Mùa này, hàng ngày khoảng 4 - 5h chiều, ngư dân xã Nghi Tiến lại rục rịch chuẩn bị đồ nghề xuống bến đi câu mực. Những chiếc thuyền thúng kê trên bãi biển được gánh xuống nước và nổ máy ra khơi. Chỉ một lúc sau, đèn câu mực đã giăng sáng như sao trên biển.
Trên mỗi chiếc thuyền thúng thường chở theo 1 - 2 "tay câu" và những đồ nghề đơn giản như bình ắc quy, bóng điện, đèn pin, cần câu gắn lưỡi chùm, mồi nhựa, vợt, thùng, rổ… Họ thức trắng đêm để câu mực trên biển. "Thức ngày cày đêm" là câu nói quá quen mà người dân làng biển thường nói vui về nghề câu mực của mình.
Bến lạch thuộc xóm 10, xã Nghi Tiến, mỗi đêm có hàng chục thuyền câu của người dân các xóm lân cận ra khơi. Do hầu hết thanh niên rời làng đi làm ăn xa, nên người đi câu mực giờ chủ yếu là đàn ông trung niên, trong đó có một số cụ, mặc dù tuổi đã cao (trên dưới 70 tuổi) nhưng vẫn hăng hái theo nghề.
Tầm 4 - 5 giờ sáng, khi các thuyền câu trở về, cũng là lúc bến lạch tấp nập nhất. Trong đêm tối dưới ánh đèn pin lấp lóa, các hoạt động “hậu đi câu” như đón người về, thu dọn đồ đạc, mua bán…diễn ra khá nhộn nhịp, khẩn trương.
Cũng như nhiều làng biển khác, đàn ông con trai ra biển, phụ nữ, con gái thường ở nhà làm nhiệm vụ "hậu cần". Khoảng 4 h sáng, họ lại ra biển mong ngóng, chờ đón người thân. Trong ảnh: Một người phụ nữ làng biển kéo xe tay ra bến đón chồng.
Anh Hoàng Ngọc Hải (40 tuổi) - một ngư dân ở xóm 9, xã Nghi Tiến cho hay, mỗi đêm ra khơi, mỗi thuyền câu được khoảng 5 - 7 kg mực. Tùy vào sự hên xui mà câu được nhiều hơn hoặc ít hơn, gặp đêm thất bát có khi không được gì. Dù câu được nhiều hay ít thì khi thuyền câu trở về, chúng tôi đều được người thân chào đón trong sự vui mừng, hồ hởi.
Bà con ở đây thường câu được các loại mực nang, mực ống... Những con mực sau khi lên thuyền sẽ được nhốt trong các lồng chuyên dụng, đảm bảo khi về đến bờ vẫn còn tươi sống.
Thức đêm câu mực trên biển bằng thuyền thúng khá vất vả, nhiều hiểm nguy rình rập (sóng to, gió lớn, giông lốc bất thường, va chạm..), nhưng khi về đến đất liền, sản phẩm mực tươi của họ đều được các lái buôn mua ngay tại bến. Giá bán tại bến tùy từng loại mực, kích thước… mà có giá từ 150 - 230 nghìn đồng/kg. Anh Hoàng Đức Chính - một người đi biển lâu năm chia sẻ: Câu mực, có đêm kiếm được tiền triệu, tiền trăm nhưng cũng có đêm không được đồng nào. Những đồng tiền kiếm được của những người đi câu mực bằng thuyền thúng thật sự mặn mòi vị biển của sự mưu sinh, trong đó có cả đam mê, thích thú, lẫn sự vất vả, gian nan.
Theo các ngư dân, thông thường, họ đi câu cách bờ biển khoảng 5 km, nhưng cũng có hôm phải đi xa đến 10 - 15 km, nếu không muốn về tay trắng. Mùa câu mực thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, nhưng 2 tháng đầu là thời điểm bội thu nhất. Chiều thuyền đi, sáng thuyền về, bến lạch lúc rạng đông là thời điểm nhộn nhịp nhất của nghề câu mực trên biển.
Khi trời sáng hẳn, bến lạch vắng tanh, những chiếc thuyền thúng nằm gối bãi nghỉ ngơi trên cát, những thợ câu cũng về nhà, tranh thủ ngủ một giấc dài, để chuẩn bị cho một đêm ra khơi mới.