Sự kiện hot
12 năm trước

Vũ khí hạt nhân Iran thực sự đe dọa ai?

Xu hướng hiện tại nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân đã phản ánh hai sự thay đổi quan trọng và tương thuộc lẫn nhau. Từ khí cạnh của Israel, những sự thay đổi này đều được đón nhân, cho dù chính quyền Tel Aviv vẫn phải cẩn trọng về vai trò của họ.

Xu hướng hiện tại nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân đã phản ánh hai sự thay đổi quan trọng và tương thuộc lẫn nhau. Từ khí cạnh của Israel, những sự thay đổi này đều được đón nhân, cho dù chính quyền Tel Aviv vẫn phải cẩn trọng về vai trò của họ.


Israel hoặc Mỹ nếu muốn tấn công Iran đều có nguy cơ phải trả cái giá quá đắt.

Sự thay đổi đầu tiên là Mỹ và các đồng minh phương Tây gia tăng nỗ lực để ngăn Iran theo đuổi chương trình hạt nhân. Điều này được thúc đẩy một phần từ phát hiện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA hồi tháng 11/2011 rằng Iran thật sự đang phát triển vũ khí hạt nhân, và rằng Iran đang sắp sửa bước qua "vạch đỏ" - thời điểm mà tiến trình hạt nhân không thể ngưng lại được. Hơn nữa, Mỹ và các đồng minh của họ hiểu rằng thất bại trong việc đưa ra hành động có thể khiến Israel tiến hành tấn công quân sự đơn phương nhằm vào Iran.

Sự thay đổi thứ hai chính là quan điểm cho rằng tiềm lực hạt nhân của Iran không chỉ đe dọa riêng Israel. Trong bài phát biểu với Liên hiệp Cải cách Do Thái vào tháng 12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng "một mối đe dọa khác đối với an ninh của Israel, Mỹ và cả thế giới chính là chương trình hạt nhân của Iran". Nhưng, vào tháng Hai này, ông Obama lại nói về Iran rằng "ưu tiên số một của tôi vẫn là an ninh của nước Mỹ, cùng với an ninh của Israel, và chúng ta tiếp tục làm việc một cách sát sao vì chúng tôi muốn nỗ lực giải quyết vấn đề này".

Cách chọn lối diễn đạt trên không phải là một sơ suất, mà đúng hơn, đó là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi chiến thuật khi tiếp cận vấn đề Iran. Suốt hơn thập kỷ qua, câu hỏi "Đây là vấn đề của ai?" đã trở thành một phần trong tranh luận về chính sách đối với các tham vọng hạt nhân của Iran. Cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon thường lưu ý các đồng nghiệp của ông đừng có "cố đứng lên tuyến đầu" trong vấn đề Iran. Ông lập luận rằng nếu như Israel dẫn đầu trong việc gióng lên hồi chuông báo động về tham vọng hạt nhân của Iran, vấn đề này sẽ chỉ được coi là một "rắc rối khác của Israel" mà thôi.

Trên thực tế, các nhà phê bình ở Israel thường lập luận rằng đây là một chiêu "cái đuôi đòi vẫy cái đầu" - tức là Israel và những người vận động hành lang cho họ đã cố buộc Mỹ phải phục tùng các lợi ích của Israel chứ không phải vì lợi ích của Mỹ. Ví dụ rõ rành nhất trong quan điểm này chính là các tuyên bố của nhà khoa học chính trị John Mearsheimer và Stephen Walt. Trong bài báo xuất bản trước khi cuốn sách gây tranh cãi của họ được phát hành có tên "Những người vận động hành lang cho Israel", họ lập luận như sau:

"... Tham vọng hạt nhân của Iran không hề gây ra mối đe dọa từ bên ngoài nào đối với Mỹ. Nếu như Washington có thể sống chung với một Liên bang Xô Viết đầy hạt nhân, một Trung Quốc có hạt nhân, và thậm chí là với cả Triều Tiên cũng có hạt nhân, thì họ cũng có thể sống chung với một Iran có hạt nhân. Và đó là lý do tại sao phe vận động hành lang [cho Israel] phải liên tục duy trì sức ép lên các chính trị gia của Mỹ để đối đầu với Tehran".

Thủ tướng đương nhiệm của Israel Benjamin Netanyahu không lo lắng về vai trò của Israel nhiều như là người tiền nhiệm Ariel Sharon. Ông Netanyahu đã quá bận bịu với việc can dự trực tiếp vào nỗ lực loại trừ mối đe dọa chết người mà một nước Iran có hạt nhân có thể gây nên cho nhà nước Do Thái.

Trước khi thắng cử vào năm 2009, ông Netanyahu đã vận động chiến dịch về mối nguy hiểm của Iran, và chính quyền của ông đã biến vấn đề này trở thành lo ngại cốt yếu của mình. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, ông Netanyahu đã thuyết phục thành công ông Obama và phần còn lại của thế giới rằng Israel đã chuẩn bị tấn công quân sự như là cứu cánh cuối cùng nếu như Mỹ và các đồng minh của họ không thể ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran kịp thời.

Chính sách này đã phát huy tác dụng, nhưng nó cũng kéo mọi sự chú ý vào tác động của Israel lên vấn đề Iran. Nực cười là, điều này lại không khiến cho mọi người chống lại Israel, ít nhất là cho tới lúc này, một phần bởi vì ông Obama và các lãnh đạo khác giờ đây nhìn nhận Iran là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn, và do đó, họ cảm thấy cần phải có hành động thích hợp.

Cộng đồng quốc tế phải nhấn mạnh rằng các thành viên của họ đang hành động vì lợi ích dân tộc của họ, chứ không đơn giản là vì lợi ích của riêng Israel. Nhưng sự nhiệt tình của họ cũng có thể xẹp dần - đặc biệt là nếu như các lệnh trừng phạt đòi hỏi một cái giá về tài chính quá cao hoặc hành động quân sự gây nên con số thương vong quá lớn.

Israel do đó có thể sẽ khôn ra nếu như nhớ lời căn dặn của ông Sharon, và củng cố sức ép của mình lên chính quyền Mỹ với một chiến dịch ngoại giao rộng hơn. Dù muốn hay không, Israel phải thúc giục thế giới nhớ rằng Iran là vấn đề của tất cả mọi người.

Lê Thu
Theo Vietnamnet

Từ khóa: