Đón Tết Nhâm Thìn, nhiều cửa hàng, shop thời trang ở TP HCM tung ra hàng loạt chương trình giảm giá để hút khách. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thất vọng vì chiêu kích cầu chỉ là "treo đầu dê bán thịt chó".
Đón Tết Nhâm Thìn, nhiều cửa hàng, shop thời trang ở TP HCM tung ra hàng loạt chương trình giảm giá để hút khách. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thất vọng vì chiêu kích cầu chỉ là "treo đầu dê bán thịt chó".
Nhìn thấy bảng giảm giá 40% ở shop thời trang trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, chị Nga vội vào chọn với hy vọng mua được chiếc váy, áo ưng ý giá "rẻ nhất trong năm" như lời quảng cáo của cửa hàng. Tuy nhiên, ngay khi bước vào, chị được nhân viên giới thiệu qua dãy khác để chọn hàng giảm giá. "Quần áo cũ kỹ, bạc màu, nhàu nát, thậm chí có nhiều vết bẩn chất thành từng đống, mới có giá 39.000-59.000 đồng", chị thất vọng.
Trong khi đó, những trang phục mà chị yêu thích, định chọn mua lại không hề giảm. "Lẽ ra cửa hàng chỉ nên thông báo là giảm giá ở một số mặt hàng chứ không áp dụng cho tất cả, để khách không hiểu lầm là sản phẩm nào cũng giảm", chị lý giải.
Shop thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 khuyến mãi lên đến 70%.
Đi mua sắm đồ Tết tại cửa hàng thời trang ở đường Cao Thắng, quận 10, chị Hà cũng bị bắt mắt với dòng chữ giảm giá 70%. Thế nhưng, trong cửa hàng, giá rẻ nhất cũng trên 100.000 đồng. Nhân viên tại đây giải thích do hàng nhập khẩu nên giá bình thường đều vài trăm nghìn, chỉ có dịp hiếm hoi lễ Tết mới giảm mạnh như thế. Song, những mặt hàng có đính chữ "sale off" này, chị không chọn được cái nào vì "quá xấu".
Không đành lòng bước đi khi dòng chữ "bán giá vốn, giá sỉ bằng giá lẻ, 49.000 đồng..." đập vào mắt, Thanh - nhân viên văn phòng quận 5 cũng lộc cộc quay xe lại ghé vào cửa hàng quần áo bên đường. Tuy nhiên, lục lọi cả buổi ở 2 đống quần áo chất trong sọt đặt ở một góc nhỏ trong cửa hàng, cô mới thấy chiếc áo sờn, bạc màu có giá 49.000 đồng và được nhân viên giải thích là hàng tồn kho, muốn thanh lý hết nên mới "bán đổ bán tháo" với giá rẻ.
Trong khi đó, chị Ngọc Mai cùng cô em họ đi sắm đồ Tết cũng một phen "hớ hàng". Hai chị em cô đi dạo một vòng quanh khu vực chợ Bà Hom, Bình Tân, có khá nhiều shop thời trang lớn, ngang qua một shop quần áo trưng đầy biển hiệu giảm giá 50-70%. Háo hức bước vào, chị và cô em họ không khỏi thất vọng. "Những đồ giảm giá chỉ rất ít và gần như là hàng cũ, bụi bẩn, thậm chí không bằng hàng đống bán ở vỉa hè. Còn lại đều là hàng giá cao ngất ngưởng", chị bức xúc nói.
Hàng xuất khẩu của cửa hàng này được hô hào "bán hàng không lợi nhuận". Ảnh: Lệ Chi
Tuy nhiên, đã lỡ vào rồi, lại được nhân viên niềm nở chào đón, nên cũng khó lòng đi ra tay không. "Tôi đành mua một chiếc quần Jean giá 350.000 đồng tặng cô em họ mà trong lòng không vui mấy", chị Mai nói.
Trường hợp của Lan, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn phải "nuốt cục tức vào người" khi mua hàng giảm giá. Cô cho biết, qua shop giầy thời trang khá lớn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, thấy có ghi dòng chữ "Sale off 50% dịp cuối năm" nên cô vội vàng ghé vào. Một nhân viên chỉ cô vào kệ hàng để sát trong một góc nhỏ. Liếc nhìn một lượt, Lan cảm thấy có đôi nào ưng ý vì hầu như giầy giảm giá đều là hàng đã lỗi mốt. Nhưng rồi cô vẫn quyết định mua một đôi vì nghĩ rằng dù sao đây cũng là hàng hiệu, giá lại rẻ một nửa so với hàng mới.
Thế nhưng, về nhà vừa mang được một ngày, gót giầy đã bung ra, cô mang đến cửa hàng phản ánh về chất lượng thì bị người quản lý "dội gáo nước lạnh" rằng, mua hàng giảm giá tới 50% thì phải chịu rủi ro; muốn có chất lượng tốt thì mua giầy mới. "Tức quá, tôi bỏ luôn đôi giầy tại shop và ra về mà trong lòng không khỏi ấm ức", Lan kể lại.
Lý giải về kiểu giảm giá "bát nháo" này, chủ một shop thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cho rằng: "Phải làm thế mới kéo được người mua, biết làm sao được khi mà hàng hoá thì nhiều mà người mua quá ít".
Trong khi đó, chủ một cửa hàng thời trang ở quận 5 tiết lộ, thời buổi này, nếu không giảm giá sẽ khó hút khách, bởi đâu đâu cũng ồ ạt khuyến mãi, ít cũng 10-20%, có nơi hạ 70-90%. "Chưa biết có giảm thật hay không, nhưng thông điệp này sẽ đập ngay vào mắt khách, thúc bách họ bước vào cửa hàng. Như vậy, bước đầu tiên kéo khách tới đã thành công. Sau đó, khi vào bên trong, đâu phải khách chỉ xem hàng giảm giá. Tâm lý ham thích cái đẹp khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để sở hữu sản phẩm ưng ý, kể cả khi nó không là hàng giảm giá đi nữa", chị lý giải.
Ảnh các cửa hàng TP HCM đua khuyến mãi giảm giá dịp cuối năm
Huỳnh Phan - Lệ Thanh
Theo Vnexpress