Sự kiện hot
12 năm trước

Tín dụng cuối năm: Khan hiếm đầu vào

Trước sự khan hiếm của nguồn vốn cuối năm, các ngân hàng đã chủ động nâng lãi suất huy động vàng và các ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ. Trong điều kiện lợi nhuận phần lớn trông vào hoạt động tín dụng, để có thể tăng dư nợ cho vay, các ngân hàng không còn đường nào khác ngoài tăng vốn huy động.

Trước sự khan hiếm của nguồn vốn cuối năm, các ngân hàng đã chủ động nâng lãi suất huy động vàng và các ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ. Trong điều kiện lợi nhuận phần lớn trông vào hoạt động tín dụng, để có thể tăng dư nợ cho vay, các ngân hàng không còn đường nào khác ngoài tăng vốn huy động.

“Vùng trũng” liên ngân hàng

Số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng, theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 10-2011 giảm 0,74% so với tháng 9, còn tháng 9 giảm 1,07% so với tháng trước đó. Trong đó số dư tiền gửi bằng tiền đồng giảm mạnh hơn cả. Tính ra đến nay vốn huy động chỉ tăng 8,59% so với cuối năm ngoái - mức tăng yếu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2011, vốn huy động sẽ vẫn trong tình trạng giảm khi người dân chuộng nắm giữ vàng hơn tiền đồng. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ rút tiền nhiều hơn gửi vào ngân hàng do nhu cầu chi trả lương, thưởng cuối năm và dự trữ hàng hóa cho dịp Tết cũng như nguyên vật liệu cho quí 1 năm sau.

Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt giảm vốn huy động không đến từ hai yếu tố trên. Trước tháng 9-2011 lãi suất huy động thực tế ở mức 18-19%/năm, doanh nghiệp và một số tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính dồi dào vốn, đã chuyển tiền thông qua hình thức ủy thác cho các công ty con để các đơn vị này gửi vào những ngân hàng có lãi suất cao. Vốn huy động vì thế có thời điểm tăng lên bất ngờ. Hiện nay với trần lãi suất 14%, không thể kiếm lời từ tiền gửi, nguồn vốn này “chạy” lên thị trường liên ngân hàng, biến nơi này thành “vùng trũng” nhộn nhịp. Sự nhộn nhịp có phần gia tăng không phải chỉ từ doanh số, mà cả từ lãi suất cao do những ngân hàng thiếu thanh khoản không còn cửa nào để tìm ra vốn. Trong khi lượng tiền đưa ra lưu thông được NHNN kiểm soát rất chặt, vốn dồn vào thị trường liên ngân hàng, thì vốn huy động bắt buộc phải giảm xuống.

Sự nhộn nhịp và lãi suất cao của thị trường liên ngân hàng sẽ không kéo dài bởi sức chịu đựng của những ngân hàng yếu kém có giới hạn. Vay lãi suất cao nhằm bù đắp thanh khoản đồng nghĩa với thua lỗ và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bắt đầu có ngân hàng báo lỗ trong quí 3. Số ngân hàng lỗ trong quí 4 và quí 1 năm sau nhiều khả năng tăng thêm. Khi các ngân hàng này “quy hàng”, chịu chấp nhận sáp nhập, mua bán, thị trường liên ngân hàng sẽ bình lặng trở lại.

Lãi suất bị kéo căng nhiều chiều

Ở đầu ra, tăng trưởng tín dụng 10 tháng ước chỉ đạt 8,61% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Tháng 9 tăng trưởng tín dụng giảm. Tháng 10 chỉ tăng 0,05%. Mục tiêu hàng đầu trong vòng sáu tháng tới của không ít ngân hàng chỉ là thu nợ và... thu nợ. Cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vay được ưu tiên, có thể được vượt room tín dụng, nhưng nhiều ngân hàng không ham vì lãi suất khu vực này thấp và rủi ro cao. Có ngân hàng cả năm năm nay không giải ngân đồng nào vào lĩnh vực đang được khuyến khích này.

Định hướng điều hành tiền tệ của NHNN khá rõ ràng: trần lãi suất còn đó, đầu ra được kiềm chế, các ngân hàng buộc phải chọn lọc khách hàng để cho vay. Những doanh nghiệp tốt sẽ được vay, nhưng doanh nghiệp tốt không vay với lãi suất cao. Đối với họ lãi suất vay dao động quanh 18%/năm cũng đã phải cân nhắc. Vì thế lãi suất về lâu dài trước sau cũng phải giảm.

Thực ra lãi suất có thể giảm nhanh hơn khi từ nay đến cuối năm sau CPI trụ vững ở mức 0,5-0,8%/tháng. Song, bài toán có lẽ không đơn giản như vậy vì lãi suất huy động chính là một trong những nhân tố tổng lực ổn định giá trị đồng nội tệ. Ngay cả khi tỷ giá được điều hành tốt, sự biến động của giá vàng thế giới luôn là điều khó lường trong quá trình tìm lời giải cho giá trị đồng tiền Việt Nam.

Không quá khó để nhận ra cơ quan quản lý đang nỗ lực giảm bớt tầm quan trọng và sự hiện diện của vàng trong nền kinh tế. Trước mắt là xóa bỏ chức năng thanh toán của vàng. Theo quy định mới, vàng dùng để thanh toán có thể bị tịch thu sung vào công quỹ.

Bức tranh tiền tệ, như thế vẫn chưa cho thấy một dấu ấn dứt khoát và rõ rệt nào trong thời gian tới. Tốc độ giảm của lãi suất đang bị kéo căng nhiều chiều dù xu hướng giảm lâu dài đã được định hướng. Việc sáp nhập, tái cơ cấu ngân hàng mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Ở một góc khuất không mong đợi, nợ xấu đang tăng nhanh từ tín dụng bất động sản. Trên cái nền đó, sự phân hóa ngân hàng sẽ diễn ra mạnh. Nhìn từ báo cáo tài chính chín tháng đầu năm, những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận 15-30% so với cùng kỳ đều đa dạng hóa nhanh dịch vụ và thu hẹp rủi ro tín dụng. 

Lưu Hảo
Theo TBKTSG

Từ khóa: