Sự kiện hot
12 năm trước

Tranh luận chuyện Trung Quốc cứu eurozone

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc EU “mời chào” Trung Quốc đóng góp tài chính vào việc giải quyết khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc EU “mời chào” Trung Quốc đóng góp tài chính vào việc giải quyết khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).

Tổng giám đốc Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling ngày 28.10 tuyên bố chưa đạt được thỏa thuận với Trung Quốc sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, theo AFP. Ông Regling sang thăm Trung Quốc sau khi các lãnh đạo EU thống nhất về việc tăng vốn cho EFSF từ 440 tỉ USD lên 1.000 tỉ USD và vận động đóng góp từ các nền kinh tế đang nổi.

Trước đó, tờ Financial Times dẫn một số nguồn giấu tên loan tin Trung Quốc có thể bơm 100 tỉ USD vào quỹ này. Tuy nhiên, đến hôm qua, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra hứa hẹn gì và báo chí nước này còn cho rằng châu Âu phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ và không nên dựa vào “những người làm phúc”. AFP dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khẳng định Bắc Kinh “cần chờ mọi thứ trở nên rõ ràng và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư”.

Bản thân Tổng giám đốc Regling cũng nói ông chỉ mới thực hiện các cuộc “tham khảo ý kiến thường xuyên” về vấn đề đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu. Thật ra, giới quan sát nhận định người tích cực nhất trong việc kêu gọi sự hỗ trợ từ Bắc Kinh là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngày 27.10, ngay sau khi EU đạt thỏa thuận nói trên, ông Sarkozy đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và sau đó tiếp tục lên truyền hình bảo vệ ý tưởng của mình.

Nhiều khó khăn đang đợi lãnh đạo EFSF Klaus Regling - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc đầu tư vào EFSF đang gây tranh luận dữ dội tại châu Âu. AFP dẫn lời dân biểu Daniel Cohn-Bendit thuộc đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu nói cách tiếp cận của ông Sarkozy khá “nguy hiểm”. Ứng viên Tổng thống Pháp của đảng Xã hội Francois Hollande cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên tin rằng Trung Quốc sẽ cứu eurozone mà không lấy lại gì?”. Trước đây, cũng đã có nhiều quan ngại khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển của Hy Lạp, “con bệnh” chính trong cuộc khủng hoảng hiện nay. AP thì dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể gây áp lực buộc EU nhượng bộ trong các vấn đề còn gây tranh cãi giữa hai bên như nhân quyền, tranh chấp thương mại hay giá trị đồng nhân dân tệ.

Cũng trong ngày 28.10, lãnh đạo EFSF Regling cho biết vẫn đang tìm kiếm cách thức đảm bảo các khoản đầu tư vào quỹ này thông qua những cuộc thảo luận tiếp theo với Trung Quốc và các đối tác khác. Theo tờ Le Monde, Brazil và Nga khẳng định sẵn sàng thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế để hỗ trợ tài chính cho eurozone.

Trùng Quang
Theo Thanh niên

Từ khóa: