Sự kiện hot
2 tháng trước

Vì sao nông sản vùng ĐBSCL phải phụ thuộc vào TP.HCM để xuất khẩu?

Vùng ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, những ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản đã mang về giá xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện những ngành hàng thế mạnh của vùng ĐBSCL đang gặp những khó khăn...

Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước khi đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản đã khẳng định được vị thế trong xuất khẩu, mang về giá trị cao cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, quy mô sản xuất đang là bài toán đặt ra đối với chính quyền địa phương khi diện tích manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng giao thông là trở ngại lớn trong xuất khẩu nên các doanh nghiệp lớn chưa đầu tư nhiều vào khâu chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng trong từng sản phẩm.

Chi phí vận tải hàng hóa tăng khó tạo sức cạnh tranh của nông sản

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hàng năm khu vực ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn. Tuy nhiên, có tới 70% lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL phải chuyển về TP.HCM và Vũng Tàu để xuất khẩu đã khiến chi phí vận tải tăng cao từ 10% đến 40% tùy từng tuyến, điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nông sản vùng ĐBSCL. Ngoài ra, một số nước nhập khẩu như Mỹ, Australia, EU và nhiều quốc gia khác yêu cầu nông sản phải qua khâu chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Việc không có trung tâm chiếu xạ quy mô lớn ở vựa trái cây, thủy sản, lúa gạo đã khiến hàng hóa của vùng ĐBSCL phải vượt vài trăm km lên TP.HCM để chiếu xạ rồi mới xuất khẩu, điều này đã làm tăng chi phí vận chuyển của nông sản trong vùng.

Vì sao nông sản vùng ĐBSCL phải phụ thuộc vào TP.HCM để xuất khẩu? - Ảnh 1
ĐBSCL là vùng sản xuất trọng điểm về lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo của thành phố Cần Thơ tăng đều mỗi năm. Hiện nay trái cây của thành phố gồm xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng đã xâm nhập vào thị trường Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Với diện tích cây ăn trái trên 25.000 hecta, sản lượng trái cây bình quân trên 200.000/năm, đủ nhu cầu đáp ứng ở các thị trường. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, Cần Thơ đã khuyến khích người dân hình thành những vùng cây ăn trái tập trung, liên kết thành vùng chuyên canh để xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Vì sao nông sản vùng ĐBSCL phải phụ thuộc vào TP.HCM để xuất khẩu? - Ảnh 2
Nhiều loại trái cây đã xuất khẩu sang Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho rằng, xuất khẩu trái cây của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL phụ thuộc lớn vào các cảng tại TP. HCM và Vũng Tàu, điều này làm tăng chi phí vận tải, nông sản khó cạnh tranh. Hiện nay Cần Thơ cũng có cảng nhưng tàu vận tải lớn chưa thể vào được, nếu được khơi thông luồng hàng hải thì nông sản Cần Thơ sẽ vươn xa. Trong bối cảnh hiện nay để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thủy sản thì tại Cần Thơ đã có trung tâm chiếu xạ, điều này sẽ giúp hàng hóa rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu của các đối tác.

"Có được trung tâm chiếu xạ ở đây rút ngắn được quá trình từ thu hoạch đến đến chiếu xạ, tạo điều kiện cho sản phẩm tươi hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng với sự phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới và phát triển hệ thống logistics, hệ thống vận tải trong thời gian tiếp theo thì nông sản ở ĐBSCL thì sẽ giảm được chi phí vận tải, sẽ có cơ hội để rút ngắn quá trình từ thu hoạch đến đóng gói."- ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm.

Hình thành trung tâm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Xuất khẩu trái cây của Việt Nam những năm gần đây đều tăng, hiện nay đã có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu trái cây của Việt Nam và những thị trường nhập khẩu đều đánh giá cao chất lượng của từng sản phẩm. Tuy nhiên, để có được lô hàng xuất khẩu sang các thị trường thì người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã phải thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T cho biết, trái cây muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU đều phải chiếu xạ và thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ mã số vùng trồng, sản phẩm không nhiễm dịch hại và sản phẩm phải đúng độ tuổi để thu hoạch.

"Mỗi thị trường người ta đều có một quy định, một chuẩn rất là riêng, rất là khắt khe. Ví dụ như Mỹ là yêu cầu có mã số vùng trồng, rồi chúng ta phải có nhà máy đóng gói do phía Mỹ người ta cấp mã số, ngoài ra chúng ta phải qua hệ thống chiếu xạ, diệt khuẩn. Chúng ta phải đóng gói đúng một quy cách, đúng chuẩn. Kinh nghiệm xuất khẩu chúng tôi phải thực hiện, phối hợp chỗ trung tâm chiếu xạ, Cục bảo vệ thực vật để mà đưa ra một cái chuẩn để mà cùng nhau xuất.- ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia đều phải bắt buộc chiếu xạ. Tuy nhiên khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi đó khu vực này đóng góp rất lớn vào xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Vì vậy cần phải có cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ đặt tại khu vực để sau khi chiếu xạ xong sẽ vận chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Tổng Giám đốc Công ty chiếu xạ Cần Thơ cho biết, hiện nay các nước nhập khẩu đều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, một số nước đặt ra tiêu chuẩn phải chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Vì vậy, trung tâm chiếu xạ tại Cần Thơ sẽ góp phần giảm tải cho các trung tâm chiếu xạ tại TP. HCM, sau khi chiếu xạ xong hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường bộ lên các cảng trên TP.HCM và Vũng Tàu để xuất khẩu đi các nước.

Theo ông Tín, trung tâm chiếu xạ tại Cần Thơ khi đưa vào hoạt động mỗi năm sẽ chiếu khoảng 20.000 tấn hàng hóa nông sản, giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí vận chuyển và đặc biệt hàng hóa sẽ tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy vận tải, phân phối, lưu trữ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Cần Thơ cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

"Đối với chiếu xạ Cần Thơ chúng tôi mong muốn là phối hợp với các sở, ban, ngành phục vụ trong chuỗi xuất khẩu nông sản để giúp đỡ cho các doanh nghiệp. Ví dụ như đơn vị cấp C/O hoặc đơn vị kiểm dịch động vật, kiểm dịch xuất khẩu và bên chuỗi cung ứng, thành mắt xích trong chuỗi cung ứng, kèm theo đó là các đơn vị vận chuyển, ở đây chúng ta có cảng Cần Thơ và Tân Cảng là các đơn vị về vận chuyển để tạo ra gói dịch vụ trọn vẹn, như vậy tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian cho doanh nghiệp ở tại địa phương Cần Thơ và vùng ĐBSCL."- ông Tín chia sẻ.

Đẩy mạnh vai trò liên kết trong tiêu thụ nông sản

Những năm qua xuất khẩu trái cây, thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL đóng góp lớn vào xuất khẩu chung của cả nước và thế mạnh này đang được phát huy.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đối với ngành hàng trái cây của vùng ĐBSCL những năm gần đây xuất khẩu ngày càng tăng, hiện nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng để tập trung vào các thị trường chiến lược. Tuy nhiên, việc liên kết vẫn còn lỏng lẻo nên cần phải tập trung liên kết trong tiêu thu, xuất khẩu, khi đó ngành hàng mới phát triển bền vững.

"Liên kết trong tiêu thụ nông sản là một chủ đề rất lớn bởi vì tất cả các chuyện khác của sản xuất thì mình đều làm được, nhưng bây giờ chỉ có vấn đề liên kết thì chúng ta chưa làm được tốt. Trước đây khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa 10 năm, tất cả rau, củ, quả chưa được 250 triệu USD, nhưng mà bây giờ sau 12 năm bây giờ trên 5 tỷ USD là câu chuyện khác rồi. Cái tốc độ chúng ta bán hàng đi nó quá nhanh, trong khi tốc độ chúng ta liên kết chưa nhanh bằng, vì thế còn trục trặc, bây giờ chúng ta phải quyết tâm bước nhanh hơn."- ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết.

Vì sao nông sản vùng ĐBSCL phải phụ thuộc vào TP.HCM để xuất khẩu? - Ảnh 3
Thủy sản cũng là thế mạnh của vùng ĐBSCL.

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, vùng ĐBSCL đang nắm giữ nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thực trạng thấy rõ là dịch vụ logistics chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay, hàng hóa xuất khẩu vẫn phải rong ruổi, vượt hàng trăm km lên TP.HCM để xuất khẩu, điều này đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của nông sản. Vì vậy, trong định hướng chiến lược Cần Thơ sẽ đóng vai trò thành trung tâm logistics lớn của vùng, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ được hình thành, Trung tâm này kỳ vọng trở thành hạt nhân kinh tế nông nghiệp hiện đại của vùng ĐBSCL, thực hiện vai trò kết nối nông sản của vùng ĐBSCL xuất khẩu đi các nước.

Minh Phương
Theo kinhtemoitruong.vn

Từ khóa: