Sự kiện hot
3 năm trước

VDSC: Cơ hội tăng trưởng của các công ty sản xuất gạo “chuyên nghiệp”

Theo VDSC, sản lượng xuất khẩu dự kiến không tăng trưởng trong khi giá bán sẽ giảm do cạnh tranh nên kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ sụt giảm trong năm 2021. Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện tại thị trường ngách - xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, Anh và Hàn Quốc, tạo động lực tăng trưởng cho các công ty xuất khẩu gạo chuyên nghiệp như LTG, TAR và NSC từ năm 2021.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo cập nhật về xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo năm 2020 tăng trưởng tốt nhờ giá gạo phục hồi

Năm 2020, cả nước sản xuất được 27,1 triệu tấn gạo, giảm 1,9% YoY. Trong đó, 20,85 triệu tấn được tiêu thụ nội địa và dự trữ quốc gia. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gây hạn mặn đầu năm và mưa bão kéo dài nửa cuối năm làm giảm diện tích gieo trồng. Sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm đạt 3,5 triệu tấn, tăng 5% YoY, nhờ các nước tăng dự trữ lương thực trong thời kỳ dịch bệnh. Giá xuất khẩu liên tục tăng qua các tháng khiến nhiều đối tác phải chuyển sang mua gạo Ấn Độ trong Q4 do gạo Ấn có giá thấp hơn. Tổng hợp, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 3,12 tỷ USD, tăng 11,2% YoY. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình đạt 499 USD/tấn (+13,4% YoY) và sản lượng đạt 6,25 triệu tấn (-1,9% YoY).

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Triển vọng năm 2021 – Cạnh tranh gia tăng, cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sau một năm thất thu do ảnh hưởng của hạn hán và hạn mặn, sản lượng gạo của Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021, nhờ đó sản lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn (+27% YoY). Ngành gạo Ấn Độ cũng được dự báo tiếp tục có một năm bội thu khi tổng sản lượng đạt 120 triệu tấn (+1,3% YoY) và sản lượng xuất khẩu sẽ vào khoảng 14 triệu tấn (-2,8% YoY, giảm nhẹ so với mức kỷ lục của năm 2020). Sản lượng dồi dào nên dự kiến giá gạo Ấn Độ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1% YoY, lên mức 6,3 triệu tấn trong tổng sản lượng sản xuất khoảng 27,1 triệu tấn (không thay đổi so với cùng kỳ).

Áp lực cạnh tranh trong năm 2021 là rất lớn khi Thái Lan chính thức quay trở lại “cuộc đua” và Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quen thuộc của Việt Nam như Tây Phi, Singapore và Malaysia. Do đó, để tăng tính cạnh tranh, chúng tôi dự kiến giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt sẽ giảm, đặc biệt khi sắp sửa vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên nguồn cung sẽ dồi dào hơn.

Cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường mới

EU: EVFTA giúp gạo Việt hưởng thuế suất 0% (thay vì 65-211 EUR/tấn) trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo. Đồng thời, gạo Việt hoàn toàn có cơ hội lấy thị phần của Myanmar (xuất khẩu 500.000 tấn/năm sang EU) khi gạo nước này vẫn phải chịu thuế tuyệt đối 125 EUR/tấn trong năm 2021 và USDA dự báo sản lượng xuất khẩu của quốc gia này sẽ giảm 100.000 tấn (~4,3%) so với năm 2020. Ngành gạo vẫn chưa thể hưởng lợi từ EVFTA trong năm 2020 do các yếu tố khách quan về sản lượng thu hoạch và thiếu container vận chuyển. Sản lượng xuất khẩu sang EU từ khi EVFTA có hiệu lực (T8/2020) giảm nhẹ 3,2% YoY.

Anh Quốc: UKVFTA giúp Việt Nam xuất khẩu gạo với thuế suất 0% (thay vì 17,4%). Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh dự kiến sản lượng xuất khẩu sang Anh Quốc sẽ đạt tầm 17.000 tấn (x10 lần so với năm 2020).

Hàn Quốc đồng ý cung cấp hạn ngạch 55.112 tấn đối với các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

VDSC ước tính sản lượng gạo xuất khẩu sang ba khu vực trên sẽ đạt xấp xỉ 90.000 tấn gạo (+254% yoy), tương đương 1-2 lần sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của các công ty LTG, TAR và NSC – các đơn vị sản xuất gạo “chuyên nghiệp” tổ chức liên kết chặt chẽ với người nông dân nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, yêu cầu khắt khe về chất lượng của các thị trường này sẽ là động lực thúc đẩy các thay đổi trong phương thức canh tác, hướng đến giải quyết các điểm yếu của gạo Việt về (1) truy xuất nguồn gốc hay (2) dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, Phlippines sẽ sớm đưa ra chính sách mới về “Các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo” với những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên lại là cơ hội cho các đơn vị sản xuất gạo “chuyên nghiệp” để thâu tóm thị phần.

Nông nghiệp chất lượng cao đang có tiềm năng tăng trưởng dồi dào nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ:

Thứ nhất, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030: giảm dần về số lượng nhưng tăng dần về giá trị; tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ không vượt quá 20% (đến năm 2020) và 10% (đến năm 2030) trong tổng lượng gạo xuất khẩu. Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu Việt Nam phấn đấu đạt 20% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2030) trong tổng sản lượng xuất khẩu.

Thứ hai, Diện tích nông nghiệp hữu cơ tăng nhanh (CAGR 29%/năm) từ mức 6.500 ha của năm 2005 lên 237.000 ha năm 2019 (chiếm 2,1% tổng diện tích đất nông nghiệp). Chính phủ đặt mục tiêu tăng diện tích nông nghiệp hữu cơ lên 408.000-544.000 ha vào năm 2025 và đạt 680.000-816.000 ha vào năm 2030 nhằm bổ sung nguồn cung nông sản sạch.

Thứ ba, Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản xuất gạo hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn gạo thông thường nhờ tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp và chi phí cải tạo đất, đồng thời giá bán cũng cao hơn. Lợi nhuận có thể tăng trưởng từ mức 20 triệu đồng/ha lên 40 triệu đồng/ha khi chuyển sang trồng gạo hữu cơ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

VDSC Kết luận, sản lượng xuất khẩu dự kiến không tăng trưởng trong khi giá bán sẽ giảm do cạnh tranh nên kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ sụt giảm trong năm 2021. Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện tại thị trường ngách – xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, Anh và Hàn Quốc, tạo động lực tăng trưởng cho các công ty xuất khẩu gạo chuyên nghiệp như LTG, TAR và NSC từ năm 2021.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: