Sự kiện hot
12 năm trước

Áo xanh đuổi “lá vàng”

Hai chữ "lá vàng" từ nay vĩnh viễn cắt rời với cái tên dân tộc La Hủ. Không còn "lá vàng" cũng có nghĩa là chấm dứt cuộc thiên di của người La Hủ trên miền biên viễn Lai Châu. “Điều đơn giản mà kỳ diệu ấy là do bộ đội biên phòng làm ra đấy” - ông Phàn Xạ Chô - già bản Tân Biên bảo vậy.

Hai chữ "lá vàng" từ nay vĩnh viễn cắt rời với cái tên dân tộc La Hủ. Không còn "lá vàng" cũng có nghĩa là chấm dứt cuộc thiên di của người La Hủ trên miền biên viễn Lai Châu. “Điều đơn giản mà kỳ diệu ấy là do bộ đội biên phòng làm ra đấy” - ông Phàn Xạ Chô - già bản Tân Biên bảo vậy.

Ký ức của người La Hủ lá vàng

Cơn mưa chiều nặng hạt miền biên viễn xa xôi nơi ải Bắc đã giữ chân chúng tôi lại nhà già bản Phàn Xạ Chô, dân tộc La Hủ ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhờ cơn mưa rừng bất chợt này, tôi có dịp được hiểu rõ hơn về hai chữ "lá vàng" từng gắn với cái cái tên dân tộc La Hủ bao đời qua. Đây là tộc người chỉ có duy nhất ở huyện Mường Tè, với gần 6.500 nhân khẩu, chiếm 2,5% dân số tỉnh Lai Châu.

Bộ đội Biên phòng Đồn Pa Ủ hướng dẫn người La Hủ cách trồng rau, cải thiện cuộc sống.

Ông Phàn Xạ Chô kể: Người La Hủ từ bao đời qua sống chui lủi trong những cánh rừng rậm miền biên giới Việt-Trung, phụ thuộc vào thiên nhiên là chính với phương thức sản xuất hái lượm.

Cũng bởi phương thức sinh sống ấy nên người La Hủ chẳng có nhà, họ cư trú trong những túp lều dựng tạm với mái lợp bằng lá cây. Khi lá cây trên mái lều úa vàng thì cũng là lúc cái rau, cái măng, củ mài, con thú nhỏ… quanh đấy đã được họ săn bắt, hái lượm hết để làm thức ăn.

Vậy là họ lại tiếp tục rời đi đất khác… và trở thành nét đặc trưng duy nhất của một dân tộc, đến nỗi người ta gắn luôn đặc trưng ấy với tên dân tộc để thành cụm từ: La Hủ lá vàng.

Người La Hủ khi xưa sống theo kiểu bộ lạc, không thích tiếp xúc với người ngoài. Chính nhờ sự biệt lập ấy nên trang phục và tiếng nói của người La Hủ không bị thất truyền, pha tạp như nhiều dân tộc khác. "Nhưng cái đáng sợ là chuyện hôn nhân cận huyết, tảo hôn, sinh đẻ vô tội vạ và tự ty, lẩn tránh người lạ… Những điều ấy khiến người La Hủ đã đói nghèo, lạc hậu lại đói nghèo, lạc hậu thêm. Đến cả một cái tết cổ truyền, người La Hủ cũng đánh mất từ khi nào không rõ" - sau một hồi trầm ngâm, ông Chô bảo vậy.

Cuộc "dừng chân" mang tầm thời đại

Với người La Hủ thì "người hiện đại" mà họ hay được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều nhất chính là những người lính biên phòng nơi ải Bắc. Ông Thàng Xuân Ly- Chủ tịch UBND xã Pa Ủ nhớ lại: “Trước đây, Nhà nước cũng đầu tư nhiều lần cho người La Hủ những khoản trợ cấp: Gạo, giống cây trồng, vật nuôi... nhưng do tỉnh nghèo, kinh phí dàn trải nên mức đầu tư thấp, mà người La Hủ chúng tôi lại quá lạc hậu nên nhưng khoản hỗ trợ ấy không phát huy tác dụng, chẳng níu chân người dân khỏi những cuộc di dời triền miên.

Từ năm 2009, khi có "Dự án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ khu vực biên giới Mường Tè, Lai Châu" và sự vào cuộc quyết liệt của bộ đội biên phòng - chủ dự án thì người La Hủ thay đổi hẳn. Chúng tôi đã hình thành những bản tái định cư mới, có nhà cửa vững chãi, có gạo đủ ăn, có điện, có nước, nhà lớp học. Tuy còn rất nhiều khó khăn để hoà nhập với cuộc sống hiện đại nhưng người La Hủ đã có tương lai tươi sáng trong tầm tay”.

Cái "tương lai tươi sáng" của người La Hủ có thể nhìn thấy ngay qua ô cửa nhà chủ tịch Ly. Đó chính là sự quần cư của những bản người La Hủ dưới những ngôi nhà lợp tôn, mới và vững chãi; đó là những đám trẻ áo quần tươm tất nô đùa bên sân nhà văn hoá bản; đó là điểm dịch vụ hàng hoá đầu tiên trong bản mới hình thành do cô gái La Hủ - chị Phàn Phi Lơn mở ra ngay bên bể nước sạch đầu bản.

"Nhưng cái quan trọng hơn là người La Hủ đã được bộ đội biên phòng dạy cho biết trồng rau, nuôi gà, cấy lúa nước, trồng lúa nương, trồng ngô với năng suất cao. Tới đây, người La Hủ sẽ tự chủ được lương thực, thực phẩm như các dân tộc khác; sẽ có hàng hoá để bán, để làm giàu…"- anh Pờ Phu Xa, dân bản Tân Biên nói vậy.

Chỉ vào bé gái mặc áo hoa đỏ đang chơi đùa với chúng bạn trên sân, anh Xa bảo: “Con gái tôi đấy. Nó tên là Pờ Ra Hừa, học hết lớp 4 rồi. Tới đây nó sẽ làm cán bộ, làm kỹ sư, làm cô giáo bản. Nó sẽ là niềm tự hào của chúng tôi. Đời tôi không biết chữ nhưng đời con cái mình sẽ khác đi nhiều”.

Những "đứa con yêu" của người La Hủ

Từ phía đầu bản xôn xao những tiếng nói chào ríu rít của đám con trẻ. Già bản Phàn Xạ Chô ngó đầu qua cửa sổ, cất tiếng cười khà khà: “Bộ đội lại về với bản đấy. Cái chân nó (chỉ các anh bộ đội biên phòng đồn Pa Ủ) đi khắp nơi, lên tận mốc 40 trên đỉnh núi cao kia, khi trở về vẫn tranh thủ đến với dân bản. Không phải nó không mệt đâu nhưng cái bụng tốt, cái trách nhiệm đưa nó về với dân, về giúp dân đấy”.

Nhìn theo hướng ông Chô chỉ, chúng tôi thấy 5-6 người lính biên phòng, súng khoác vai, balô nặng trên lưng đang dắt tay những đứa trẻ về bản như tình anh em ruột thịt lâu ngày mới gặp nhau. Ông Chô trầm tư nhìn bếp lửa bập bùng, nói với cánh thanh niên bản đang ngồi quanh: Mình phải bảo nhau làm tốt hơn những điều bộ đội biên phòng và cán bộ đã dặn dò. Bộ đội đi mấy ngày đường tuần tra mới về, qua cả những điểm cao hơn 3.000m nhưng vẫn vào với bản bởi họ chưa an tâm, lo cho người La Hủ còn ăn, ở chưa vệ sinh; ngủ chưa mắc màn, con trẻ không ôn bài sau giờ học... Cái gì cũng nhờ đến bộ đội biên phòng thì xấu hổ lắm. Phải tự giác thôi!

Rời bản Tân Biên, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 30km, đến với bản Mu Chi của người La Hủ trong xã Pa Ủ. Anh Thà Mà Đư, dân bản Mu Chi đang loay hoay nấu bữa cơm chiều với chiếc bếp tiết kiệm nhiên liệu mới được "cấp trên hỗ trợ".

“Người La Hủ yêu quý bộ đội biên phòng như người trong nhà mình. Bộ đội cũng quý dân như người ruột thịt. Cái từ "lá vàng" đầy đau khổ bây giờ không còn gắn với chúng tôi nữa...”.

Anh Đư bảo: “Bộ đội Biên phòng Đồn Pa Ủ cũng vừa ở đây, hôm nay họ hướng dẫn chúng tôi khai hoang, làm ruộng bậc thang để cấy lúa; còn hôm trước là dạy cách đào ao, nuôi cá. Người La Hủ chưa quen với cách cầm cuốc, cầm cày đâu. Bộ đội phải nắm tay hướng dẫn mãi mình mới biết làm đấy.

Ngày mai mình sẽ cùng dân bản đi lấy cây tre, dẫn cái đường nước về để làm ruộng. Ở đây, cái gì không biết thì cứ hỏi bộ đội biên phòng. Họ không chỉ bảo chúng tôi cách làm mà sẽ cử người xuống làm cùng với dân nữa”.

Câu nói của anh Đư làm tôi chợt nhớ lại lời của ông Hà Văn Núi - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi sơ kết 3 năm thực hiện đề án "Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ khu vực biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu" diễn ra hôm 19.6.

Sau chuyến đến thăm các bản người La Hủ đã định cư nhờ sự vận động, thuyết phục và lao động bền bỉ của những người lính biên phòng Lai Châu, ông Núi khẳng định: “Đây là điểm sáng để các địa phương khác học tập về tinh thần đại đoàn kết toàn dân, về chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và tinh thần quân dân kết hợp ở miền biên giới!”.

Kiều Thiện
theo Dân Việt

Từ khóa: