Sự kiện hot
6 năm trước

Bộ Giáo dục có ra bộ đề minh họa lần 2 các môn thi THPT quốc gia 2018?

Lượng kiến thức lớp 11, lớp 12 trong đề thi THPT quốc gia, liệu có bộ đề thi minh họa lần 2 THPT quốc gia 2018,… là những thắc mắc của nhiều thí sinh gửi tới Bộ Giáo dục.

Ngày 1/4, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có buổi giải đáp trực tuyển những thắc mắc của thí sinh về những điểm mới, điểm cần lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học và ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã đại diện Bộ để trả lời những thắc mắc này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp những thắc mắc của thí sinh về quy chế thi THPT quốc gia 2018

- Khi nào thì Bộ Giáo dục ra bộ đề thi minh họa lần 2 các môn thi THPT quốc gia 2018?

Hiện nay, Bộ chưa có quyết định cụ thể là có đưa ra bộ đề thi minh họa đợt 2 hay không. Nếu có thì Bộ GD&ĐT sẽ thông báo để thí sinh biết.

- Năm nay đề thi sẽ có khoảng bao nhiêu phần trăm kiến thức lớp 11 và lớp 12?

Theo quy định của Bộ Giáo dục thì tỉ lệ câu hỏi có kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 không quá 30%. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào từng môn, có thể chỉ còn 15%.

- Nếu em làm cả 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì khi xét Bộ Giáo dục sẽ xét như thế nào?

Theo quy định của Bộ Giáo dục, để xét tốt nghiệp THPT thì thí sinh chỉ phải xét 1 trong 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên các em vẫn có quyền đăng ký cả 2 bài thi.

Lợi thế khi đăng ký cả 2 bài thi như vậy, một mặt các em có thể chọn bài có kết quả cao hơn để xét tốt nghiệp. Mặt khác, các em có nhiều cơ hội hơn để xét tuyển vào các ngành của trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, việc học tập và ôn thi sẽ vất vả hơn nên các thí sinh nên cân nhắc.

- Hiện nay ngành học nào đang thừa nhân lực, ngành học nào đang thiếu nhân lực. Em rất cần thông tin chính xác này để sau khi ra trường không rơi vào tình trạng thất nghiệp như chị của em?

Việc lựa chọn ngành nghề luôn luôn là bài toán khó cho các thí sinh và gia đình. Khi tư vấn cho các em về chọn ngành, chọn nghề thì các em phải đặt ra cho mình những câu hỏi.

Đầu tiên, các em phải căn cứ vào sở thích, năng lực học tập của bản thân. Sau khi các em đã chọn được hướng đi của mình rồi thì các em mới nên tìm hiểu những trường đào tạo ngành học theo hướng đi của mình.

Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm của các ngành này cũng là điều mà các thí sinh nên quan tâm. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tất cả các trường khi công bố đề án tuyển sinh phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất. Những ngành mà có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao thì đó là những ngành mà xã hội đang cần.

Tuy nhiên các thí sinh nên cân nhắc một chút. Đó là tại thời điểm các em bắt đầu học là năm 2018 thì nhu cầu ngành nghề đó của xã hội cao, nhưng đến khi các em tốt nghiệp là khoảng năm 2022 – 2023 thì nhu cầu ngành nghề đó của xã hội có thể rất khác. Do đó, các em nên cân nhắc điều này.

Điểm chuẩn để xét tuyển là điều thí sinh cần lưu ý. Những ngành có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu của xã hội cao thì bao giờ điểm chuẩn xét tuyển cũng sẽ cao.

- Nếu hồ sơ của em bị sai thì thời gian để em sửa thông tin là khi nào và em phải liên với bộ phận nào để sửa lại những thông tin này?

Có một số thời điểm để các em điều chỉnh thông tin trong hồ sơ xét tuyển của mình:

+ Khi các em nộp phiếu đăng ký dự thi và phiếu đăng ký xét tuyển: Các trường đại học, cao đẳng sẽ nhập các thông tin của thí sinh vào phần mềm. Sau đó, trường sẽ in ra các dữ liệu thông tin đó để các em kiểm tra lại.

+ Sau ngày 20/4, các thí sinh không thể thay đổi 2 thông tin là môn thi và địa điểm thi. Tuy nhiên từ 20/4-20/5 nếu như vẫn còn sai sót thì các thí sinh vẫn có thể điều chỉnh được.

Như vậy, về thông tin để xét tốt nghiệp thì thí sinh có thể thay đổi đến hết ngày 20/5.

+ Thí sinh có thể bổ sung thông tin còn thiếu của mình vào ngày làm thủ tục dự thi 23/7.

Còn với thay đổi thông tin tuyển sinh thì các em có thể thay đổi lần cuối từ ngày 19-26/7.

Như Sương
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: