Sự kiện hot
6 năm trước

‘Tuyệt chiêu’ xử trí khi con ăn vạ và mắc lỗi nhưng không chịu nhận lỗi

Khi con ăn vạ, khóc lóc, mắc lỗi nhưng không chịu nhận lỗi thì phải xử trí thế nào? TS Vũ Thu Hương (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) sẽ bật mí “tuyệt chiêu” giúp bố mẹ đối mặt với hai vấn đề này trong quá trình nuôi dạy con trẻ.

Con ăn vạ, khóc lâu hay con mắc lỗi nhưng không chịu nhận lỗi là hai vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ và gây đau đầu cho các bậc cha mẹ. Xử trí thế nào sao cho ổn thỏa mà không ảnh hưởng đến tâm lý của con và bố mẹ vẫn thoải mái thực sự không phải là điều dễ dàng. TS Vũ Thu Hương (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) sẽ bật mí “tuyệt chiêu” giúp bố mẹ đối mặt với hai vấn đề này trong quá trình nuôi dạy con trẻ.

Làm gì khi con ăn vạ và khóc lâu?

Làm gì khi con ăn vạ và khóc lâu? (Ảnh: Whattoexpect)

Hầu hết trẻ nhỏ đều có tính ăn vạ, khi không vừa ý cái gì là sẽ nhõng nhẽo, gào khóc to. Rất nhiều trường hợp dù bố mẹ đã nói nhẹ nhàng nhưng bé vẫn không nghe, không hợp tác, dẫn đến việc bố mẹ phát cáu và mất bình tĩnh. Nhiều trường hợp bé biết lỗi, xin lỗi bố mẹ, hứa lần sau sẽ không như thế nữa nhưng rồi lại tái phạm.

Khi con ăn vạ, bố mẹ tuyệt đối không phạt con mà bố mẹ sẽ lờ đi, không nói năng gì cả, đặc biệt không nhìn vào mắt con. Tất cả mọi người đều như vậy cho đến khi bé ngừng.

Khi bé ngừng rồi thì bố mẹ cũng không phạt. Lý do là tất cả những hình thức phạt thời điểm đó cũng như hình thức dỗ dành, an ủi hoặc giao tiếp với bé đều khiến bé nghĩ rằng mọi người sợ bé và mọi người đang phải tuân theo những gì bé muốn. Chính điều này khiến cho các bé thích ăn vạ hơn.

Bố mẹ lờ đi khi con ăn vạ, con sẽ nhận được thông điệp là hình thức ăn vạ của con không có giá trị gì cả. Cho nên con sẽ bỏ qua hình thức đó và sẽ nghĩ ra một hình thức khác, có thể lúc đó sẽ gây sự theo cách khác, nhưng không phải là ăn vạ. Đây là hình thức các con sẽ sợ nhất, và hình thức lờ đi này cũng không gây bất kể một áp lực thần kinh nào lên con. Cách này áp dụng với tất cả các bé ăn vạ cho dù là lứa tuổi là bao nhiêu.

Bố mẹ lờ đi, không nhìn vào mắt con khi con ăn vạ, là cách xử trí thông minh và hiệu quả nhất. (Ảnh: Sonialimphotography)

Ăn vạ có rất nhiều kiểu, không phải chỉ có một kiểu là kiểu khóc, còn có kiểu khác nữa. Ví dụ như các con có thể sẽ khăng khăng theo ý mình khi chúng ta hỏi đến, đến khi chúng ta nói chuyện với con hoặc bàn với con về điều con đang muốn thế nhưng con tỏ thái độ quay đi, không cần nữa. Con làm mặt lạnh hoặc im lặng không nói năng gì, hoặc mặt sưng lên. Tất cả những cách thể hiện đó đều là ăn vạ. Và chúng ta vẫn xử như cách cũ. Tức là chúng ta quay mặt đi, không nhìn vào mắt con.

Ăn vạ sẽ xử lý được nếu bố mẹ kiên trì và đồng loạt tất cả nhà đều như thế. Còn nếu trong gia đình mà mọi người không thuận theo ý nhau, thì một người cũng có thể xử được. Đó là bố hoặc mẹ bế con vào phòng hoặc dắt con vào phòng, khóa lại, chỉ có hai người ở trong đó là bố/mẹ và con. Khi con yên tĩnh trở lại, bố mẹ nói chuyện với con nhưng không đả động gì đến lý do con ăn vạ. Nếu con tiếp tục gào khóc thì chúng ta lại quay mặt đi, không nhìn con nữa và tiếp tục lờ đi. Đến khi con thực sự thoải mái và không tỏ thái độ nữa thì chúng ta sẽ quay lại nói chuyện với con.

Một số bé dễ tính hơn. Khi con ăn vạ được một lúc, thì chúng ta có thể quay sang rủ con làm một việc khác, ngay lúc con vẫn còn đang khóc. Vì dễ tính nên con quên luôn và sẵn sàng làm theo điều mà bố mẹ rủ. Cách này bố mẹ cũng có thể thử. Trong trường hợp bố mẹ rủ rồi mà con vẫn gào lên thì lúc đó bố mẹ phải lờ đi. Nếu con làm theo điều bố mẹ rủ thì nghĩa là con khá dễ tính, lần sau con ăn vạ bố mẹ có thể xử theo cách đó.

Khi con làm sai, không nhận lỗi thì phải xử trí như thế nào? (Ảnh: Mama Kumi)

Khi con làm sai, không nhận lỗi thì phải xử trí như thế nào?

Khi con làm sai, nếu con ở độ tuổi biết viết, hãy đưa cho con một mẩu giấy, một chiếc bút và yêu cầu con vào phòng để con viết những lỗi của người khác.

Khi con làm sai, tâm lý con rất muốn bảo vệ bản thân mình, không muốn nhận lỗi. Trước hết, hãy giúp con làm điều mà con muốn đó là chỉ ra lỗi của người khác. Sau khi con nói xong thì bố mẹ ghi nhận. Bố mẹ nói: “Xong rồi đến lượt lỗi của con, con viết lỗi của con”. Nếu con đồng ý viết thì coi như là ổn thỏa.

Nếu con không viết thì bố mẹ sẽ ngồi phân tích và nói với con: “Mọi mâu thuẫn bao giờ cũng đến từ 2 phía, không bao giờ đến từ 1 phía. Vậy con đã tìm ra lỗi của người khác thì giờ hãy tìm lỗi của chính mình”. Khi con viết xong thì sẽ xử lý lỗi như trong con viết. Không phạt hay mắng con vì con không nhận lỗi trước đó.

Khi con đã dũng cảm nhận lỗi thì bố mẹ nên có động thái khen. Bố mẹ có thể nói: “Hôm nay bố mẹ rất tự hào, vì con đã dũng cảm nhận ra lỗi của mình. Dũng cảm nhận ra lỗi là hình thức dũng cảm nhất trong các hình thức dũng cảm”. Điều này sẽ khiến con rất vui và lần sau con sẽ dũng cảm nhận lỗi hơn, không như mọi khi là sẽ tìm cách từ chối.

Nếu con chưa biết viết thì chúng ta cũng sẽ nói chuyện với con. Nếu con cứ khăng khăng không chịu nhận lỗi thì bố mẹ bắt đầu phân tích, hết sức bình tĩnh và từ từ.

Hãy khen con khi con biết nhận lỗi. (Ảnh: Sohu)

Ví dụ con bị em cấu, sau đó con đánh em, thì con sẽ chắc chắn nói là tại em cấu, chứ không phải tại con. Sau khi bố mẹ đồng ý là em cấu là em đã sai rồi thì bố mẹ sẽ hỏi lại con: “Thế nếu đánh em, thì con đúng hay là con sai?” Con không cần nói nguyên nhân, chỉ nói đúng hay sai. Thì đến lúc con sẽ nói là con sai. Và khi đó bố mẹ nói là: “Đúng rồi, bố mẹ rất là tự hào vì con đã nhận ra lỗi của mình”.

Chúng ta sẽ không xử lý theo hình thức phạt mà nên có động thái tuyên dương khi con đã nhận lỗi. Ngay cả người lớn thì việc nhận lỗi không phải là điều đơn giản. Con đã nhận lỗi chứng tỏ con rất dũng cảm rồi. Bố mẹ hãy tuyên dương điều đó.

Trong trường hợp con mắc lỗi lớn quá thì chúng ta vẫn phạt, nhưng là phạt cái lỗi đó chứ không phạt chuyện con không nhận lỗi.

Hiền Thu 

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: