Sự kiện hot
13 năm trước

Vụ xả thải trái quy định ở khu công nghiệp Long Thành: Dân chờ kết quả

Đằng sau sự "đổ bể" này là những chuỗi ngày khốn khó của cư dân sống gần cửa xả nước thải, bởi sự việc đã kéo dài nhiều năm.

Đằng sau sự "đổ bể" này là những chuỗi ngày khốn khó của cư dân sống gần cửa xả nước thải, bởi sự việc đã kéo dài nhiều năm.

Một doanh nghiệp nhà nước, một mô hình KCN mẫu lại bị C49-Bộ Công an bắt quả tang xả nước thải "bức tử" dòng sông cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhiều tỉnh, thành, trong đó có TPHCM. Đằng sau sự "đổ bể" này là những chuỗi ngày khốn khó của cư dân sống gần cửa xả nước thải, bởi sự việc đã kéo dài nhiều năm.

Xã "bó tay"

Lão nông Nguyễn Văn Liêm bức xúc vì từ lâu rồi chẳng còn nuôi được tôm cá.

Cách đây 7 năm, trên địa bàn xã Tam An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), dòng nước rạch Vàm Mương, rạch Bà Chèo luôn xanh trong, cấp nước cho địa bàn xã trước khi đổ ra sông Đồng Nai. Cư dân xã Tam An sinh sống bằng nghề nông và nuôi trồng thuỷ sản. Các vườn sầu riêng, măng cụt, những vựa tôm, cá ở vùng này vốn nổi tiếng về chất lượng.

Tuy nhiên mọi việc đã khác khi năm 2004, Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi quyết định chọn địa bàn xã Tam An và An Phước xây dựng khu công nghiệp Long Thành. "Hồi khu công nghiệp Long Thành mới xây xong, bà con thấy họ xây dựng hồ sinh thái chứa nước thải rộng tới 35.000m2. Hồ này có cửa xả, xả nước thải ra rạch Vàm Mương, rạch Bà Chèo. Lúc mới hoạt động, có khi một vài tháng họ mới xả nước từ hồ ra rạch, nước hồ khi đó khá trong. Chính tui còn giăng lưới trong hồ này, cá nhiều lắm", ông Đoàn Văn Chậm (cư dân ấp 2) đứng ngay cửa xả hồ sinh thái nhớ lại sự việc.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, nhiều xí nghiệp được xây dựng tại khu công nghiệp này nên hồ xả nước hằng ngày. Theo ông Chậm, nước hồ không còn trong nữa mà vừa đen vừa hôi. Để dẫn chứng, ông Chậm đưa chỉ tay vào cái cửa xả đang mở toang hoác: "Nó mở suốt vậy đấy", ông nói.

Ông Đoàn Văn Chậm chỉ miệng cống xả nước thải. Ảnh: Tuấn Vương



Xung quanh hồ, cây cối lưa thưa, xơ xác. Những cây dừa thân cao chĩa thẳng lên trời, ngọn trụi lủi không còn chút lá nào. Dừa còn chịu không nổi thì sầu riêng, măng cụt, tôm cá chết là phải. Chúng tôi theo chân ông Chậm đến vườn sầu riêng trước đây ngon có tiếng của ông Nguyễn Văn Trai - một cán bộ xã về hưu. Bây giờ, hơn nửa mẫu sầu riêng của ông điêu tàn, trơ thân trụi lá thi gan với những luồng khói tạt ra từ khu công nghiệp. "Cây chết dần chết mòn hết rồi, cây nào còn sống thì cũng chẳng còn ra trái nữa. Nản quá nên tôi bỏ luôn, biết làm gì bây giờ?", ông Trai than thở.

Cách nhà ông Trai không xa là khu vườn của lão nông 78 tuổi Nguyễn Văn Liêm. Khi chúng tôi đến, ông Liêm mình trần trùng trục chống cằm nhìn mấy cái ao. Ao nào còn nước thì nước đặc quánh, ao nào cạn nước thì trơ một thứ bùn đen, bốc mùi khó chịu. Vợ ông Liêm đứng gần đó cho biết, nhà bà và hàng xóm nuôi vịt, nhưng không con nào chịu nổi thứ nước đen ngòm đó nên chết hết. Vịt chết, tiếc đứt ruột nhưng không dám ăn vì lông nó dính bết một thứ hợp chất đen xì. Mang mấy con vịt lên khiếu nại với nhà máy thì họ cũng ậm ừ cho qua chuyện.

Cái giếng nước nhà ông Liêm khi xưa trong vắt, nhưng từ khi nhà máy xả thải đã không ăn được. Ông Liêm phải thuê thợ khoan thật sâu vào chính cái giếng cũ mới có nước dùng. Giếng khoan chồng lên giếng đào là cảnh không hiếm ở đây. "Con rạch Bà Chèo cung cấp nước cho khoảng 500ha đất nông nghiệp ở xã Tam An, nước rạch bị ô nhiễm thấm cả vào nước giếng. Tôi gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi khắp nơi, giờ cũng oải với chuyện thưa gởi rồi. Chỉ mong nạn ô nhiễm dừng lại còn khó, nói gì đến chuyện đòi công bằng, đền bù", ông Liêm than thở.

Ông Võ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam An cũng bức xúc vì
nước thải hủy hoại môi trường.



Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Tam An, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Võ Văn Luật cũng bức xúc: "Việc nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Long Thành xả nước thải ra sông là việc rành rành trước mắt, tồn tại lâu rồi, bởi họ xả qua cống lộ thiên mà. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh việc này dữ lắm. Chuyện cá chết, vịt chết, cây trái chết hoặc giảm năng suất trầm trọng là sự thật. Chúng tôi chỉ biết đến nhà máy xác minh sự việc rồi báo lên cấp cao hơn chứ không đủ thẩm quyền, chuyên môn thì làm sao xử lý".

"Hồi trước 4 ao nhỏ tôi nuôi cá chim trắng, cá trắm cỏ, còn ao lớn thì nuôi tôm. Nhưng cái cống xả nước thải kia chĩa thẳng vô ao tôm nên tôm chết sạch. Cá cũng lật bụng không còn một mống. Ban đầu còn cố gầy lại nhưng lần nào cũng chết cả, đành bỏ luôn mấy năm nay".

Ông Nguyễn Văn Liêm, 78 tuổi ở xã Tam An

Vừa mừng, vừa lo


Sau khi Cảnh sát Môi trường (C49-Bộ Công an) bắt quả tang Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành đang vận hành xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra bên ngoài (sáng 4/8), lãnh đạo Tổng công ty Sonadezi Đồng Nai một mực chối phắt hành động thiếu trách nhiệm của đơn vị trực thuộc. "Đây là một sự cố đáng tiếc mà chúng tôi không mong muốn. Tôi dám chắc không có đơn vị xử lý nước thải nào khẳng định mình xử lý nước thải an toàn 100%. Tôi khẳng định chúng tôi không cố ý xả trộm như Vedan mà phải hiểu đây là một sự cố", Phó Tổng giám đốc Chu Thanh Sơn cam đoan với báo giới.

Câu trả lời của ông Sơn kết hợp với thực tế diễn ra tại xã Tam An khiến dư luận càng thêm bức xúc đặt câu hỏi: Sự cố gì mà kéo dài gần 7 năm?

Dư luận bức xúc là việc dễ hiểu bởi "sự cố" Vedan chưa lắng dịu thì đến "sự cố" Sonadezi, một doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, phản ứng từ giới chức chính quyền tỉnh Đồng Nai vào chiều 5/8 trong buổi họp giao ban báo chí cũng khiến dư luận phần nào yên tâm. "Tỉnh sẽ xử lý kiên quyết sai phạm của Nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Long Thành", một vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cam kết.

Trong khi đó, người dân xã Tam An vừa vui vừa lo. "Hổng biết kỳ này mấy ổng có làm mạnh không? Chứ như trước thì đâu lại vào đấy", ông Liêm cười nói. Riêng ông Chậm, ông Trai và nhiều bà con nông dân khác thì phấn khởi hơn: "Sau vụ này làm sao đòi bồi thường như vụ Vedan mới được. Nhưng mà chắc phải chờ mấy ông Bộ Công an kết luận đã". Riêng Chủ tịch xã Tam An Võ Văn Luật phấn khởi: "Nếu bà con nông dân có nguyện vọng khởi kiện đòi bồi thường, Hội Nông dân và UBND xã sẽ hỗ trợ bà con hết lòng, dĩ nhiên là phải chờ xem trên kia kết luận ra sao đã. Riêng cá nhân tôi thấy, chuyện bồi thường là công bằng bởi sự ảnh hưởng do nước thải là quá rõ ràng".

Sự chờ đợi, hy vọng của bà con nông dân và chính quyền xã Tam An sẽ có kết quả ra sao, câu trả lời đành chờ nghiệp vụ sắc bén của C49. Trước mắt, tâm lý "kêu trời không thấu" về môi trường sống của cư dân xã Tam An phần nào đã được giải tỏa. "Rồi đây sầu riêng, măng cụt, cá tôm ở Tam An sẽ hồi sinh?", khi chúng tôi hỏi câu này, người nông dân Tam An đáp liền: "Chờ Bộ mới biết chú ơi!".

Sáng 4/8, Cảnh sát Môi trường (C49-Bộ Công an) ập vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành ( thuộc Tổng Công ty Phát triển khu CN Sonadezi) bắt quả tang đơn vị này đang vận hành xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra bên ngoài. Theo C49, chỉ trong đêm 3/8, Nhà máy trên đã xả hơn 9.000m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn. Lượng nước thải này được thu gom từ 42 đơn vị, trong đó có nhiều đơn vị dệt nhuộm, sản xuất hóa chất đang hoạt động tại khu công nghiệp. Hiện C49 đang tiếp tục điều tra để đi đến kết luận cuối cùng.

Đõ Bá
Theo Giadinh

Từ khóa: