Sự kiện hot
11 năm trước

Vẫn loay hoay tìm nguyên nhân tôm nhiễm bệnh

Số địa phương ở ĐBSCL có lượng tôm nhiễm bệnh trên 50% diện tích thả nuôi tăng từng ngày. Trong khi các nhà khoa học vẫn loay hoay tìm nguyên nhân gây bệnh...

Số địa phương ở ĐBSCL có lượng tôm nhiễm bệnh trên 50% diện tích thả nuôi tăng từng ngày. Trong khi các nhà khoa học vẫn loay hoay tìm nguyên nhân gây bệnh...

Lan nhanh, thiệt hại lớn

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 11, diện tích tôm nhiễm bệnh trên cả nước khoảng hơn 73.000ha, cao hơn tổng diện tích thiệt hại của năm 2011 xấp xỉ 15.000ha.


Nhiều vùng nuôi tôm ở ĐBSCL có nguy cơ mất trắng vì dịch bệnh (ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhiều địa phương có diện tích tôm nhiễm bệnh rất lớn như Sóc Trăng có gần 23.400ha (chiếm trên 56% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu hơn 16.900ha (chiếm trên 50% diện tích thả nuôi), Trà Vinh cũng có 12.200ha, (chiếm gần 50% diện tích thả nuôi)... Số địa phương xuất hiện bệnh đốm trắng cũng đã tăng từ 13 tỉnh trong năm 2011 lên 19 tỉnh trong năm 2012. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4) bệnh hoại tử gan tụy đã lan ra 13 tỉnh với tổng diện tích nhiễm bệnh gần 9.200ha.

Tôm nhiễm bệnh từ trong trứng?

Theo kết quả phân tích, xét nghiệm hơn 320 mẫu tôm giống tại các trại giống khu vực Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận và một số mẫu tôm giống trước khi thả nuôi ở các tỉnh phía Bắc do Tổng cục Thủy sản thực hiện, nhiều mẫu tôm giống nhiễm vi khuẩn, mang mầm bệnh sẵn trong cơ thể. Cụ thể, có gần 54% mẫu tôm giống thu ở các trại giống khu vực miền Trung nhiễm vi khuẩn Vibrio - loại khuẩn gây bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin… ở tôm.

"Tôi nuôi tôm rất cẩn thận, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, thuốc diệt giáp xác... nhưng cũng có tới 60% số diện tích tôm nhiễm bệnh, thiệt hại hơn 500 triệu đồng".

“Vua” tôm Võ Hồng Ngoãn

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng phát hiện 3 mẫu tôm giống bị hoại tử gan tụy cấp. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm mô bệnh học của Cơ quan Thú y Vùng VI cũng cho biết, có 31/60 mẫu tôm xét nghiệm có biểu hiện hội chứng gan tụy cấp tính trên tôm ở tất cả các giai đoạn khác nhau.

Tổng cục Thủy sản cho rằng các nguyên nhân chính gây bệnh dịch trong tôm là: Điều kiện thời tiết biến đổi và chất lượng môi trường nuôi chưa tốt; sử dụng tùy tiện hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học tùy tiện; chất lượng con giống chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ...

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm mẫu môi trường do Trường Đại học Cần Thơ và Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện lại cho thấy chỉ tiêu môi trường trong 25 mẫu nước ao không nhiễm bệnh và 29 mẫu nước của ao nhiễm bệnh không tìm thấy sự khác biệt lớn.

"Do đó, trong năm 2013, Cục Thú y tiếp tục triển khai nhiệm vụ xác định nguyên nhân gây hoại tử gan tụy ở tôm nuôi theo hướng các tác nhân vi sinh vật là nguyên nhân ban đầu gây bệnh và gây ra hiện tượng lây lan nhanh dịch bệnh"- ông Lê Văn Khoa (Phòng Thú y thủy sản, Cục Thủy sản) cho biết.

Thuận Hải
theo Dân Việt

Từ khóa: