Sự kiện hot
11 năm trước

Trung Quốc: "Đại chiến" truyền hình thực tế

Nhằm giành được tỷ lệ khán giả cao, các kênh truyền hình vệ tinh ở Trung Quốc đang chi những khoản tiền lớn cho các chương trình thực tế.

Nhằm giành được tỷ lệ khán giả cao, các kênh truyền hình vệ tinh ở Trung Quốc đang chi những khoản tiền lớn cho các chương trình thực tế.

Các chương trình thi lặn là Stars in Danger và Celebrity Splash do truyền hình vệ tinh Giang Tô và Chiết Giang sản xuất, đang gây nên nhiều tranh cãi về cách ăn mặc và sự an toàn của các ngôi sao tham gia. Tuy nhiên, nhiều chương trình thực tế khác ở Trung Quốc vẫn đang thu hút được lượng đông công chúng, chẳng hạn như I Am A Singer của kênh truyền hình vệ tinh Hồ Nam.

Cạnh tranh như… thời Chiến quốc

Hiện nay, 3 kênh truyền hình vệ tinh lớn là Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang, cùng các kênh truyền hình nằm trong Top 10 ở Trung Quốc đang đầu tư “nặng tay” cho các chương trình truyền hình thực tế nhằm tránh bị “tụt hậu”.

“Chúng tôi phải cạnh tranh với nhau giống như đang bước vào thời Chiến quốc vậy” - Xu Jifeng, Phó giám đốc đài truyền hình vệ tinh Chiết Giang, cho biết.


Ngôi sao điện ảnh Chương Tử Di và Vua pop Hong Kong Trần Dịch Tấn làm giám khảo chương trình The X Factor của đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam.

Để giành được khán giả cho chương trình Super Star China sắp phát sóng, đài truyền hình vệ tinh Hồ Bắc đã chi 630.000 NDT (hơn 2 tỷ VNĐ) cho clip quảng cáo phát trong chương trình thực tế I Am A Singer. Đoạn quảng cáo có tiếng hét vang: “Tôi không phải là một ca sĩ. Tôi là một siêu sao Trung Quốc”.

Đài truyền hình Hồ Bắc lập kỷ lục khi đã “rót” ít nhất 60 triệu NDT (hơn 200 tỷ VNĐ) cho chương trình. Clip quảng cáo kể trên khác thường và gây tranh cãi, tuy nhiên Zheng Xuan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chương trình thuộc đài truyền hình vệ tinh Hồ  Bắc, nói rằng nó hợp lý và đáng giá.

“Sau khi bạn lọt vào Top 10 thì tiến thêm được một vị trí trong danh sách này là cực kỳ khó. Và cách tốt nhất để vượt lên là dựa vào các chương trình truyền hình thực tế có quy mô lớn” - ông nói.  

Đua chương trình mới

Hồ Nam là đài “mở đường” cho truyền hình thực tế ở Trung Quốc và trong thập kỷ qua, họ đã sản xuất một số chương trình ăn khách nhất Trung Quốc. Năm 2005, đài Hồ Nam đã phát sóng Super Girls, cuộc thi ca hát đã khiến công chúng khắp Trung Quốc “điên cuồng” và nhờ vậy đã trở thành kênh truyền hình hàng đầu ở Trung Quốc.  

Tuy nhiên, hồi năm 2010 đài truyền hình vệ tinh Giang Tô đã tìm được cách vươn lên vị trí hàng đầu với chương trình “hò hẹn” ăn khách You Are The One và chỉ mất danh hiệu này sau khi đài truyền hình vệ tinh Chiết Giang phát sóng chương trình The Voice Of China - chương trình thực tế ăn khách nhất năm 2012. 

Đầu năm 2012, khi đài Hồ Nam tụt xuống thứ 18 về tỷ lệ khán giả, các nhà lãnh đạo đài đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ngay sau đó, đài Hồ Nam đã liên tục phát sóng các chương trình truyền hình thực tế mới. Sau I Am A Singer, Hồ Nam đã sản xuất phiên bản của chương trình The X-Factor với thành phần ban giám khảo chương trình có “vua pop” Hong Kong Trần Dịch Tấn và ngôi sao điện ảnh gây tranh cãi Chương Tử Di. Giờ đây, Đài đang chuẩn bị mùa tiếp theo của Super Boys, chương trình “song sinh” của Super Girls.

Không chỉ có 10 kênh truyền hình hàng đầu đua tranh, mà gần như bất cứ kênh truyền hình vệ tinh lớn nào cũng đang có kế hoạch giới thiệu một chương trình thực tế mới.

Cùng với chương trình Super Star China của đài Hồ Bắc, Dragon TV, có trụ sở ở Thượng Hải, cũng đang chuẩn bị ra mắt chương trình Chinese Idol. Tương tự, đài truyền hình vệ tinh An Huy cũng đang sản xuất cuộc thi ca hát Mad For Music với mức đầu tư 80 triệu NDT. Thậm chí, mới đây đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, vốn được xem là đài truyền hình “nghiêm túc” hơn, cũng phát sóng chương trình Dance Out Of My Life vào “giờ vàng”.

“Kỷ nguyên đốt tiền”

Nhiều người cho rằng, nền công nghiệp truyền hình Trung Quốc đang trong “kỷ nguyên đốt tiền”, khi các kênh truyền hình thi nhau phát sóng các chương trình có mức đầu tư hàng trăm triệu USD.

Năm 2011, Cục Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc đã ban hành quy định rằng 34 kênh truyền hình vệ tinh chỉ được phát sóng 90 phút chương trình giải trí 2 lần/tuần vào “giờ vàng” nhằm hạn chế các chương trình “giải trí quá dài” và “thị hiếu thấp”. 

Các chương trình gala cuối năm đã trở thành một “trận chiến” mới khi các kênh truyền hình vệ tinh lớn đua nhau mời được nhiều ngôi sao nhằm “câu” được nhiều khán giả nhất. Việc các nhân vật danh tiếng tham gia các chương trình thực tế và các cuộc thi “tạo” ngôi sao góp phần gây dựng sự ủng hộ của các ngôi sao dành cho đài truyền hình.

Tuấn Vĩ
theo Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: