Sự kiện hot
12 năm trước

Xăng giảm 500 đồng không có gì khuất tất?

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, việc tăng hay giảm giá xăng phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá, tăng hay giảm bao nhiêu đều dựa vào số liệu thị trường, chứ không thể chủ quan đặt mức bao nhiêu.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, việc tăng hay giảm giá xăng phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá, tăng hay giảm bao nhiêu đều dựa vào số liệu thị trường, chứ không thể chủ quan đặt mức bao nhiêu.

Giải thích cho việc chỉ giảm 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel đêm 9/5 khiến người tiêu dùng hụt hẫng giữa lúc giá xăng dầu thế giới giảm sâu, ông Thỏa khẳng định cách tính của cơ quan quản lý và DN căn cứ vào Nghị định 84, với nội dung tính giá bình quân 30 ngày.

“Tăng hay giảm, tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu đều phải dựa vào số liệu của thị trường, dựa vào cái gốc của thị trường chứ không thể chủ quan đặt mức là bao nhiêu, và khi giảm giá cần cân nhắc đến lợi ích kinh tế của các thành tố tham gia thị trường”, ông Thỏa nói.

Tuy nhiên, theo ông Thỏa, việc tính theo 30 ngày có phù hợp nữa hay không, có cần sửa đổi hay không thì sẽ có tính toán sau.

Ông Thỏa cho biết, Bộ đã đưa ra hai cách tính giá cơ sở song sự chênh lệch không nhiều. Nếu tính giá cơ sở 30 ngày từ ngày 9/4 đến 8/5, so với bình quân 30 ngày trước đó thì giá các loại xăng, dầu thành phẩm giảm từ 2,78 đến 4,69%. Trong cách tính 2, chỉ tính 20 ngày, từ sau ngày các DN điều chỉnh giá thời điểm gần nhất là 20/4 vừa qua, bình quân các loại xăng, dầu giảm 1,86 – 5,18%. Nếu tính giá cơ sở là 30 ngày, theo các quy định hiện hành và các thông số hiện hành như tỉ giá, thuế nhập khẩu 0%, chi phí lưu thông, lợi nhuận định mức….thì chênh lệch giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành đối với xăng là 828 đồng, còn nếu theo phương án tính 20 ngày (từ 20/4) thì chênh lệch 1.100 đồng với xăng. Còn đối với dầu diezen, giá cơ sở sẽ thấp hơn giá bán hiện hành 616 đồng nếu sử dụng phương án 30 ngày và thấp hơn 702 đồng nếu phương án là 20 ngày.

Giá xăng có thể giảm hơn 500 đồng/lít nếu không vướng mắc những điều bất cập trong việc tính giá cơ sở.


Trả lời cho bài toán xử lý chênh lệch đó như thế nào, Ông Thỏa cho biết, theo nhất quán, Bộ đã tính giá cơ sở là 30 ngày. Thế nên, “nếu xăng chênh lệch 828 đồng thì ta chỉ được phép xử lý trong 828 đồng thôi và việc giảm giá xăng 500 đồng/lít hôm qua không có gì khuất tất, không vì lợi ích của DN. Đối với xăng, khi giá thế giới giảm thì tính toán theo các thứ tự như: thuế, quỹ bình ổn giá và giảm giá, nhưng lần này để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, DN, xử lý khôi phục dần mức thuế mà đã giảm về 0% từ rất lâu nay bằng việc tăng thuế lên 2%”. Đồng thời, theo dự báo của ông này, từ nay tới cuối năm, nhất là vào mùa đông nhu cầu xăng dầu tăng thì giá xăng dầu có thể sẽ nhích lên, tăng thuế nhập khẩu sẽ có thêm nguồn lực để bình ổn giá khi giá thế giới tăng.

Ông Thỏa cũng cho biết, rất nhiều quan điểm cho rằng, Nhà nước nên vào thuế cao hơn và giữ mặt bằng giá xăng, dầu bán lẻ để đề phòng giá thế giới lên. Tuy nhiên, “với điều kiện giá thế giới giảm như vậy, chúng tôi cân nhắc, phải tính việc giảm giá cho người tiêu dùng, nhưng mức giảm cũng chỉ trong 828 đồng thôi”.

Không có chuyện DN lãi “khủng”

Xung quanh thông tin trước khi giá xăng, dầu giảm 500 đồng/lít, các DN đều có lãi khủng gần 2.000 đồng/lít xăng, dầu, ông Thỏa khẳng định không thể có chuyện đó. “Tôi không hiểu mọi người tính như thế nào mà lại ra mức lãi của DN tới gần 2.000 đồng/lít? Còn theo tính toán chung nhất của cơ quan quản lý và cả DN theo Nghị định 84 thì mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành chỉ là 828 đồng/lít đối với xăng (bình quân 30 ngày)”.

Ông Thỏa cho rằng, con số khác nhau chỉ có thể khác nhau về chu kỳ tính giá 30 ngày, ví dụ Bộ Công thương tính chênh giá so với Cục Quản lý giá 1 ngày thì giá đã chênh nhau 100 đồng. Hoặc nếu tính theo tỷ giá khác nhau thì cũng ra sai số. Nhưng mức sai số này cũng rất nhỏ, không thể "vọt" lên quá cao được. “Không thể lấy giá xăng dầu thành phẩm 1-2 ngày gần đây để tính ra lãi được, tất cả phải theo một công thức tính chung của NĐ 84”.

Thêm nữa, ông Thỏa cho biết, trong tính toán giá cơ sở để điều hành có tính lãi cho DN 300 đồng/lít, còn lỗ lãi thực tế của từng DN thế nào thì phải dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của DN đó. Giá cơ sở có 2 yếu tố tạo lợi nhuận cho DN: chi phí kinh doanh 600 đồng/lít và mức lãi 300 đồng/lít. DN nào tiết kiệm được chi phí thấp hơn 600 đồng/lít thì được hưởng lợi, nếu không phải tự bù đắp lấy. Phần lãi 300 đồng/lít mà DN được tính trong giá cơ sở cũng vậy. Nhà nước sẽ không bù nếu DN bị lỗ ngoài các khoản này.

Trong 600 đồng/lít chi phí kinh doanh này bao gồm cả trích hoa hồng đại lý. Ông Thỏa đồng tình khi cho rằng phần chi phí này đã lộ diện những bất cập, khi một số yếu tố đầu vào tính toán đã tăng rất nhiều so với trước kia. Điều này cũng đã được Bộ Tài chính đưa ra trong văn bản đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 84 sắp tới.

Nói thêm về những bất cập trong NĐ 84, ông Thỏa cho biết sẽ chú ý sửa đổi việc đại lý chỉ được lấy nguồn từ một đầu mối, đặt quỹ bình ổn giá ở đâu… Trước đây, quỹ bình ổn được để ở DN để chủ động, tránh xin – cho, nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy “không biết đâu mà mò” nên chắc sẽ có sửa đổi.

Nói về thời gian tính giá trong NĐ 84, Cục trưởng cũng thừa nhận 30 ngày là hơi dài. Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc sửa đổi xuống 10 hay 20 ngày còn cần phải bàn kỹ. “Vừa rồi điều chỉnh giá, chúng tôi cũng thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng đối với xăng. Nhiều ý kiến trong Thường trực Chính phủ cho rằng nếu giảm được mức 1.100 đồng này vào giá thì rất tốt”.

Theo Datviet

Từ khóa: