Sự kiện hot
11 năm trước

Việt Nam có tộc người thứ 55

Dantin - Những phát hiện mới đây của nhiều nhà nghiên cứu dân tộc và lịch sử khẳng định người Tà Mun là một dân tộc hoàn toàn độc lập với người S’ Tiêng.

Dantin - Những phát hiện mới đây của nhiều nhà nghiên cứu dân tộc và lịch sử khẳng định người Tà Mun là một dân tộc hoàn toàn độc lập với người S’ Tiêng. Mặc dù còn nhiều tranh cái nhưng các công trình nghiên cứu về người Tà Mun đều nhấn mạnh đến những nét văn hóa độc đáo có bản sắc riêng của dân tộc này.


Người Tà Mun trong Tết cổ truyền của dân tộc mình.

Nếu được công nhận chính thức thì tộc người Tà Mun chính thức trở thành dân tộc thứ 55 trong cộng đồng các dân tộc anh em. 

Cội nguồn từ rừng già và phong tục độc đáo

Theo UBND  tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh công bố mới đây, người Tà Mun sinh sống ở 2 tỉnh này còn khoảng gần 3.000 người. Tại tỉnh Bình Phước hiện có 234 hộ, 1.143 người Tà Mun sinh sống chủ yếu ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản.  Còn tại Tây Ninh có khoảng 1.680 người Tà Mun cư trú, chủ yếu ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Thị xã Tây Ninh.

Theo những trưởng lão (người có vai trò như già làng của các dân tộc ít người khác) của người Tà Mun thì tộc người này di cư xuống các vùng đồng bằng của Tây Ninh và Bình Phước từ rừng già trong dãy Trường Sơn.

Vì cuộc mưu sinh, bà con dân tộc Tà Mun đã chuyển dần về phía Nam phá rừng làm rẫy và định cư ở xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh và xã Suối Đá huyện Dương Minh Châu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Sau giải phóng 30/4/1975, một bộ phận cũng vì mưu sinh đã chuyển lên vùng đất mới thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu và hai xã Tân Bình, Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh.

Theo tác giả La Ngạc Thụy trong công trình “Dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh: Trước nguy cơ bị mai một” thì người Tà Mun có những phong tục riêng và giữ được sự độc đáo ấy đến tận ngày nay. Theo tác giả La Ngạc Thụy tục “Cưới chồng” là nét văn hoá đặc trưng nhất của người Tà Mun. Điều khác biệt trong phong tục này là có ông mai bên nhà trai sang nhà gái dạm hỏi trước (Hanh-Lip-Xana), nhưng bên nhà gái tổ chức (Hanh num-Kon Klô Xua) hay (Chun Kon Klô). Khi đưa chàng rể qua nhà gái, bên ngoài trai sẽ hát múa những bài hát đưa rể gọi là Xavên-Keo Kôc. Theo già làng Lâm Sanh thì bài bản hát múa này hầu như đã thất lạc, thất truyền.

Về tập quán người Tà-mun có các lễ hội như lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ cúng cơm mới, lễ bỏ mả … Hiện nay, họ chỉ còn giữ lại lễ cúng cơm mới, bởi lẽ đây chính là ngày Tết Sa-uôn-kô Kha-môn, Tết cổ truyền của dân tộc họ, diễn ra vào cuối tháng Tám, đầu tháng Chín âm lịch.

Chắc chắn không phải người S’Tiêng


Một gia đình người dân tộc Tà Mun.

Ông Võ Thành Thái, người từng là chuyên viên nghiên cứu văn hoá dân tộc Sở Văn hoá Thông tin Tây Ninh đã dày công sưu tầm và nghiên cứu về văn hoá dân gian tộc người Tà mun cũng khẳng định tộc người Tà mun và S’Tiêng khác nhau hoàn toàn vì họ có hai ngôn ngữ khác nhau, kể cả một số phong tục, tập quán và truyền thống âm nhạc… Có thể xem đây là một nhóm dân tộc có sự hợp giao, cộng cư với hai nhóm dân tộc lớn X’Tiêng và Châu Ro ở phía nam Trường Sơn. Nhưng họ lại chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hoá của người Khmer. Tà Mun là âm đọc trại từ âm “Khmun” là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của dân tộc họ. Do dân số quá ít và trải qua nhiều biến động, nhất là cuộc sống cộng cư nên họ dễ dàng hoà nhập với nền văn minh dân tộc Việt. Các làn điệu dân ca nguyên thuỷ ngày càng hiếm, mai một dần đi. Đa số làn điệu hiện nay ảnh hưởng các làn điệu, bài bản của người Khmer. Cụ thể như một số bài bản trong các nghi lễ “chong têi” (chông ti-pia-am hôi) hay “gơ ốp-puut” (lễ cột chỉ, dâng trầu cau ra mắt) và một số làn điệu hát ru…

Năm 2009, tỉnh Bình Phước đã đưa tộc người này vào nhánh của dân tộc S’tiêng. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, theo quy định của Nhà nước, tỉnh Bình Phước vẫn giải quyết cho tộc người Tà Mun là dân tộc Tà Mun trong các giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh.

Tại hội thảo Nghiên cứu thành phần tên gọi tộc người Tà Mun do Viện Dân tộc học Việt Nam tổ chức nhằm xác định có hay không dân tộc Tà Mun ở các địa phương vừa được tổ chức tại Tây Ninh mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng người Tà Mun và người S’Tiêng khác nhau, vì vậy không nên coi người Tà Mun thuộc dân tộc S’Tiêng như trong thời gian qua.

 Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc của UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, việc công nhận dân tộc Tà Mun là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn là việc các nhà khoa học cần xác định cẩn trọng từng bước một về tiêu chí xác định tục danh (tên gọi) của không chỉ dân tộc Tà Mun mà còn nhiều dân tộc khác.

Tuy nhiên, theo ông Lù Văn Que, hiện nay trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, nhiều tên dân tộc được ghép từ nhiều tộc người. Mỗi một tộc người thường đã có một cái tên cho nên nhiều đồng bào dân tộc không chấp nhận tên gọi mới. Ví dụ, ở Quảng Bình, tộc người Mày, Rụp ...được ghép trong cái tên là dân tộc Chứt. “Khi chúng tôi đến, người dân ở đây họ không nhận mình là dân tộc Chứt. Họ bảo họ là dân tộc Mày hoặc Rụp. Hay như người dân tộc Giẻ Triêng ở Kon Tum là gộp của hai dân tộc Giẻ và Triêng. Nhưng mỗi dân tộc vẫn có ngôn ngữ, văn hóa riêng. Thậm chí, có nhiều người khi làm chứng minh nhân dân vẫn khai theo tên tộc người của họ”, ông Lù Văn Que khẳng định.

 Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc cho rằng còn rất nhiều điều cần đưa ra bàn bạc trước khi có quyết định chính thức về thành phần, tên gọi cho tộc người Tà Mun.

“Trong 4 tiêu chí lịch sử, ý thức tộc người, ngôn ngữ, văn hóa thì có 3 tiêu chí quan trọng là ý thức, ngôn ngữ và văn hóa. Đến năm 2013 sẽ nghiên cứu tiếp về ngôn ngữ và văn hóa, rồi xin ý kiến đóng góp của các ban, ngành Trung ương và các tỉnh để có kết luận về mặt khoa học”, ông Sơn cho biết.

Bình An

Từ khóa: