Sự kiện hot
10 năm trước

Trắng đêm mưu sinh trong giá lạnh

Dantin - Hà Nội đang trong những ngày rét đậm và mưa phùn kéo dài đầu tiên trong năm. Sau 0 giờ ..đường phố Hà Nội vắng lặng, nhà nhà cửa đóng then cài mong tránh được cái rét cắt da cắt thịt. Nhưng trong giá lạnh như thế vẫn còn những phận người nhỏ nhoi cật lực mưu sinh. Với một ước mơ tạm đủ sống đất Hà thành…


Bà cụ Dung với chiếc xe đạp cà tang lượm ve chai nuôi cả con trai và cháu.

Phận người leo lét đêm đông

0g15 phút ngày 15/12/2013, cơn mưa phùn kéo dài từ tối bất ngờ trở nên nặng hạt, gió táp vào mặt lạnh buốt. Ánh đèn hắt ra của một quán phở mở muộn lèo tèo khách ở chân cầu vượt Ngã Tư Sở đủ để chúng tôi nhận ra một bóng người: Dung 72 tuổi, nhà ở Khương Thượng (quận Đống Đa) mặc chiếc áo khoác đen không khuy phong phanh sờn rách. Bà cụ đang còng lưng móc những sọt rác trước cửa quán, đôi mắt dõi tìm những thứ có thể nhặt được. Thấy người lạ, bà cụ kéo nhẹ chiếc mũ len rách nham nhở chỉ để hở hai con mắt ra khỏi đầu nhìn cho rõ, hai hàm răng của bà cụ dù cố ngậm chặt vẫn va vào nhau lập cập.

“Quán này chẳng bỏ sót gì cả. Phải sang quán khác thôi. Cũng may, từ tối đến giờ đi nhặt được gần một xe rồi đấy”. Nói là đầy một xe, nhưng chiếc xe đạp của bà cụ chỉ là mấy thứ “hầm bà làng”: Một chiếc kiềng hỏng mất một chân, hơn chục bìa giấy cacton rách toạc, mươi vỏ lon bia nước ngọt… Bà khoe: “Mỗi đêm nhặt ve chai bán được hơn 10.000 đồng, không ít đâu”. Một điều ít ai ngờ là cụ Dung hơn 10 năm nay vẫn ngày ngày phải lần hồi nuôi con từng bữa. “Có bốn con. Cả bốn đều mắc bệnh tâm thần. Hai đứa đi lang thang bị xe quệt chết. Một đứa chết đuối. Còn đứa con trai duy nhất đỡ hơn, lấy vợ có con lại quay ra bị bệnh phổi chẳng làm ăn gì được. Mẹ già đành nuôi con nuôi cả cháu”, bà cụ run run kể, giọng nhát gừng đặc sệt giọng gốc Thạch Thất (Hà Tây cũ). “Mấy ngày rét định nghỉ ở nhà nhưng đâu có được. Chiều nay, nó (con trai còn lại của bà - PV) chạy đi đâu về, đói quá vào bếp hỏi: “Còn gì ăn không mẹ?” Thấy con ngồi ăn ít cơm nguội sót lại với nước mắm thì không đành nên lại xách xe đi”. Bà cụ kể xong, đưa bàn tay bầm tím vì lạnh lên miệng hà hơi, xuýt xoa: “Chà! Rét thế này thì ở quê trâu cũng chết mất thôi”. Chợt nhớ ra điều gì, bà cụ chạy vào hàng phở mua 3.000đ bún, 1.000đ nước phở cho vào hộp rồi treo cẩn thận trên ghi đông. “Chút nữa về gọi bố con nó dậy mà ăn để có sức mà chống rét”, bà cụ nói như thở dài rồi lại khoác chiếc áo tơi đạp xe rẽ sang đường Láng cũng vắng hoe người. Bóng bà cụ đổ trong đêm giá lạnh.

Không “sướng” hơn bà cụ Dung, anh Thức quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chạy xe ôm đứng ngã 4 Dịch Vọng cũng ngong ngóng nhìn phía đường tìm khách “để hoàn thành mục tiêu” trong đêm. “Mục tiêu” của anh là “đêm nay phải chở khách đủ 50.000 đồng chứ không tiền ăn tiền nhà trọ chưa đủ chứ nói gì đến chuyện kiếm tiền cho vợ chữa bệnh, con đi học”. Vợ anh Thức nằm bệnh viện Bạch Mai gần 7 năm nay vì suy tim cấp độ 2. Khăn gói đưa vợ đi chữa bệnh, anh Thức bám lại Hà Nội, ngày chăm sóc vợ, đêm chạy xe ôm kiếm tiền. Mặc dù mặc đến ba áo khoác và chiếc khăn bông to choàng kín cổ anh Thức vẫn ho sù sụ. “Mình mà bệnh thì toi cả nhà!”, anh Thức nói hồn nhiên mà đôi mắt thì lộ rõ lo lắng. Nói thế, nhưng anh vẫn sờ ngực tìm châm điếu thuốc hít hà: “Đợi chút nữa không có khách thì đi về. Mai chạy bù”. Đồng hồ chỉ 1g đêm. Anh móc túi nheo mắt đếm những đồng bạc lẻ: 31.000 đồng chẵn!

10 độ C- mồ hôi vẫn rơi

Chúng tôi cho xe chạy vòng lên chợ rau quả Long Biên khi những chuyến hàng đầu tiên của những người dân quê Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã tập kết. Vợ chồng anh Bình- chị Trung đến từ lúc trước 1h mải miết khuân những mớ rau cải chất chồng rồi chống xe lên ngồi đợi khách. Thương chồng ngồi co ro, tím tái vì vừa đi đường xa chị Trung chạy vào quán cháo đêm mua cho chồng ăn. Bát cháo bưng ra, anh Bình đã đắp chiếc áo mưa ngả lưng trên yên xe ngủ ngon lành. Ngủ nhưng hai tay anh cố dựa vào yên xe che kín mặt vì cơn mưa nặng hạt. Chỉ chừng 30 phút, những xe khác ào đến, anh Bình giật mình : “Sáng rồi à?”. Hai vợ chồng anh chị lại thoăn thoắt thọc tay vào chiếc thuyền nước lạnh cóng rửa rau cạnh đấy thật nhanh cho kịp buổi chợ đã đông người gọi nhau í ới. Nhiệt độ ngoài trời đã xuống tới 10 độ C, bàn tay hai vợ chồng anh Bình- chị Trung lạnh cóng nhưng trên má hai người, vẫn có những giọt mồ hôi lăn dài.

Chưa khi nào Hà Nội có nhiều đống lửa được đốt lên như mấy đêm đông giá lạnh này. Ngã tư Nguyễn Chí Thanh- Liễu Giai, những bác tài xe ôm đốt lửa, góc phố nhỏ Đặng Thái Thân, hang chục công nhân Cty xây dựng DELTA đốt lửa hơ tay nghỉ giữa ca, châm thuốc lào hút...3g20 ngày 15/12, tranh thủ 15 phút nghỉ đợi xe rác về, mấy chị công nhân Xí nghiệp 4 (Cty Môi trường Đô thị Hà Nội) đốt một đống lửa nhỏ ở góc đường Tây Sơn trước gò Đống Đa vừa sưởi vừa ăn lót dạ. Chị Thúy, chị Hoa, chị Liên…cùng đội san sẻ nhau những chiếc bánh mì khô khốc mà vẫn ăn ngon lành. Chị Thúy có vẻ nhiều tuổi nhất bảo: “Làm đêm mà rét như thế này nhanh đói lắm”. Chị kể: “Làm ca đêm từ 5 g chiều đến 3,4h sáng hôm sau nên hơn chục năm nay đâu có ngày nào ăn bữa cơm tối cùng gia đình. Chồng con buồn nhưng mãi rồi cũng thành quen, mấy chị em làm cùng ca đều thế, có gì ăn nấy”. Chừng vẫn đói, chị xoa tay lấy củi cời trong đống than hồng mấy củ khoai mua của người bán hàng rong ban chiều. Chị đập đập cho đỡ bụi rồi bẻ đôi cho chị Hoa cùng tổ đang xuýt xoa đứng run rẩy bên cạnh. Miếng khoai nướng vội chỗ sống chỗ chín chưa kịp ăn thì xe rác lại kéo về. “Xe về sớm chắc nay được tan ca sớm hơn mọi ngày”, chị Hoa nói như reo. Đống lửa phải dập tắt. Những chiếc chổi tre cần mẫn lại thoăn thoắt, đều đặn đưa qua đưa lại trên mặt đường, trong ánh đèn đường đêm vàng vọt…

Cặp vợ chồng… lạc quan nhất đêm đông!

Quá 3g sáng, hai vợ chồng anh Cung- chị Hạnh quê ở xã An Phú huyện Mỹ Đức, vẫn kiên trì đứng bán ngô sắn luộc trước cổng ĐH Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi. Giữa cái rét căm căm và nhất là xe ngô sắn đầy mà trông khuôn mặt hai vợ chồng anh Cung vẫn tươi cười hớn hở. Anh Cung kể: Con trai 7 tuổi gửi bà nội trông, sáng hai vợ chồng cùng đi lấy ngô sắn tận Đông Anh, chiều hì hục luộc, tối mới đẩy xe hàng đi bán qua đêm cũng kiếm được bốn, năm chục ngàn. Anh Cung cười khoe: “Tiết kiệm nên ba năm hai vợ chồng đi bán ngô cũng dành dụm được mấy triệu gửi về quê sửa được cái mái nhà. Tết này thế nào cũng mua được cho thằng nhóc đôi giày mới đến trường mà nó mơ ước từ đầu năm”. Hai vợ chồng anh chia nhau mấy mẩu sắn nhỏ ăn vội vàng, vừa ăn vừa cười nói rồi lại cùng nhau đẩy xe sắn gần như còn nguyên đi về phía Hà Đông. Giờ này còn có ai muốn ra đường…

Bích Vân – An Tường – Đức Khôi

Từ khóa: