Sự kiện hot
9 năm trước

Vụ án Hồ Duy Hải: Hoãn thi hành án tử, những bất thường có được làm rõ?

(ĐS&TD) - Trong quá trình thông tin về vụ án Hồ Duy Hải, Báo Đời sống & Tiêu dùng cùng nhiều cơ quan báo chí đã có bài phản ánh về những tình tiết bất thường ở giai đoạn điều tra vụ án nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Liệu rằng, sau khi Chủ tịch nước có đề nghị hoãn thi hành án, xem xét lại việc kết án thì những bất thường này có được cơ quan tố tụng làm rõ?


Tử tù Hồ Duy Hải (áo trắng)

Ngày 4/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.

Chiều 4/12, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An đã xác nhận đồng ý hoãn thi hành tử hình Hồ Duy Hải ngay trước ngày bản án được thi hành vào ngày 5/12.

Trước đó, sáng 4/12, em ruột và dì ruột của Hồ Duy Hải là chị Hồ Thị Thu Thủy và bà Nguyễn Thị Rưởi cũng đã có đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Đơn nêu rõ: Đề nghị ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An hoãn thi hành án đối với bản án Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014 để gia đình có thời gian kêu oan cho Hồ Duy Hải.

Ngay sau khi nhận được phản hồi từ phía TAND tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) đang trên đường lên TP.HCM để kịp chuyến bay lúc 15h ra Hà Nội tiếp tục kêu oan đã quyết định hủy chuyến bay trở về Long An và vô cùng mừng xúc động.

Chiều 5/12, TAND tỉnh Long An đã tổ chức buổi họp báo thông tin cụ thể về diễn biến vụ việc. Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An Lê Quang Hùng cho biết, lý do Tòa hoãn thi hành án đối với bị án Hồ Duy Hải vào ngày 5/12 là vì khi thi hành án tử hình, theo Luật Thi hành án Hình sự mới, phải báo với gia đình để gia đình có nhận xác về chôn cất hay không.

Sau khi có thông báo, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ bị án Hồ Duy Hải, không nhận thông báo mà làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân TAND Tối cao yêu cầu ngưng ngày thi hành án.

Vì vậy, với chức năng được cho phép, Tòa án Long An đồng ý hoãn ngày thi hành án. Việc thi hành án vào ngày nào còn chờ theo đúng trình tự và thủ tục.

Cũng trong buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt ra các câu hỏi về việc có một số bằng chứng không rõ ràng như không xác định được mẫu máu, mẫu lông tóc; dấu vân tay thu thập được tại hiện trường không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải... nên gia đình bị án gửi đơn kêu cứu nhiều năm nay vì cho rằng Hải bị oan. Ông Lê Quang Hùng cho biết không có quyền đánh giá chứng cứ vì bản án đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã đánh giá thông tin và chứng cứ của vụ án.

Ông Lê Quang Hùng thông tin thêm: tất cả mọi người, kể cả phóng viên, nếu có chứng cứ mới của vụ án thì cung cấp đến địa chỉ Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao từ nay cho đến ngày 4/1/2015, vì Tòa án Long An không có chức năng thụ lý chứng cứ mới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong hồ sơ có hai tên Nguyễn Duy Hải và Hồ Duy Hải thì vụ án liên quan 1 bị cáo hay 2 bị cáo? Ông Hùng nói rằng: “Trong hồ sơ thế nào chứ theo tôi, tòa chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can duy nhất là Hồ Duy Hải còn Nguyễn Duy Hải là ai, tôi không biết, đó là việc khác”.

Hiện vụ án đang tiếp tục được Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.

Liên quan đến vụ án này, Báo Đời sống & Tiêu dùng số 03 (ngày 12/12/2012) đã có bài “Lật lại vụ án 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi bị giết: Không thể giao cấu được thì giết?” nêu những điểm bất thường trong vụ án Hồ Duy Hải nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết. Để độc giả có thể hiểu thêm về vụ án, Đời sống & Tiêu dùng xin đăng lại toàn bộ nội dung bài báo trên:


Bài báo về vụ án Hồ Duy Hải đăng ở báo Đời sống & Tiêu dùng số 03

"Không giao cấu được thì giết?

Sáng 14.01.2008 anh Hùng Phụng Hiếu, nhân viên giao báo, mang báo đến Bưu điện Cầu Voi thì phát hiện 2 nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (24 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (24 tuổi) bị giết chết.Vụ việc nhanh chóng được báo đến các cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, truy tố sau đó được tóm tắt như sau: Khoảng 19g ngày 13.01.2008, Hồ Duy Hải chạy xe đến Bưu điện Cầu Voi với 2 chị Ánh Hồng, Thu Vân. Khoảng 20g30, khi Bưu điện đóng cửa, Hải đưa tiền nhờ chị Vân đi mua trái cây về ăn. Khi Vân đi Hải sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng. Hải nắm tay kéo Hồng vào buồng, đẩy nằm ngửa xuống đi-văng. Hồng không đồng ý, dùng chân đạp vào bụng Hải, Hải buông Hồng ra. Sau đó, Hồng đi ra phía ngoài, Hải đi sau, dùng tay kéo Hồng vào góc tường. Hồng la lên, sợ bị phát hiện Hải dùng tay bóp cổ, đẩy Hồng ngã xuống đất rồi dùng tấm thớt tròn đập mạnh vào đầu, mặt cho đến khi nạn nhân ngất đi. Hải lấy con dao inox cắt đứt cổ Hồng. Khi Vân đi mua trái cây về, nhìn thấy xác Hồng liền bỏ chạy. Hải núp sẵn trong cầu thang, hai tay cầm một chiếc ghế inox thủ sẵn, đuổi theo đập mạnh vào đầu chị Vân khiến chị ngã bất tỉnh, tiếp đó Hải dùng dao cắt mạnh vào cổ Vân.

Kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng, cho thấy nạn nhân Hồng trên người mặc đồ thu màu hồng, vạt áo trước tuột lên phía cổ, áo ngực tuột về phía trên để lộ hai đầu vú. Vùng cổ phía trước có vết cắt, tạo thành vết thương há miệng 5cm, dài 9cm, sâu đến xương cột sống cổ. Cơ quan sinh dục ngoài không sang thương, có ít dịch nhày trong âm đạo, màng trinh có nhiều vết rách cũ. Vùng cổ trước của nạn nhân Vân có vết cắt tạo thành vết thương hở há miệng 5 cm, dài 9 cm, làm đứt hầu hết các cơ quan vùng cổ, sâu đến cột sống, cơ quan sinh dục không sang thương, màng trinh nguyên vẹn, không dịch.

Từ những tình tiết trên cho thấy dường như đây là vụ án xuất phát từ nguyên nhân, do bị cáo không giao cấu được nên phải giết người bịt đầu mối. Đến 21.03.2008, Hồ Duy Hải bị Công an tỉnh Long An bắt.

Đi mua… “vật chứng”

Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Long An đã tiến hành khám nghiệm hiện trường một cách rất kĩ lưỡng, và ghi nhận được cả những sợi tóc, hạt cơm khô vết máu nhỏ li ti, đường vân… cũng trong biên bản khám nghiệm hiện trường, ghi nhận phía trên đầu nạn nhân Hồng có một tấm thớt gỗ, và sau này CSĐT tỉnh Long An xác nhận “nạn nhân Hồng bị đẩy ngã xuống nền gạch, rồi Hải hai tay cầm thớt gỗ đập xuống đầu Hồng hai cái”. Như vậy, cái thớt trên phải là hung khí gây án và lẽ ra phải được thu giữ, bảo quản trong quá trình xử lí vụ án. Nhưng điều lạ là, vật chứng này không được thu giữ mà sau 5 tháng sau khi xảy ra vụ án, ngày 24.06.2008 cơ quan điều tra mới yêu cầu bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của nạn nhân Hồng và Vân) đi… mua một tấm thớt gỗ khác tương tự như tấm thớt gỗ vật chứng về giao nộp cho cơ quan điều tra.

Chưa hết, theo ghi nhận tại hiện trường cả 2 nạn nhân đều bị cắt cổ rất sâu và đây chính là nguyên nhân gấy nên cái chết cho hai người do bị mất máu quá nhiều. Điều này, cho mọi người một suy nghĩ nạn nhân dùng vật sắc (có thể dao) để gây án và thực tế sau này, kết luận điều tra cho rằng Hải đã dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân. Trong quá trình tham gia bảo vệ hiện trường, những dân phòng đã phát hiện con dao này và giao cho Công an. Sau khi xem xét, thấy con dao này sạch, một công an huyện đã bảo với dân phòng này “con dao này sạch, không có máu, chắc không có gì đâu, thôi bỏ đi”. Nghe lời công an, người dân phòng này đã dùng con dao này cạo vết máu dưới nền nhà, sau đó vứt bỏ con dao vào sọt rác rồi đốt đi. Đến 15.1.2008, Công an huyện Thủ Thừa mới yêu cầu một dân phòng ra hiện trường để tìm lại con dao đã đốt, nhưng không thấy. Sau đó, công an yêu cầu ông này ra chợ mua một con dao khác có kiểu dáng và kích thước tương tự với con dao đã đốt đem về giao nộp cho công an.

Như vậy, cả cái thớt và con dao, những vật dụng rất bình thường của người dân, bỗng dưng được biến thành vật chứng để kết án, dù thực tế, đây chỉ là những vật mô phỏng vật chứng.

Ai là chủ nhân của dấu vân tay?

Có một chi tiết cực kỳ quan trọng trong vụ án này nhưng đã bị cơ quan chức năng bỏ qua khi kết tội Hồ Duy Hải. Đó là, khi khám nghiệm hiện trường, CSĐT Công an tỉnh Long An đã phát hiện, lưu giữ “một số dấu vết đường vân” (vân tay) trên một số đồ vật ở hiện trường. Nhưng, thay vì truy tìm trong tàng thư căn cước để xác định xem đó là vân tay của ai (vì đến nay, khoa học vẫn khẳng định mỗi người có một dấu vân tay, không ai trùng dấu vân tay với người khác), để có cơ sở đi tìm thủ phạm, thì mãi đến gần ba tháng sau, ngày 7.4.2008, sau khi đã bắt Hồ Duy Hải, CSĐT Công an tỉnh Long An mới trưng cầu giám định. Và kết quả giám định của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An sau đó khẳng định: “các dấu vân tay thu dược tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ mười ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Có nghĩa là, dấu vân tay trên phải là của người khác. Vậy ai là chủ nhân của dấu vân tay trên?

Lại nữa, ngay trong cáo trạng buộc tội Hồ Duy Hải, lại có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, cáo trạng khẳng định bị can Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu cục Cầu Voi lúc 19 giờ 39 phút 22 giây do nhân chứng Đinh Vũ Thường nhìn thấy. Nhưng ngay phần kết luận ở cùng trang dưới đó lại ghi: “Khoảng 20 giờ ngày 13.1.2008 bị can Hồ Duy Hải điều khiển xe mô tô chạy đến Bưu điện Cầu Voi…”. Với kết luận này, chắc chắn Hải phải có phép “phân thân” thì mới có thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi lúc 19 giờ 39 phút 22 giây đồng thời 20 phút sau mới điều khiển xe máy đến đây. Đó là chưa kể, cáo trạng còn nêu: “Lời khai của Hải phù hợp với lời khai của Đinh Vũ Thường, người gọi cuộc điện thoại cuối cùng cho bị can”. Thế nhưng trong biên bản lời khai, anh Thường khẳng định không hề quen biết với Hải. Và hôm đó anh Thường đang chở bạn gái đi công việc, vô tình ghé Bưu điện Cầu Voi để gọi điện thoại cho ai đó.

Kẻ nào chính là kẻ sát nhân man rợ chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân? Câu hỏi này cần phải sớm được làm rõ".

“Mỗi khi đi thăm con, Hải lúc nào cũng nhắn với tôi rằng con bị oan ức, con không làm chuyện đó. Thời gian trôi đi, thấm thoát 6 năm, càng về sau mỗi lần thăm Hải, nó thấy tóc tôi ngày một bạc trắng, tiều tuỵ đi nhiều, nó cũng đau lòng lắm, động viên, an ủi tôi.

Hải bảo mẹ phải giữ gìn sức khỏe để còn sống mà kêu oan cho con chứ mẹ chết rồi ai lo lắng, kêu oan cho con. Tốn bao nhiêu tiền bạc, thậm chí bán tài sản, nhà cửa, đất đai... tôi và dòng họ tôi cũng quyết kêu oan cho Hải. Linh cảm người mẹ mách bảo với tôi, Hải vô tội và bị oan" – Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải chia sẻ sau khi nhận thông tin bản án tử đối với con mình được tạm hoãn.

Công Minh

Từ khóa: