Sự kiện hot
11 năm trước

Bà Aung San Suu Kyi làm đại sứ UNAIDS

Bà Aung San Suu Kyi, đã nhận lời làm đại sứ cho Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với bệnh nhân AIDS.

Bà Aung San Suu Kyi, đã nhận lời làm đại sứ cho Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với bệnh nhân AIDS.


Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibé và bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: UNAIDS

Bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, phát biểu về vai trò mới của bà: "Đây là một vinh dự lớn khi được lựa chọn như là một người dẫn đầu giúp những người sống bên lề xã hội và phải đấu tranh mỗi ngày để duy trì nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người. Tôi muốn là tiếng nói của những người không thể nói được" - bà Suu Kyi bày tỏ.

Nữ thành viên Quốc hội Myanmar này đã chấp nhận lời mời của Liên Hiệp Quốc sau một cuộc họp mới đây với giám đốc điều hành UNAIDS, ông Michel Sidibé, tại nhà riêng của bà ở thủ đô Nay Pyi Taw.

Bản tin của UNAIDS công bố bổ nhiệm bà Suu Kyi cho biết bà là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào phòng chống AIDS và từng công khai hỗ trợ những người sống chung với HIV như là một phần của những nỗ lực của bà để chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

"Từ những ngôi làng nhỏ đến các thành phố lớn, từ châu Phi tới châu Á, người ta đều đang nói về Daw Aung San Suu Kyi - ông Michel Sidibé nói - Bà ấy là nguồn cảm hứng. Chúng tôi vinh dự có bà trong chiến dịch UNAIDS chống phân biệt đối xử toàn cầu của chúng tôi. Tôi hi vọng trường hợp của bà sẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo cộng đồng ở khắp nơi lên tiếng chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử".

Bà Suu Kyi cho biết: “Tại Myanmar, chúng tôi đang điều trị hơn 40.000 người đang sống chung với HIV. Điều quan trọng là tất cả những người nghi ngờ họ có nguy cơ mắc bệnh phải tìm cách xét nghiệm HIV và biết tình trạng nhiễm HIV của mình sớm, vì vậy họ có thể ngăn ngừa và có thể điều trị khi cần thiết".

Chương trình UNAIDS đang phấn đấu để đạt mục tiêu không có sự phân biệt đối xử, không có ca nhiễm HIV mới và không có ca tử vong liên quan đến AIDS.

Những điều trên - theo ông Sidibé - sẽ trở thành hiện thực nếu thế giới có thể cách mạng hóa công tác phòng chống HIV, vận động những người trẻ tuổi như là tác nhân của sự thay đổi, mở rộng quy mô tiếp cận một cách phổ biến cho việc điều trị và dịch vụ chăm sóc người bệnh, thay đổi chi phí điều trị, thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…

Đồng thời, ông Sidibé cũng đề cập việc mở những cuộc thảo luận thẳng thắn về tình dục giữa các thế hệ.

UNAIDS hi vọng những người di cư, tiêm chích ma túy, gái mại dâm, những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng tính - tức những đối tượng dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn dịch AIDS - sẽ không bị phân biệt đối xử và có quyền được hưởng các dịch vụ sống phí tổn thấp.

 UNAIDS là gì?

UNAIDS là tên viết tắt của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS nhằm phối hợp các nỗ lực và nguồn lực của 10 tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc trong công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS trên toàn cầu. UNAIDS hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng, thực hiện và mở rộng các chiến lược toàn diện về phòng chống AIDS.

UNAIDS hoạt động dựa trên nhận thức rằng ứng phó với HIV cần phải được mở rộng không ngừng cho tới lúc dịch bị ngăn chặn hoặc ảnh hưởng của nó giảm xuống đáng kể. Sự mở rộng này có hai yếu tố: thúc đẩy tiếp cận phổ cập về dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ; và kết hợp các nỗ lực đó với những hành động có thể giải quyết các nhân tố xã hội làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV của con người.

UNAIDS có trụ sở tại Geneva và có văn phòng hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới.

(Nguồn: UNAIDS)

Trung Nghĩa
Theo TTO, UNAIDS, Bangkok Post

Từ khóa: