Sự kiện hot
7 năm trước

Vì sao đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa được Quốc hội xem xét?

Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh nội dung chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, trong đó cái tên Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam không xuất hiện trong chương trình.

Còn nhiều thứ phải bàn

Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh nội dung chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, trong đó cái tên Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam không xuất hiện trong chương trình. Điều này nghĩa là chưa được Quốc hội xem xét ở kỳ họp này.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Theo tính toán sơ bộ, với tổng mức đầu tư toàn dự án quy mô hoàn chỉnh lên tới 312.435 tỉ đồng, dự án phải được trình Quốc hội xem xét quyết định.

Ảnh minh họa.

Nhận định về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, theo nghị quyết của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc-Nam là một trong 4 dự án trọng điểm và phải làm vì quốc lộ 1 đã mở ra rồi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số đoạn đường đã quá tải. Vấn đề là dự án đang còn nhiều ý kiến bàn cãi về quy mô đầu tư cao tốc và hiện đang rất thiếu nguồn lực.

Theo ông Sinh, để có nguồn lực, chỉ có 2 cách, hoặc tiếp tục vay, thì sẽ vướng trần nợ công, hoặc là huy động nguồn ngoài ngân sách, trong nước hoặc nước ngoài, mà vay trong nước thì Ngân hàng Nhà nước phải mở vốn ra sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn vốn. Nếu vay ngoài nước thì điều kiện là Chính phủ phải bảo lãnh, ví dụ phải bảo lãnh doanh số tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ và dường như Chính phủ đang thận trọng về việc này.

Theo ĐB này, những đề xuất của Chính phủ như Quốc hội đồng ý thông qua báo cáo khả thi trước rồi Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá tác động môi trường và chia thành 21 dự án thành phần, mỗi dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng riêng là phù hợp và chấp nhận được.

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) - Uỷ viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội - cho biết, dự án này rất quan trọng và lẽ ra phải làm từ lâu rồi nhưng dù sao vẫn cần dành thời gian xem xét cho kỹ hơn.

Nguồn vốn là vấn đề khiến ĐB này băn khoăn. “Theo tờ trình, có 17/20 dự án thành phần dự kiến triển khai theo hình thức BOT thì liệu có thu hút được vốn không, các nhà đầu tư có sẵn sàng không. Thứ nữa, với sự tồn tại của quốc lộ 1 cũng theo hình thức BOT, giờ lại có đường cao tốc nữa, thì cơ chế nào để chúng ta đảm bảo rằng việc thu hút được nguồn vốn là có cơ sở” - ông Hùng phân tích.

Lùi thông qua, tiến độ dự án bị ảnh hưởng thế nào?

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 14.6, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng phụ trách dự án này của Bộ GTVT - cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo, giải trình đầy đủ về dự án và tới nay chưa nhận yêu cầu chỉnh sửa gì mới. Bộ cũng đã cùng Uỷ ban Kinh tế thị sát hiện trường để phục vụ công tác thẩm tra, báo cáo Quốc hội về dự án cao tốc Bắc-Nam. Liên quan tới việc lỡ hẹn Quốc hội lần này, ông Nhật cho rằng, tiến độ triển khai có thể bị chậm đôi chút nhưng với nỗ lực của các bên và dự kiến trong kỳ họp tới, bộ sẽ trình cả báo cáo tiền khả thi và khả thi cùng lúc thì sẽ đảm bảo cơ bản tiến độ.

Còn ông Phạm Hữu Sơn - TGĐ TCty Tư vấn Thiết kế GTVT, đơn vị xây dựng đề án cao tốc Bắc-Nam - cho biết, về dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt và việc chưa trình Quốc hội lần này là bước đi “chậm nhưng chắc” để đảm bảo sẽ có sự đồng thuận cao. Trên thực tế, một phần của dự án cũng đã và đang được triển khai.

Theo một chuyên gia giao thông, đây là đề án lớn nên không thể nóng vội và Nhà nước đang cân nhắc hoàn thiện chính sách về BOT để đảm bảo hiệu quả, nhưng cũng làm sao đảm bảo thu hút được nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong thời điểm tín dụng tăng nóng.

Cụ thể, tính đến ngày 25.5.2017 tín dụng tăng 6,53% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 5%), GDP lại tăng trưởng chậm, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại tín dụng sẽ dồn vào lĩnh vực nhiều rủi ro như BOT, BT và bất động sản.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Thống đốc đã kiên quyết chỉ đạo TCTD kiểm soát rủi ro tín dụng, để cân đối vốn từ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các tín dụng rủi ro như BT, BOT, BĐS, tín dụng trung và dài hạn. NHNN không đưa ra quy định cấm hay ngưỡng quy định về tín dụng BT hay BOT, nhưng luôn chỉ đạo cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý để vẫn cấp được tín dụng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được an toàn hệ thống”.

Gần 10 triệu USD/km, so sánh đắt-rẻ là khập khiễng nhưng vẫn có bất thường

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, con số 9,5 triệu USD/km mà Bộ GTVT đưa ra chỉ nên tham khảo chứ dùng để so sánh chuyện đắt-rẻ với các nước như Mỹ, Trung Quốc là khập khiễng, vì thế giới không đưa ra được suất đầu tư chung và con số trên là chia đều bình quân chứ mỗi đoạn có suất đầu tư và chi phí khác nhau.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định vẫn đang có vấn đề trong đầu tư làm cao tốc tại Việt Nam. Đó là “chi phí làm đường sau đắt hơn đường trước” và có dấu hiệu cho thấy đầu tư công hiện nay chưa hiệu quả. Chuyên gia này đưa ra ví dụ so sánh về chi phí của 3 đoạn cao tốc có chiều dài tương đương mà cái sau đắt hơn cái trước, gồm đường TPHCM - Trung Lương có giá khoảng 10.000 tỉ đồng, trong khi đoạn TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giá cao gấp đôi (20.000 tỉ đồng) và đến đoạn Bến Lứt - Long Thành xây sau nữa thì giá hơn 30.000 tỉ đồng.

K.Hòa - X.Hải
Theo Lao Động

Từ khóa: