Sự kiện hot
6 năm trước

Từ scandal Khaisilk, nghĩ về uy tín thương hiệu Việt

Dư luận trong nước đang bức xúc lên án “scandal” thương hiệu lụa nổi tiếng Khaisilk bán hàng Trung Quốc giả danh hàng Việt Nam, một thương hiệu được coi là niềm tự hào hàng Việt đã lừa dối người tiêu dùng hàng chục năm qua. Vụ việc này như một “cú tát trời giáng” vào uy tín thương hiệu Việt, vốn đã rất khó khăn trong việc tạo dựng hình ảnh “made in Việt Nam”.

Tự tay phá bỏ thương hiệu của chính mình

Có mặt trên thị trường từ gần 30 năm qua, Khaisilk đã được định hình trong tâm trí người tiêu dùng Việt cũng như bạn bè quốc tế về một sản phẩm lụa thuần túy đặc trưng của Việt Nam. Thế nhưng, mới đây, một khách hàng đặt mua sản phẩm để làm quà tặng, phát hiện và đưa ra các bằng chứng cho thấy khăn lụa của thương hiệu này cùng một lúc gắn 2 nhãn mác sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.

Toàn bộ các cửa hàng Khaisilk đã đóng cửa im lìm sau scandal

Cụ thể, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã nhập một lô hàng của Khaisilk tại phố Hàng Gai (Hà Nội) làm quà tặng cho đối tác. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, họ đã phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn hai nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “made in Vietnam” còn một nhãn mác khác với nội dung “made in China”.

Điều này khiến dư luận bất ngờ và càng bức xúc hơn khi chính ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu này thừa nhận đã bán lụa Trung Quốc trong một thời gian dài và khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường rất lớn với thương hiệu “made in Vietnam”. Nguyên nhân được đưa ra xuất phát từ ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.

Trước sự việc trên, ông chủ Khaisilk đã xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, “scandal” này đã khiến dư luận bàng hoàng và tức giận. Nhiều người cho rằng, thương hiệu này đã “phản bội” lại niềm tin và sự tự hào của người tiêu dùng về một sản phẩm mang thương hiệu Việt có tiếng tăm ở trong nước và thế giới, thực hiện hành vi lừa dối người tiêu dùng, kinh doanh trục lợi trên niềm tin của khách hàng một cách tinh vi và lâu dài. Thậm chí, nhiều luật sư khi cho biết quan điểm về vụ việc này, đã cho rằng hành vi này đã có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội “buôn bán hàng giả” (Điều 192 BLHS 2015 - PV).

Doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) đang ở trong “tâm bão” với “lời thú nhận thế kỷ”

Theo chuyên gia makerting Nguyễn Phan Anh, trong khi Chính phủ liên tục kêu gọi, khuyến khích “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để giúp thúc đẩy nền sản xuất trong nước, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân; cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang “đau đầu” về việc tìm hướng phát triển kinh doanh, thương hiệu để có thể ứng phó với “toàn cầu hóa” và đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thì câu chuyện Khaisilk lừa dối khách hàng thực sự gây chấn động dư luận.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã phải cay đắng bày tỏ, Khaisilk đã “có hành vi vị phạm pháp luật, tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, tổn thương đến tình cảm và lòng tự tôn dân tộc của người Việt”.

Không ngoa mà nói rằng, Khaisilk đã tự tay phá bỏ danh tiếng mà họ đã dày công gây dựng suốt gần 30 năm qua, với một sai lầm không thể chấp nhận được. Và giờ đây, những hậu quả pháp lý thích đáng sẽ được đưa ra. Có lẽ, đã đến lúc tạm biệt một thương hiệu “made in Vietnam” có tầm cỡ nhất trên trường quốc tế.

Thương hiệu Việt phải làm gì để lấy lại uy tín?

“Scandal” của Khaisilk không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu lụa này nói riêng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị và uy tín của thương hiệu Việt nói chung.

Việc xây dựng thương hiệu Việt từ lâu đã là chặng đường dài đầy gian nan, thử thách. Những sản phẩm “made in Vietnam” chưa thực sự có tên tuổi trên thị trường quốc tế vốn rất đa dạng chủng loại, mẫu mã và chất lượng. Không những thế, ngay trên “sân nhà”, sản phẩm mang thương hiệu nội vẫn bị “đè bẹp” không thương tiếc trước những các sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Lý do được đưa ra khá đơn giản: sản phẩm Việt chưa nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, thiếu đa dạng, phong phú, chậm đổi mới; không có đơn hàng bền vững, không quản lý chất lượng phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường khó tính; thương hiệu chưa được quan tâm phát triển đúng mức…

Con đường chinh phục của thương hiệu Việt còn lắm gian truân sau scandal tai tiếng của Khaisilk

Thương hiệu Việt không còn đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là tài sản rất có giá trị, là uy tín của doanh nghiệp và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.

Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì “xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan để tạo ra cho được một hình ảnh rõ ràng và khác biệt của riêng doanh nghiệp”, để người tiêu dùng Việt khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp đó trong muôn vàn các hàng hoá cùng loại khác đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Những tấm gương của Vinamilk, gốm sứ Minh Long, nước mắm Phú Quốc… đã cho thấy rõ thế mạnh và uy tín của hàng Việt đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Để làm được điều đó, ngoài các chính sách, cơ chế của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nội phát triển, khuyến khích “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, cơ chế kiểm tra quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước… thì còn đó là cái Tâm của doanh nghiệp. Người Việt có thể sẵn sàng và ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nội, dù rằng còn nhiều khiếm khuyết ngay cả khi so với hàng hóa các nước trong khu vực; nhưng không bao giờ chấp nhận sự lừa dối, trục lợi lòng tin và tiền bạc của người tiêu dùng. Có như vậy, thì thương hiệu Việt mới có thể đứng vững ở thị trường trong nước và có hy vọng “vươn ra biển lớn”, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thương hiệu Việt chỉ thực sự mạnh mẽ khi thương hiệu đó đạt được bề dày uy tín, có được sự tinh túy và mang được cái “hồn” Việt Nam.

Huy Phạm
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: