Sự kiện hot
8 năm trước

Vĩnh Phúc: Kiên quyết không để "cát tặc" lộng hành

Nhiều năm trước, tại Vĩnh Phúc tình hình an ninh trật tự liên quan đến khai thác cát trên các tuyến sông diễn ra phức tạp, hỗn loạn. Đặc biệt trên tuyến sông Lô, “cát tặc” diễn ra khá rầm rộ, thậm chí có những đối tượng đứng ra “bảo kê” khai thác cát trái phép.

Từng nhức nhối nạn “cát tặc”

Tỉnh Vĩnh Phúc có 3 tuyến sông chính chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy với tổng chiều dài khoảng 100 km. Trên các tuyến sông đều có tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng quan trọng cung cấp cho hầu hết các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng... Từ năm 2012 trở về trước, hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất hỗn loạn đặc biệt trên tuyến sông Lô.

Thị trường tiêu thụ rộng, nhu cầu lớn dẫn tới nạn “cát tặc” khai thác cát trái phép trên sông Lô diễn ra thường xuyên. Thậm trí, các đơn vị, tổ chức, cá nhân khai thác trái phép cát sỏi trên địa bàn còn tranh giành vị trí bãi khai thác dẫn tới xung đột gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Các đối tượng gồm những thành phần phức tạp, tập trung nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để đối phó với các cơ quan chức năng.


Hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được kiểm soát

Năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác cát sỏi. Theo đó, các sở ban ngành và địa phương liên quan phải tăng cường công tác truyên truyền pháp luật và phối hợp kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác này. Năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra chỉ thị số 11/CT-UNBD ngày 08/09/2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các Sở, Ban, Ngành và địa phương liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật và phối hợp kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác này. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm rà soát, khoanh vùng các khu vực có cát sỏi để tham mưu cho Tỉnh cấp phép cho các đơn vị khai thác để họ tự quản lý nguồn tài nguyên và kịp thời thông tin những vi phạm cho cơ quan chức năng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai lực lượng kết hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực có tài nguyên. Tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, quy hoạch các khu vực có trữ lượng cát sỏi và cấp phép cho các doanh nghiệp nhằm mục đích quản lý có đầu mối, tạo thu ngân sách cho tỉnh. Đồng thời cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị được cấp phép vi phạm các quy định của nhà nước trong quá trình khai thác cát, sỏi.

Để ngăn chặn vấn nạn “cát tặc”, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã có sáng kiến giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp được cấp phép phải chịu trách nhiệm về từng khúc sông. Chính vì thế khi có tàu thuyền lạ xuất hiện bất cứ thời điểm nào, các đơn vị này đều nắm rõ. Điều này khiến cho vấn nạn "cát tặc" trên địa bàn bị truy quét tận gốc, rễ. Việc giao trách nhiệm cho doanh nghiệp khai thác phối hợp với người dân quản lý đã không còn xảy ra tình trạng các tàu thả vòi cắm sát vào bờ để hút cát dẫn đến sạt lở gây ảnh hưởng đến việc thâm canh của người dân


Dòng sông đã trở lại yên bình nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc trong việc dẹp loạn vấn nạn "cát tặc"

Kiên quyết đưa hoạt động khai thác cát vào nề nếp

Được biết, huyện Sông Lô có tới 28 km đường sông, 10 xã, thị trấn giáp sông Lô bao gồm: Bạch Lựu, Hải Lựu, Đôn Nhân, Phương Khoan, Tam Sơn, Như Thụy, Yên Thụy, Yên Thạch, Tứ Yên, Đức Bác và Cao Phong. Hiện nay, đã có 8 đơn vị được cấp phép khai thác với 13 giấy phép trên tổng diện tích cấp phép là 3,25 ha, trữ lượng 5.926.631 m3, trong đó một đơn vị đã hết hạn cấp phép khai thác; 3 đơn vị được Cục đường thủy nội địa Việt Nam ban hành văn bản chấp thuận cho phép nạo vét luồng đường thủy nội địa.

Các công ty được cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Lô bao gồm: Công ty CP tư vấn đầu tư Xây dựng Bắc Ái; Công ty CP khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Công ty TNHH An Viên; Công ty CPTM Thái An; Công ty TNHH vận tải và xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phúc Lợi Hà Nội; Công ty CP khoáng sản Đông Dương Ava. Ba công ty được cấp phép nạo vét bao gồm: Công ty TNHH ĐTTM và dich vụ Phúc Vinh; Công ty xây dựng và thương mại Linh Hải; Công ty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội.

Mặc dù đã được cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn để giảm thiểu và ngăn chặn nạn “cát tặc” trên sông Lô nhưng vẫn xảy ra tình trạng khai thác chồng lấn, tranh chấp. Một số đơn vị được cấp phép trong quá trình khai thác khoáng sản vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác ngoài chỉ giới được cấp phép gây sạt lở đất canh tác, bức xúc trong nhân dân. Thậm trí, một số công ty được cấp phép còn chưa chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy, không đăng ký số lượng phương tiện khai thác, không có biển đăng ký, không gắn logo công ty nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch UBND huyện Sông Lô ông được biết: “Tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện Sông Lô trước đây rất phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm tối cho tàu cuốc vào các bãi bồi hút cát, gây sạt lở đất canh tác của người dân, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, trước tình trạng như vậy UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt tình trạng khai thác cát trên Sông Lô nên đến nay đã đi vào ổn định. Các đơn vị khai thác đều được cấp phép theo đúng quy định của nhà nước; khai thác đúng điểm mỏ được cấp phép, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo quy định Luật khoáng sản.”

Liên quan đến tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Lô, ông Hoàng Đức Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Sông Lô cho biết thêm: "Trước tình hình phức tạp của việc khai thác cát trên Sông Lô, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý cát sỏi trên địa bàn huyện, các thành viên chủ lực gồm Công an và Phòng TN&MT để kiểm soát tình hình khai thác cát. Trước đây, tình trạng khai thác tràn lan, phức tạp chúng tôi gần như không có ngày nghỉ, cứ có thông tin phản ánh là ra thực địa kiểm tra. Nhưng đến thời điểm này tình trạng khai thác "cát tặc" gần như không còn. Các đơn vị được cấp phép đều khai theo theo đúng mốc giới được cấp phép”.

Với sự vào cuộc sát sao của Vĩnh Phúc, hiện tại vấn nạn "cát tặc" đã có chiều hướng ổn định, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo, việc khai thác cát sỏi trái phép được hạn chế. Các Doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi đã chấp hành tốt kỷ cương, pháp luật theo quy định. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan, thời gian tới, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đi vào nề nếp.

Nguyễn Hằng
theo GĐ&XH

Từ khóa: