Sự kiện hot
10 năm trước

Vũ nữ Cẩm Nhung: Từ nữ hoàng hộp đêm trở thành “kẻ ăn xin”: Đau đớn trong tuyệt vọng

Dantin - Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến. Họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại trên đường, mùi axít xông lên nồng nặc. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân đưa lên xe, chở đến bệnh viện Đô Thành tức bệnh viện Sài Gòn ngày nay cấp cứu.

Dantin - Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến. Họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại trên đường, mùi axít xông lên nồng nặc. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân đưa lên xe, chở đến bệnh viện Đô Thành tức bệnh viện Sài Gòn ngày nay cấp cứu.

Ân tình của “bà cố vấn”


Vũ nữ Cẩm Nhung thời đỉnh cao.

Nhưng do bệnh viên Đô Thành không có khả năng chữa bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân Cẩm Nhung sau đó đã được chuyển đến bệnh viện Đồn Đất tức bệnh viện Nhi Đồng ngày nay chữa trị. Những vũ nữ là bạn cùng nghề với Cẩm Nhung đến thăm, thấy thảm cảnh đánh ghen dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy, thế lực của “Thức công binh” và “Năm Ra-đô” rất mạnh ở Sài Gòn, nên gần như không ai làm gì được họ. Một tuần lễ sau khi xảy ra vụ tạt axít, bà Trần Lệ Xuân - vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu, đi nước ngoài về tới Sài Gòn. Đọc báo thấy sự việc, bà Lệ Xuân tức giận, chỉ đạo Nha An ninh phải làm rõ vụ việc, xử thật nặng những kẻ gây tội ác. Tại bệnh viện Đồn Đất, ban đầu, nạn nhân Cẩm Nhung được cho nằm ở khu dành cho dân thường, ai vào thăm cũng được.

Mỗi ngày, luôn có hàng trăm người thân, bạn bè, những người hiếu kỳ tới thăm Cẩm Nhung. Có một người khách thăm đã kề tai Cẩm Nhung nói rất nhỏ, vừa đủ cho cô nghe: “Muốn yên thân thì hãy câm miệng, nếu cô làm lớn chuyện, “bả” sẽ giết chết cô”. Trong những ngày ấy, bà vú Sọ là người suốt ngày đêm trực bên giường Cẩm Nhung. Tình cờ, bà vú Sọ phát hiện có kẻ lạ mặt rình rập cô Cẩm Nhung. Để kiểm chứng, bà giả vờ ra khỏi phòng bệnh để mua đồ, nhưng kỳ thực, bà nép mình ở góc hành lang để theo dõi. Kẻ lạ đã nhanh như sóc lách mình vào buồng bệnh nhân. Bà vú Sọ hốt hoảng chạy ngay trở lại phòng bệnh, vừa lúc thấy kẻ lạ giở tấm drap trắng đắp lên người Cẩm Nhung. Thấy bà trở vào phòng, kẻ lạ lúng túng nói là người quen tới thăm nạn nhân, sau đó lặng lẽ biến mất. Bà vú Sọ đã báo lên bệnh viện và thông báo với nhà chức trách. Bà Trần Lệ Xuân nghe chuyện, đã chỉ đạo bệnh viện đưa Cẩm Nhung vào khu chăm sóc đặc biệt, không ai được vào thăm khi chưa có ý kiến của lãnh đạo bệnh viện. Mọi cuộc thăm viếng Cẩm Nhung sau đó đều có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động của tất cả các vũ trường, vì theo bà, đó là nguồn gốc của thói ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác. Bà còn cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải xử lý kỷ luật… Sài Gòn những ngày sau đó đìu hiu về đêm, khi mà hàng trăm vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của “bà cố vấn”. Các tướng tá Sài Gòn thì bị một phen sốt vó, chạy lo đủ kiểu để không lộ việc trác táng hay có vợ nhỏ. Không chỉ các vũ trường mà các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, sau đó cũng chịu chung cảnh ế ẩm.

Người trong cuộc là “Thức công binh” cũng đau đớn. Con đường công danh, sự nghiệp của Thức bỗng chốc chấm hết. Bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự không chỉ bỗng chốc mất trắng mà còn bị miệng đời chê cười, mỉa mai. Với áp lực của vợ là Trần Lệ Xuân, cố vấn Ngô Đình Nhu đã buộc trung tá Trần Ngọc Thức phải giải ngũ, trở về làm dân thường. Cũng với áp lực của bà Trần Lệ Xuân và xã hội, cố vấn Ngô Đình Nhu đã yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử. Sau gần ba tháng xảy ra vụ tạt axít, một phiên tòa đã được mở ra xét xử. Kẻ chủ mưu là “Năm Ra-đô” và tên du đãng-hung thủ trực tiếp tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, tên đồng bọn còn lại bị phạt 15 năm tù.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị ở quá trình kháng cáo thì chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ. Không bị xử tù, nhưng “Năm Ra-đô” đã mất hết quyền uy, giống như người chồng của mình.... Về sau, không ai còn biết “Thức công binh” ra sao, còn “Năm Ra-đô” thì gửi thân nơi cửa Phật, với mong muốn gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà ta đã gây ra.

Tuyệt vọng và phá đời


Vũ nữ Cẩm Nhung khi bị tạt axit tại bệnh viện Đô Thành.

Vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít sunphuric đậm đặc đã gây bỏng độ 3 toàn bộ khuôn mặt, đôi mắt của cô cũng bị bỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn chỉ cứu được mạng sống của cô, còn đôi mắt, khuôn mặt thì trình độ của y học Sài Gòn lúc đó chỉ biết “đứng nhìn”. Những người tốt bụng giúp Cẩm Nhung sang Nhật chữa vết thương. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản thời bấy giờ cũng phải “chịu thua”, chấp nhận để dung nhan cô gái bị phá hủy hoàn toàn, vô phương cứu chữa. Hai tháng sau, Cẩm Nhung tự trở về nước. Đau khổ chồng chất khổ đau, Cẩm Nhung đã nhen nhóm ý định “trả thù đời” bằng cách uống rượu, hút thuốc, chơi á phiện…

Khi Cẩm Nhung còn ở trên đỉnh cao người đàn ông nào được dìu cô bước ra sàn nhảy đã là diễm phúc lớn. Còn những kẻ được làm người tình của cô bao giờ cũng phải trải hàng núi tiền dưới chân cô. Bây giờ, để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì. Thế nhưng, với khuôn mặt cháy sém nham nhở, những vết thẹo lồi lõm, cặp mắt mờ đục như muốn lòi ra ngoài, nên hiếm người đàn ông nào đủ can đảm mời nhảy chứ nói chi đến chuyện làm tình nhân của cô. Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè be bét. Người mẹ khốn khổ của Cẩm Nhung, vì buồn phiền đứa con gái bất hạnh của bà bị nạn mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964. Càng thêm đau khổ, Cẩm Nhung càng lao sâu vào các cuộc truy hoan, thiêu đốt hết gia sản kếch xù mà bao nhiêu năm vắt kiệt mồ hôi trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là đại gia, sĩ quan cao cấp mà có được. Gia tài tích cóp được, cứ thế lẳng lặng đội nón ra đi. Bà vú Sọ là người thân duy nhất còn ở lại bên Cẩm Nhung đã hết cách an ủi, khuyên can, nhưng mọi lời an ủi, động viên đối với cô đều như nhát dao bồi tiếp vào nỗi đau, nên không còn giá trị. Cuối cùng, căn nhà trị giá gần 200 lượng vàng thời đó, Cẩm Nhung phải bán đi để có tiền tiếp tục lao vào những cuộc “phá đời”.

Sau đó Cẩm Nhung và bà vú Sọ đến thuê nhà ở khu Cô Bắc, cách không xa nhà của vợ chồng bà “Năm Ra-đô” để ở. Đến một ngày Cẩm Nhung không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà, bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, qua đời. Còn lại một mình trên đời, không nơi nương tựa, không người thân, không nhà cửa, không tài sản, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn con đường đi ăn xin để kiếm sống. Và, lần đầu tiên, người dân Sài Gòn thấy vũ nữ Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào khoảng trước Tết năm 1969. Người sài Gòn nhận ra kẻ ăn xin là Vũ nữ Cẩm Nhung ngồi bên lề đường Lê Lợi, khăn che kín mặt mày, trước mặt là vỏ lon hộp sữa Ghi-gô cô chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường, nhờ trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức.

An Minh

Từ khóa: