Sự kiện hot
10 năm trước

Vụ án oan tại Việt Yên, Bắc Giang: Lật lại hồ sơ 10 năm về trước

Từ người nông dân chân chất, thật thà, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Việt Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bỗng dưng dính vào vòng lao lý, bị quy làm thủ phạm trong 1 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng.

Từ người nông dân chân chất, thật thà, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Việt Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bỗng dưng dính vào vòng lao lý, bị quy làm thủ phạm trong 1 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Mức án tù chung thân là hình phạt mà ông Chấn phải nhận cho hành vi giết người không phải do mình gây ra.


Vụ án oan được Cục Điều tra Hình sự, Viện KSND Tối cao lật lại phát hiện hàng loạt sai sót trong tố tụng điều tra năm xưa. Ảnh: Quang Đông

Hơn 10 năm sau ngày tòa tuyên án, ông Chấn đã nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án trở về với gia đình. Toàn bộ hồ sơ vụ án oan 10 năm về trước, giờ đây được cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao lật lại, hé lộ phần nào nguyên nhân dẫn đến bản án oan sai này.

Bản cáo trạng truy tố oan sai năm xưa

Theo cáo trạng truy tố: Chiều ngày 15/8/2003, địa phương nơi ông Nguyễn Thanh Chấn ở có tổ chức trận bóng đá. Khoảng 19 giờ cùng ngày, trận bóng kết thúc, bà Nguyễn Thị Chiến là vợ ông Chấn có bảo chồng đi xin nước về phục vụ bán hàng. Người đàn ông này đã dùng xe đạp chở 2 thùng nhựa màu trắng (loại thùng đựng sơn) sang nhà chị Viễn ở cuối sân bóng để xin nước.

Trên đường đi, Chấn có qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan (cách cửa hàng của Chấn khoảng 100m) thấy 2 mẹ con người phụ nữ này đang ở trong nhà. Vòng về phía sau nhà thấy cửa mở, Chấn lẻn vào. Lúc này, thấy con chị Hoan mới 16 tháng tuổi đang chơi trên giường, còn người phụ nữ đứng trước tủ quần áo. Chấn liền gạ gẫm đòi quan hệ tình dục, chị Hoan đã lên tiếng phản ứng và dùng chai bia dưới nền nhà đập Chấn.

Giằng được chai bia từ tay nạn nhân, Chấn rút con dao trong người đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn chị Hoan. Trong lúc bị đâm, nạn nhân có giơ tay lên đỡ khiến lưỡi dao bị gãy.

Thấy mặt nạn nhân chảy quá nhiều máu, Chấn dùng chiếc gối phủ lên mặt rồi bỏ ra khỏi nhà. Sau khi chở nước về cho vợ bán hàng, Chấn về căn nhà giữa làng để tắm giặt, dùng xà phòng và bàn chải rửa sạch máu dính ở quần áo.

Khoảng 22 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Hữu Thanh và Nguyễn Văn Mạnh (đều trú tại thôn Me, xã Việt Trung) trên đường đi chơi về thấy cửa chính của gia đình chị Hoan hé mở, bên trong có tiếng trẻ con khóc nhưng không bật điện. Sau hồi gọi chủ nhà không thấy ai trả lời, nên Mạnh đã chạy vào nhà bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ của Hoan thông báo). Lúc này, Hoan đã chết dưới nền nhà với nhiều thương tích trên người.

Sau khi nhận tin báo chị Hoan bị sát hại, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành các biện pháp rà soát và đưa Chấn vào dạng nghi vấn bởi có những dấu hiệu bất minh trong quá trình sử dụng thời gian trong ngày xảy ra vụ án.

Chứng cứ thu được không phù hợp với dấu vết tại hiện trường

Kết quả giám định pháp y số 553/PY ngày 20/8/2003 của Tổ chức Giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: Các vết thương trên cơ thể nạn nhân là do ngoại lực tác động; vật tác động là vật tày, vật sắc gọn và vật nhọn, lưỡi sắc.

Nạn nhân Nguyễn Thị Hoan chết do chấn thương đầu, mặt, vết thương ở bụng làm đứt động mạch mạc treo, chảy máu và mất máu dẫn đến sốc trụy tim mạch cấp, chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 30 phút đến 2 giờ đồng hồ.

Tại hiện trường vụ án có nhiều dấu chân dưới nền nhà, dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện…

Một trong các bằng chứng cơ quan điều tra đã kết luận ông Chấn là kẻ giết người là dựa trên dấu chân để lại hiện trường! Trong số các dấu chân thu tại hiện trường vụ án, có 2 vết chân trái dài 23cm, rộng 8,6cm và 1 vết chân phải dài 23,5cm rộng 9cm. Nhưng kết quả đo kích thước thực tế bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, bàn chân phải dài 23cm, rộng 9,6cm. 

Kết quả đo bàn chân thực tế của nghi phạm và kích thước dấu chân thu tại hiện trường hoàn toàn không khớp nhau. Thế nhưng, kết quả trên vẫn được Hội đồng Xét xử 2 cấp chấp nhận và coi đó là một trong những bằng chứng để buộc tôị ông Chấn với lý: “Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của 2 dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003”.

Hội đồng Xét xử không công nhận lời khai của nhân chứng

Về quãng thời gian của Nguyễn Thanh Chấn sử dụng trong buổi tối ngày 15/8/2003 cũng chưa được làm rõ, lời khai nhận của bị cáo và lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn.

Tòa sơ thẩm căn cứ vào lời khai các nhân chứng Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hữu Đồng, Thân Văn Bảo và chị Hoàng Thị Viễn: “Vào lúc 19 giờ 30 phút, Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn múc nước tại giếng nước nhà chị Hoàng Thị Viễn”. Vậy, khoảng thời gian 20 phút từ 19 giờ đến 19 giờ 25 phút thời điểm được xem là vụ án mạng đang xảy ra thì Nguyễn Thanh Chấn ở đâu, làm gì?

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/7/2004, nhân chứng Phạm Thị Nhâm và Nguyễn Văn Thực vẫn tiếp tục khẳng định và xác nhận khoảng 19 giờ 20 phút ngày 15/8/2003, bà Nhâm ra quán tạp hóa nhà ông Chấn mua hàng thì gặp anh Thực vào gọi điện thoại ở quán. Ông Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi (ông Chấn kinh doanh dịch vụ điện thoại công cộng - PV). Lúc lúc đó trong quán còn có ông Quyền người cùng làng đến mua mắm.

Anh Nguyễn Văn Thực cũng xác nhận, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 15/8/2003, anh có gọi điện tại quán nhà ông Chấn, ông Chấn bấm máy cho anh gọi số máy 566...

Trong phần tranh tụng, luật sư của ông Chấn đã trình bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do bưu điện cung cấp, thể hiện trong ngày 15/8/2003 từ số máy thuê bao nhà Nguyễn Thanh Chấn có cuộc gọi đi cho máy mang số 566…  với thời lượng từ 19 giờ 19 phút  51 giây đến 19 giờ 20 phút 31giây.

Có điều, tòa đã bác bằng chứng này với lí do “cho dù tính khách quan và khoa học của bảng kê điện tử kể trên là không ai có thể phản bác hoặc phủ nhận về cuộc đàm thoại đã được ghi nhận, tuy nhiên tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Còn lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng”. 

Vì sao Nguyễn Thanh Chấn kêu oan trước tòa?

Một câu hỏi được đặt ra trong vụ án này là vì sao 1 người dân bình thường, được đánh giá hiền lành, chịu khó, nhân thân tốt, con liệt sĩ lại khai nhận và ký vào các bút lục lời khai nhận tội giết người dã man, tàn bạo? Tại sao đã nhân tội trước cơ quan cảnh sát điều tra, nhưng cả 2 lần khi ra trước pháp đình, bị cáo đều phản cung, để rồi 3.686 ngày ngồi trong ngục tù vẫn cùng gia đình liên tục gửi đơn kêu oan, cầu cứu?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã trao đổi với chị Thân Thị Hải là họ hàng của ông Chấn, người có công rất lớn trong việc kêu oan cho ông Chấn.

Chị Hải cho biết: “Sau khi tôi đưa gia đình anh Chấn vào gặp anh lần đầu tiên sau 1 tháng bị bắt, anh Chấn có kêu anh bị oan. Tôi hỏi oan sao lại ký vào bản khai nhận tội thì anh Chấn có nói: Em bị ép cung, điều tra viên đánh đập, ép cung, dọa nếu em không ký sẽ bị đầu gấu trong trại đánh chết. Sau đó em được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra”.

Vấn đề này đến nay mới chỉ là lời khai 1 phía từ ông Chấn và người thân trong gia đình cung cấp. Để trả lời câu hỏi này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ những biện pháp điều tra của Cơ quan Điều tra tỉnh Bắc Giang trong đấu tranh chống tội phạm, nhất là trong vụ án oan sai nghiêm trọng này.

Căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết mới thu thập được, tại văn bản kháng nghị xét xử tái thẩm vụ án, Viện KSND Tối cao xác định, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có khá nhiều sai sót, như dấu vết không được thu thập đầy đủ và giám định khoa học; các tài sản như nhẫn vàng, tiền của chị Hoan được nhân chứng cung cấp nhưng quá trình điều tra không làm rõ; các lời khai của nhân chứng chưa đủ cơ sở xác định hành vi của ông Chấn…

Do vậy, ngày 4/11, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Theo dự kiến, ngày mai (6/11), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xét xử tái thẩm vụ án oan đang gây chấn động dư luận này.

Quang Đông
theo Thanh tra

Từ khóa: