Sau năm 2023 nhiều biến động, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá sẽ dần khởi sắc hơn trong năm 2024. Động lực của thị trường năm 2024 được các Công ty chứng khoán nhìn nhận đến từ kỳ vọng FED đảo chiều chính sách, tình hình vĩ mô trong nước ổn định và khả năng tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp.
Năm 2023 qua đi, thị trường chứng khoán đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý như 29 tỷ USD là mức tăng vốn hóa trên cả 3 sàn trong năm vừa qua. Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP. Thị trường trái phiếu cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc với sự phát triển của công cụ quản lý mới.
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 đã trải qua những dao động lớn
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) năm qua đã trải qua những dao động lớn. Có những phiên giao dịch thị trường tăng điểm cao trong phiên, sau đó lại giảm hoặc tăng không đáng kể. Về nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động mạnh, TTCK dao động thường bị tác động bởi những yếu tố mang tính chất nền tảng.
“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm. Tình hình của các doanh nghiệp, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường vàng, ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng đều có sự biến động mạnh và có thể nói kinh tế Việt Nam đi vào chu kỳ tăng trưởng chậm. Trong tình hình như vậy, TTCK cũng bị ảnh hưởng, TTCK là hàn thử biểu (phong vũ biểu) của nền kinh tế. Kinh tế mà không khởi sắc thì sẽ khó tạo ra sóng lớn trên TTCK”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Cũng theo TS. Hiếu, kinh tế Việt Nam độ mở lớn. Độ mở đó mang đến những rủi ro, lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng chậm. Các nước Mỹ, châu Âu để kiểm soát lạm phát đã phải tăng lãi suất, thực hiện chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính của Việt Nam.
“USD tăng giá khi lãi suất tại các quốc gia tăng, khi USD tăng đẩy giá trị của tiền đồng xuống (tỷ giá tăng). Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến TTCK và lượng tiền của nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi Việt Nam tạo nên sự biến động cho TTCK”, TS. Hiếu cho biết.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT dự báo, trong kịch bản cơ sở, VN-Index năm 2024 sẽ tăng trưởng 15%, đạt 1.300 điểm, biên độ dao động 20 điểm. Điều kiện cho kịch bản này là kinh tế Việt Nam hồi phục tốt 2024 trong bối cảnh kinh tế Mỹ hạ cánh mềm; rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế; dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024. Một số nhóm ngành đang có triển vọng sáng, như xây lắp điện, thủy sản, dầu khí, chứng khoán...
Bên cạnh đó, Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực tăng trưởng của thị trường năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường năm 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Ông Trần Đức Anh cũng kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn tồn tại rủi ro.
“Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi”, ông Trần Đức Anh đánh giá.
Các chuyên gia của MBS nhận định, trong năm 2024, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV/2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Ở kịch bản cơ sở, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 - 1.280 điểm trong năm 2024. Định giá hiện tại của VN-Index, chỉ số P/E đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.
Còn tại báo cáo triển vọng 2024, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, VCBS kỳ vọng, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000–17.000 tỉ đồng trên cả ba sàn cho trong năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830–850 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn.
Tập trung giám sát, xử nghiêm sai phạm
Bước sang năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh đây năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu.
Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó chú trọng chất lượng và tiến độ sửa đổi. Các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tầm nhìn dài hạn cho mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán bền vững và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch, thanh toán sau giao dịch, phát triển các sản phẩm mới, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.
Ba là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, chủ động theo dõi các đơn vị để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường. Từ đó, các hành vi vi phạm sẽ kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đảm bảo tính răn đe, kỷ luật, kỷ cương của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.
Bốn là tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. Chủ động trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới.
Năm là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động thị trường.
Tiến Hoàng/KTDU