Sự kiện hot
11 năm trước

Vĩnh Phúc: Thảm họa lơ lửng trên đầu nhưng vẫn phải chờ vốn

Sau bão số 5, số 6 và ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, hàng loạt hồ, đập chứa nước ở Vĩnh Phúc bộc lộ những bất ổn.

Sau bão số 5, số 6 và ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, hàng loạt hồ, đập chứa nước ở Vĩnh Phúc bộc lộ những bất ổn. Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh có 5 hồ dung tích trên 1 triệu m3 bị “lão hóa”, khó trụ vững trước biến cố thiên tai, đặc biệt là bão lũ dồn dập từ đầu tháng 8 đến nay. Hiểm họa từ hồ chứa già nua có thân đập bằng đất, đang thực sự lơ lửng trên đầu các xã, huyện ở bên dưới thân đập, lòng hồ.


Hàng trăm cờ đỏ cắm trên thân đập Xạ Hương cho thấy mối nguy hiểm lớn đang chực chờ. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Phúc, thân đập là phần quan trọng của các hồ chứa nhưng một khi đã quá già thì sẽ kéo theo nhiều “bệnh tật” như thấm, rò rỉ, báo trước nguy cơ khó lường.

Lo ngại nhất của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc thời điểm này là thân đập đã quá rệu rã của hồ Xạ Hương (huyện Tam Đảo). Hồ có dung tích 13 triệu m3, được xây dựng từ năm 1977, từ khi đưa vào sử dụng năm 1984 đến nay chưa một lần được nâng cấp, sửa chữa. Đây là một trong những hồ thân đập bằng đất cao ở Việt Nam - 41m; có lưu vực 24km2, độ dốc lưu vực lớn, tập trung dòng chảy nhanh; tràn xả lũ một cửa (kiểu tràn xả sâu, van cung, đóng mở cánh van bằng tay). Hồ không có tràn sự cố nên đã có những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành.


Một trong vị trí rò rỉ nước ở thân đập Xạ Hương. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Một trong những sự cố lớn ở hồ Xạ Hương được ông Văn Đăng Khánh, Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo nhớ lại - xảy ra vào năm 2008. Mưa lũ bắt đầu từ ngày 31/10 đến 8/11 làm nước hồ tăng vọt lên mức nguy hiểm trong thời gian ngắn. Tại hiện trường, 8 công nhân của ông Khánh cởi trần, căng sức quay, đóng, mở van thoát lũ bằng tay và có nhiều lúc tưởng chừng phải buông xuôi, phó mặc cho dòng nước cuồn cuộn dâng cao. Dù cánh tràn mở hết nhưng có thời điểm mực nước hồ lên đến cao trình + 93,7 (vượt cao trình MNDGC 0,2m, gây nguy hiểm cho công trình đầu mối, đe doạ tính mạng tài sản nhân dân vùng hạ du. Trước đó, năm 1994 do lũ lớn, cánh tràn của đập cũng đã một lần bị gãy…

Theo báo cáo ngày 2/8/2013 của ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi Thủ tướng Chính phủ: Hạ lưu thân đập Xạ Hương cận kề TP Vĩnh Yên với hàng loạt khu công nghiệp trọng điểm; các nhà máy, công trình quốc phòng, an ninh và khoảng 60.000 dân đang sinh sống.

Sau bão số 7, chúng tôi đến đập Xạ Hương và được những công nhân gác đập chỉ cho xem rất nhiều chỗ rò rỉ nước trên thân đập. Các chỗ rò rỉ, mất an toàn đều được cắm cờ báo hiệu. Hàng trăm cây cờ được cắm thẳng hàng theo chiều ngang thân đập, báo hiệu mối nguy hiểm lớn sẽ ập xuống bất cứ lúc nào.


Vùng hạ lưu đập Xạ Hương là nơi có 60.000 dân cư đang sinh sống. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Túi nước khổng lồ trên 13 triệu m3 hồ Xạ Hương đang ở tình trạng mất an toàn cao nhất. Chỉ một biến cố hay sơ sẩy nhỏ cũng có thể khiến túi nước bị “bục”, xoá sổ cả vùng hạ lưu rộng lớn. Tuy nhiên, việc “tăng tuổi thọ” cho hồ nước quá già nua này lại đang vướng vào vấn đề hết sức nan giải: Chờ vốn!

Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước mắt bố trí hỗ trợ cho tỉnh 70 tỷ đồng trong năm 2013 để thực hiện ngay việc sửa chữa các hạng mục đập đất, tràn xả lũ và cống lấy nước của hồ Xạ Hương.

Trong khi lãnh đạo tỉnh đang chờ vốn để cứu đập Xạ Hương thì dân cư vùng hạ lưu đập nơm nớp lo âu. Lo nhất là khoảng 30.000 dân có nhà cửa ruộng vườn cận kề thân đập. Những nông dân tận mắt chứng kiến nước rò rỉ ở đập Xạ Hương biết rõ thảm họa treo trên đầu nhưng đành phó mặc vì không thể làm gì khác hơn.

Ngoài hồ Xạ Hương, các hồ Suối Sải (xây dựng năm 1984 - 1986) dung tích 3 triệu m3; Bò Lạc (xây dựng năm 1980 - 1982) dung tích 2,55 triệu m3; Vân Trục (xây dựng năm 1966 - 1969) dung tích 7,6 triệu m3; Gia Khau (xây dựng từ năm 1960 - 1965)… cũng đã qúa già nua, khó chống chọi với mưa bão và trở thành những túi nước không an toàn, đe dọa cuộc sống của nhiều, xã huyện vùng hạ du.

Đánh giá về mức độ an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong tổng số 209 hồ, đập được kiểm tra, có 27 hồ đập không an toàn cần được sửa chữa. Số hồ có hiện tượng hư hỏng đập (kể cả thấm nhẹ) là 83 hồ. Số hồ hư hỏng cống là 33 hồ. Hồ đập hư hỏng tràn là 6 hồ.    

Dương Thanh Tùng
theo Thanh tra

Từ khóa: