó hay không.

Ảnh: Kỳ Anh

Thời gian tới… mới tách bạch

Yêu cầu minh bạch và tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng với tài khoản của CTCK đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng đến nay, đa phần CTCK chỉ dừng đến mức tách bạch tài khoản tổng (tức là tách tài khoản của khách hàng riêng với tài khoản của Cty chứ chưa tách bạch tới từng tài khoản của từng khách hàng với tài khoản của CTCK). Thậm chí, nhiều CTCK còn chưa đạt đến mức này. Một số CTCK có NH mẹ đỡ đầu, đã tiến hành tách bạch đến từng tài khoản của khách hàng. Nhưng cách đây không lâu, một Cty trong số này thừa nhận, việc tách bạch này là do yêu cầu; nhưng khi các Cty khác không thực hiện mà không bị bất kỳ hình thức xử lý nào thì sẽ không khuyến khích/bắt buộc các Cty khác thực hiện. Do đó, việc trây ỳ là có thực. Vì vậy, việc CTCK sử dụng tiền trong tài khoản của NĐT chỉ lộ ra khi nào sự việc vỡ lở.

Bên cạnh đó, các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính của CTCK cũng mới chỉ quản lý khả năng sử dụng vốn của CTCK chứ chưa khống chế được việc Cty lạm dụng tiền của khách hàng. Ngay cả TTLK cũng chỉ mới khống chế được khối lượng CK đến từng tài khoản, chứ chưa giám sát được tiền mặt của NĐT.

Ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch UBCK - trong một cuộc họp tại Hiệp hội Kinh doanh CK (VASB) mới đây cũng đã thừa nhận, thời gian vừa qua do tình hình khó khăn, một số Cty mất thanh khoản nên đã “lộ” ra một số CTCK sử dụng tài khoản của khách hàng, không tách bạch tài khoản tổng. Có Cty mở tới 30 - 40 tài khoản tại các NH. “Điều này là không cần thiết” - ông Hùng nói. Vì khi giao dịch chỉ cần một tài khoản để khách hàng chuyển tiền vào. “Đây là tài khoản tập kết tiền của khách hàng để giao dịch. Đây cũng là tài khoản chuyên dùng và phải được kiểm soát chặt chẽ” - Phó Chủ tịch UBCK nhấn mạnh. Ông Nguyễn Đoan Hùng cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ làm rõ việc tách bạch tài khoản của CTCK và yêu cầu CTCK chỉ sử dụng một tài khoản (ghi rõ là tài khoản chuyên dùng) và thông báo số tài khoản này để khách hàng biết.

Hiện nay, sau vụ việc SMES, điều mà NĐT quan tâm là ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ khi tài sản bị xâm hại. Trong các hợp đồng mở tài khoản giao dịch CK, gần như không có điều khoản nào đề cập đến nghĩa vụ của CTCK, cơ chế xử lý, thu hồi tài sản cho NĐT nếu vì một lý do nào đó tài sản NĐT ký gửi thông qua CTCK không còn nguyên vẹn. Hợp đồng mẫu là do CTCK soạn thảo, NĐT không có cơ hội sửa hay bổ sung thêm bất kỳ điều khoản nào khác. Do đó, trong những trường hợp như SMES, NĐT là người chịu thiệt, cắn răng chịu đựng mà không biết kêu ai. Theo một số kiến nghị, UBCK nên công bố định kỳ tình hình tài chính, minh bạch tài khoản tiền gửi NĐT tại CTCK, đồng thời có những cảnh báo sớm đối với những trường hợp CTCK kém thanh khoản... để NĐT tự bảo mình.

Lưu Thuỷ
Theo Lao dong

Từ khóa: