Sự kiện hot
5 năm trước

UBND huyện Nông Sơn: "Sáng kiến" tận thu hàng chục nghìn m3 đất san lấp công trình

Với lý do trên địa bàn huyện không có quy hoạch mỏ đất, UBND huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã chủ trương chỉ định việc tận thu hơn chục nghìn m3 đất sạt lở để san lấp mặt bằng cụm công nghiệp mà chưa hề thông qua sở Tài nguyên & Môi trường.

Chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cụm công nghiệp Nông Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 26 tháng 10 năm 2016, với tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, giao cho UBND huyện Nông Sơn chủ đầu tư, Ban quản lý dự án huyện làm đơn vị đại diện chủ đầu tư. Công ty TNHH Nhật Huy làm đơn vị thi công.

Địa điểm quy hoạch và xây dựng cụ thể tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam với 2 hạng mục chính là: đường giao thông gồm 4 nhánh tuyến theo quy hoạch với tổng chiều dài 927,19m và phần nền với 3 khu vực theo quy hoạch là 4,63 ha. Theo ghi nhân của phóng viên hầu như cả hai hạng mục của dự án này đều nằm trên đất đồng ruộng và nằm dưới nền mặt 2 trục giao thông chính là đường ĐT 610 và tuyến đường tránh lũ của huyện Nông Sơn từ 1m đến 3m nên khối lượng đất cần để san lấp mặt bằng là rất lớn.

  Một nhánh đường đang được san lấp của cụm công nghiệp Nông Sơn
Một nhánh đường đang được san lấp của cụm công nghiệp Nông Sơn

Điều đáng nói ở đây là trên địa bàn huyện Nông Sơn lại không có bất cứ một quy hoạch mỏ đất nào và trong quy hoạch đề án của công trình cụm công nghiệp này lại không hề chỉ ra một địa điểm cụ thể nào để lấy đất san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, việc san lấp mặt bằng của dự án cụm công nghiệp Nông Sơn đã được tiến hành một thời gian, với một diện tích và khối lượng đất san lấp tương đối lớn.

Trả lời về nguồn đất đang dùng để san lấp mặt bằng của dự án cụm công nghiệp Nông Sơn, Ông Vũ Duy Đào - Phó Giám đốc ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Nông Sơn cho biết: “Do trên địa bàn huyện không có quy hoạch mỏ đất, và có một số địa điểm trên địa bàn huyện bị sạt lở, huyện giao cho phòng Kinh tế - Hạ tầng làm các thủ tục để xử lý đất đổ, hạ đồi để chống sạt lỡ, giao cho Ban QLDA phối hợp thực hiện, sau khi có quyết định phê duyệt của huyện thì phòng có làm việc với Ban thì Ban mới cho đơn vị thi công cụm công nghiệp là công ty Nhật Huy tiến hành lấy đất để san lấp mặt bằng của cụm công nghiệp”.

Ông Đào cũng cho biết thêm: “Tổng khối lượng đất để san lấp mặt bằng dự án cụm công nghiệp Nông Sơn phải mất đến 164 nghìn m3, bao gồm 104 nghìn m3 để đắp nền và 60 nghìn m3 đắp đường và hiện tại “mới chỉ” san lấp được khoản 10% diện tích, Ban QLDA huyện chỉ nắm các hồ sơ liên quan đến dự án còn về thủ tục để lấy đất tại hai địa điểm sạt lở thì Phòng Kinh tế - Hạ tầng nắm. Trong phương án quy hoạch của cụm công nghiệp thì việc xác định nguồn đất lấy để phục vụ san lấp được quy định chung chung là trong phạm vi bán kính 2km, tính chung chung vậy thôi chứ chưa có quy hoạch mỏ đất, vì xuất hiện nguồn vốn để đầu tư cụm công nghiệp thì triển khai làm và có vị trí khai thác đất nào thì tận dụng làm trước”.

  Một quả đồi đang trong quá trình tận thu đất do sạt lở để san lấp công trình cụm công nghiệp Nông Sơn
Một nhánh đường đang được san lấp của cụm công nghiệp Nông Sơn

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn khẳng định: “Đất đổ vào cụm công nghiệp để san lấp mặt bằng là đất tận dụng sạt lở, lấy đất của mình sử dụng cho công trình của mình, thêm một số công trình khác cần hạ độ cao trên địa bàn huyện cũng được tận dụng nữa chứ không riêng gì hai chỗ đó, nói chung là lấy từ nhiều nguồn”.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cũng thừa nhận, vì đất cải tạo, tận thu đất sạt lở nên chưa thông qua sở Tài nguyên & Môi trường phê duyệt”.

Theo quy định, việc khai thác hoặc tận thu đất để san lấp, xây dựng công trình được cấp giấy phép phải thông qua Sở Tài nguyên & Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nộp hồ cho Sở Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản chấp thuận chủ trương cho lập hồ sơ khai thác, tận thu khoáng sản của UBND tỉnh. Khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình được cấp giấy phép phải có báo cáo điều tra, đánh giá địa chất chứng minh khu vực đó không có khoáng sản nào khác có giá trị kinh tế cao hơn ngoài đất san lấp, xây dựng công trình.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại những điểm “tận thu” này, đơn vị hay cơ quan chức năng nào đứng ra giám sát, yêu cầu cá nhân, đơn vị thực hiện tận thu, cải tạo đất hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đăng ký khối lượng đất khai thác, vận chuyển?

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.

Văn Tiến
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: