Sự kiện hot
7 năm trước

7 ca tử vong, hơn 13 nghìn ca mắc, sao HN vẫn chưa công bố dịch sốt xuất huyết?

Chiều 10/8/2017, Bộ Y tế đã họp khẩn bàn về các biện pháp phòng chống dịch, điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra câu hỏi vì sao đã đưa ra các biện pháp để dập dịch mà số người bệnh vẫn tăng lên từng ngày?

Bệnh nhân SXH điều trị tại BV Bạch Mai

Cố gắng mà dịch vẫn tăng

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, mọi năm miền Bắc thường tỷ lệ mắc và tử vong do SXH thấp nhất. Tuy nhiên, năm nay Hà Nội lại cao nhất miền Bắc, với số người mắc và nhập viện quá tải.

Trước những báo cáo về công tác phòng chống dịch được thực hiện rốt ráo, Bộ trưởng Tiến đã đặt câu hỏi “Tại sao Hà Nội làm quyết liệt, áp dụng nhiều phương án chống dịch mà dịch bệnh SXH vẫn tăng?”.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số bệnh nhân mắc SXH được tích lũy từ đầu năm đến nay hơn 13 nghìn ca với 7 ca tử vong. Các ca mắc trong các tuần vẫn tăng, dù mức độ không tăng nhanh.

“Các biện pháp đều đã làm rất đầy đủ nhưng tình trạng SXH vẫn gia tăng. Ngoài lý do khách quan về thời tiết, môi trường, mật độ dân số đông, phát hiện đồng thời nhiều tuýp khiến tỷ lệ mắc nhiều hơn. Nhưng tất cả các biện pháp dựa vào cộng đồng thực sự làm chưa triệt để. Còn muỗi, bọ gậy thì SXH còn tăng”, ông Hạnh thừa nhận.

Ông Hạnh cho biết thêm, để dập dịch hiện giải pháp của Hà Nội vẫn tập trung diệt bọ gậy và muỗi

Trước kia làm theo đoàn thể diệt chỉ theo phong trào, giờ thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH, mỗi đội 2-3 người có sức khỏe, có trách nhiệm, thông thạo địa bàn (từ cộng tác viên y tế hoặc từ đoàn thể ở địa phương), phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Mỗi đội vào hộ gia đình 7 ngày 1 lần tuyên truyền và diệt bọ gậy.

Đến nay 25/30 quận, 308/500 xã phường đã thành lập đội này. Đồng thời, có đội giám sát đội xung kích để kiểm tra. Hiện có 150 đội và 2 ô tô phun hóa chất…

Công khai dịch bệnh

Tình hình dịch vẫn còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khó tiên lượng vì thời tiết mưa nắng thất thường. Tuy nhiên nếu làm triệt để như hiện nay sẽ có thể hạn chế được dịch bệnh.

Trước câu hỏi tại sao ở Hà Nam mới có 144 ca sốt xuất huyết tỉnh Hà Nam đã công bố dịch nhưng Hà Nội có 13 nghìn ca sốt xuất huyết mà vẫn chưa công bố dịch. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết tại Hà Nội đứng thứ 2 sau cả nước về số ca mắc nhưng đứng đứng thứ 5 về số dân mắc trên 100 nghìn dân, số mắc tập trung ở nội thành, năm nay bệnh đến sớm hơn từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã có bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

Ông Hạnh cho biết, theo các chuyên gia đỉnh dịch rơi vào tháng 9 và tháng 11 năm nay thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển nên việc dự báo đỉnh dịch khó lượng trước. Bệnh SXH lưu hành ở Hà Nội năm nên Hà Nội luôn chủ động phòng chống và điều trị SXH.

Hà Nội không công bố dịch theo ông Hạnh vì mục đích công bố dịch là công khai số ca mắc và mục đích thứ hai là huy động nguồn lực phòng chống dịch và thực tế Hà Nội đã công khai dịch với số ca mắc và ca tử vong trên phương tiện thông tin đại chúng.

Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng chống SXH. Thành uỷ chỉ đạo, UBND chỉ thị và các ban ngành đã vào cuộc. Đến nay, Hà Nội chi 20 tỷ đồng cho phòng chống SXH, các huyện cũng chi để phòng SXH. Hà Nội sẽ theo dõi tình hình dịch và có thể đề xuất việc làm thủ tục công bố SXH ở thời điểm thích hợp.

Trước báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra câu hỏi với các đơn vị điều trị và thành phố Hà Nội “tại sao để bệnh nhân nằm ghép gây tốn nhân lực, không tập trung vào ca nặng, không chuyển viện..."

PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho rằng, số lượng bệnh nhân vào viện không nhiều nhưng đi khám cao vì bệnh nhân có ngày bệnh kéo dài nên liên tiếp đến khám nhiều lần tại cơ sở y tế, đồng thời, bệnh nhân thiếu sự tin tưởng ở các cơ sở y tế tư nhân, tuyến huyện nên thường dồn về các bệnh viện tuyến trên…

Trước tình hình bệnh dịch bùng phát không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội, bà Tiến yêu cầu: “Giai đoạn này phải hạ hỏa không còn cách nào khác. Phối hợp phun trong nhà theo đúng kỹ thuật và phun ô tô mở rộng. Đề nghị phun ở chợ, bệnh viện, trạm y tế xã phường, trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng… nơi được coi là ổ truyền nhiễm 3 lần/tháng.

Nếu Hà Nội không đủ lực lượng, kêu gọi hỗ trợ, huy động từ các tỉnh xung quanh chưa có dịch”. Bên cạnh đó, bà Tiến cũng cho rằng truyền thông hữu hiệu nhất là người dân cần chủ động tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, nếu bị bệnh, đến cơ sở y tế gần nhất, và nhập viện khi cần thiết, không nên tập trung vào một nơi tránh lây chéo.

Khánh Ngọc
Theo Infonet

Từ khóa: