Sự kiện hot
10 năm trước

40% cầu treo trên cả nước trong tình trạng bị hư hại

Theo ông Khuất Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện còn hơn 40% cầu treo đã bị hư hại, xuống cấp cần được sửa chữa. Việc xác định chính xác số cầu cần sửa chữa sẽ thay đổi khi có đánh giá chi tiết về kỹ thuật.


Hiện trường cầu treo bị sập tại Lai Châu. (Ảnh: Công Hải/TTXVN)

Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải tại 56 tỉnh thành trên cả nước tính đến ngày 22/3 cho thấy, cả nước có 1.944 cầu treo, trong đó 1.833 cầu (94%) nằm trên hệ thống đường liên thôn, liên xã. 6% còn lại, tương đương 111 cầu nằm trên đường huyện. 7 tỉnh, thành chưa báo cáo kiểm tra, rà soát cầu treo gồm Hà Nội, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau.

Trong số 1.944 cầu này, có 1.135 cầu, tương đương 58%, đủ điều kiện khai thác bình thường. 809 cầu (hơn 40%) còn lại đã bị hư hại, xuống cấp cần sửa chữa.

“Số liệu trên mới ở bước đánh giá sơ bộ của các địa phương. Việc xác định chính xác số cầu cần sửa chữa sẽ thay đổi khi đánh giá chi tiết về kỹ thuật,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Giải thích điều này, vị Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông nhìn nhận, hiện tại, đa số các cầu được thiết kế tương đương với Tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A (khổ 3,5m, tải trọng xe cơ giới nhỏ hơn hoặc bằng 8T) hoặc loại B (tổng trọng tải xe thô sơ nhỏ hơn hoặc bằng 2,8T có kiểm toán với đoàn người đi bộ 300kg/m2).

“Thậm chí, có một số cầu được thiết kế với tải trọng thấp (cho người đi bộ 100-300kg/m2. Các tải trọng này chưa có trong Tiêu chuẩn thiết kế,” ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các cầu treo trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh, ông Tuấn cho rằng, việc thiếu vốn, thiếu kiến thức chuyên môn của cơ quan quản lý, người thực hiện bảo trì và hạn chế về kiến thức pháp luật là những tồn tại chính hiện nay.

Nhằm khắc phục tồn tại trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo tư vấn tận dụng nghiên cứu của Đề án xây dựng cầu treo tại 28 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và nghiên cứu bổ sung tại 22 tỉnh còn lại có đồng bào dân tộc ít người sinh sống để lập Đề án tổng thể.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, 28 tỉnh trên ban đầu đề xuất xây dựng cầu tại 4.964 vị trí trong đó có 1.190 vị trí đề nghị xây dựng cầu treo. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, phân tích, đánh giá, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định 186 vị trí với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng.

Trong điều kiện cần triển khai sớm để giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép dùng một phần ngân sách Nhà nước để xây cầu tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhu cầu đi lại lớn. Nguồn vốn còn lại có thể huy động từ nhiều nguồn như kêu gọi nhà tài trợ, vay vốn thương mại…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tiếp tục kiểm tra, đánh giá lại khả năng khai thác các cầu; rà soát lại các cầu treo đã hết tuổi thọ khai thác, tổ chức kiểm định đánh giá; rà soát lại việc lắp đặt biển báo phù hợp với quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết thật dễ hiểu để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện; đối với những công trình xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thì phải có biện pháp tạm dừng khai thác để tiến hành sửa chữa, trong trường hợp không sửa chữa được thì ngừng vĩnh viễn và xây dựng cầu mới.

Việt Hùng
theo Vietnam+

Từ khóa: